Trong nhiều năm, hai “kỳ lân” (startup được định giá trên 1 tỉ USD) Uber và Lyft đã trì hoãn việc trở thành công ty đại chúng. Còn bây giờ cả hai lại đang tăng tốc trước những biến động khó lường của thị trường chứng khoán (TTCK).
Lo ngại về một TTCK đầy biến động và triển vọng suy thoái kinh tế vào năm tới, các dịch vụ gọi xe nhận thấy họ sẽ phải đẩy nhanh những đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo New York Times, ban đầu Lyft có kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào giữa năm 2019, nhưng hãng đã đẩy nhanh kế hoạch sau đà bán tháo trên TTCK gần đây và vì muốn được IPO trước Uber. Vào ngày 6-12, công ty vốn gần đây được định giá 15 tỉ USD, tuyên bố họ đã bí mật nộp đơn cho một đợt IPO. Uber cũng đã đẩy nhanh kế hoạch IPO. Trước đây, Uber từng nói rằng muốn IPO vào mùa thu năm 2019, nhưng đã đẩy nhanh kế hoạch vì lo ngại rằng một cuộc suy thoái có thể sẽ đến. Uber có thể sẽ IPO vào tháng 4-2019. Các ngân hàng đầu tư định giá Uber tới 120 tỉ USD trong một đợt IPO.
Các động thái của Lyft và Uber cho thấy họ đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải quyết định nên IPO vào thời điểm nào trong lúc TTCK hỗn loạn và bức tranh kinh tế rộng lớn hơn có nhiều bất ổn. Thời điểm niêm yết công khai cổ phiếu của một công ty thường được thay đổi nhiều lần, nhưng những động thái của Uber và Lyft sẽ ảnh hưởng tới một loạt các startup được giá cao ở Thung lũng Silicon, vốn cũng đang chuẩn bị tiếp cận các thị trường đại chúng.
Đối với Uber và Lyft, câu hỏi lớn nhất mà họ gặp phải từ các nhà đầu tư thị trường đại chúng là liệu doanh nghiệp của họ có thể sinh lãi hay không. Việc mở rộng dịch vụ gọi xe đòi hỏi phải chi tiêu để tuyển dụng lái xe ở nhiều thành phố, điều này có thể nhanh chóng trở nên đắt đỏ. Tháng trước, Uber cho biết rằng họ đã lỗ 1,07 tỉ USD trong quý III-2018, vì đã chi tiền để đầu tư vào các lĩnh vực mới như xe đạp, xe tay ga và vận chuyển hàng hóa.
Airbnb, nền tảng cho thuê phòng trực tuyến, có kế hoạch sẵn sàng ra mắt công chúng vào giữa năm 2019 mặc dù chưa đưa ra mốc thời gian chính thức. Slack, ứng dụng chat nhóm, cho biết họ đã sẵn sàng cho một IPO nhưng không có mốc thời gian cụ thể. Việc ra mắt TTCK nào của các công ty này sẽ là chương cuối cùng của kỷ nguyên “kỳ lân”. Nhiều trong số các công ty này, được sinh ra sau cuộc suy thoái năm 2008, đã thúc đẩy một làn sóng áp dụng điện thoại thông minh, biến các ngành kinh doanh như taxi hoặc giao hàng tạp hóa thành các dịch vụ theo yêu cầu. Họ cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư tư nhân, điều được thúc đẩy bởi lãi suất thấp.
Trong nhiều năm, nhiều “kỳ lân” không vội vàng niêm yết công khai vì có thể phát triển dễ dàng với nguồn tiền từ các nhà đầu tư tư nhân và tránh xa sự giám sát của Phố Wall. Nhưng TTCK biến động khó lường, một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các nước khác cùng với viễn cảnh bất ổn của nền kinh tế hiện đang tạo ra áp lực lên quyết định IPO của các startup. Rất ít CEO muốn IPO khi nhu cầu cổ phiếu của nhà đầu tư có thể suy giảm.
Các công ty đã chờ đợi “mọi thứ phải hoàn hảo” trước khi IPO, có thể sẽ phải hài lòng với khái niệm “mọi thứ đã đủ tốt”. Một số kỳ lân thì lại muốn tránh xa sự khó lường của thị trường đại chúng. WeWork, một công ty cho thuê văn phòng trị giá 45 tỉ USD, vốn từ lâu đã được cho là có kế hoạch IPO. Nhưng vào tháng 11, công ty đã đồng ý bán thêm 3 tỉ USD cổ phiếu cho nhà đầu tư chính của mình là SoftBank. Thỏa thuận đó đã cho phép WeWork trì hoãn kế hoạch niêm yết công khai lâu hơn nữa, một người am hiểu tình hình công ty cho biết.