Bên ngoài trụ sở Thị trường chứng khoán Hà Nội trên phố Tràng Tiền. Việt Nam được Bloomberg đánh giá là thị trường IPO náo nhiệt nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đang trở thành thị trường IPO “nóng” nhất khu vực Đông Nam Á trong lúc nền kinh tế của đất nước hơn 90 triệu dân này đang thăng hoa, theo Bloomberg.
Tạp chí kinh doanh và phân tích thị trường cho biết trong năm 2017 thị trường IPO (đợt chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) của Việt Nam tăng đến 6 tỉ USD.
Bloomberg cho rằng chứng khoán trên thị trường Việt Nam còn đắt giá hơn cả nhóm cổ phiếu công nghệ ở Thâm Quyến của Trung Quốc.
Nền kinh tế phát triển mạnh cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra sức mua lớn và góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam bùng phát với nhiều thương vụ IPO lớn nhất khu vực Đông Nam Á, theo dữ liệu của Bloomberg.
Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thận trọng trong “cơn sốt” IPO đang diễn ra ở thị trường náo nhiệt nhất trong khu vực này, theo nhận định của Bloomberg.
Nhưng Bloomberg cũng cho biết các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn đối với các thương vụ cổ phần hóa. Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty quốc doanh. Thị trường tăng trưởng tốt được xem là thuận lợi cho Nhà nước trong quá trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, theo Bloomberg. Trải qua hàng loạt sóng gió những năm đầu thập niên này, kinh tế Việt Nam đang rất “khỏe mạnh”. GDP của Việt Nam đã tăng 7,4% trong quý I-2018, mức cao nhất trong một thập niên qua.
Trở lại với diễn tiến của thị trường chứng khoán, sau mười ngày (từ 10-4 đến 19-4) đột ngột “đổ đèo” mà không có dấu hiệu báo trước, VN-Index đã có phiên giao dịch phục hồi vào cuối tuần trước (20-4), rồi lại tiếp tục giảm mạnh trong ngày 23-4. Một đợt giảm đến hơn 10% giá trị của VN-Index khiến cho nhiều nhà đầu tư hoảng loạn, nhất là với những người “mua đỉnh” ở vùng giá cao nhất (khi VN-Index vượt qua mốc 1.200 điểm).
Thị trường chứng khoán khắc nghiệt là thế, khiến cho không ít nhà đầu tư “kinh nghiệm đầy mình” cũng phải lao đao nếu chẳng may bị “kẹp hàng”. Còn nhà đầu tư nhỏ lẻ ít kinh nghiệm thì khỏi nói. Họ là những người dễ bị thua thiệt nhất trên thị trường do tâm lý rất hay bị dao động, hùa mua hùa bán với đám đông. Đặc biệt, họ thường mắc phải tâm lý rất nhanh chốt lời nhưng rất chậm cắt lỗ.
Dĩ nhiên, khi mua vào cổ phiếu ai cũng kỳ vọng giá cổ phiếu ấy sẽ tăng trong tương lai, nhưng khi chúng thực sự tăng và tài khoản mới có lãi chút ít thì họ đã hồi hộp lo lắng vì tâm lý sợ mất cái đang có, hệ quả là muốn “ăn non”, bán đi cổ phiếu mới trong giai đoạn đầu tăng giá. Ngược lại, khi cổ phiếu đang ghi nhận lỗ, những nhà đầu tư này lại có mong muốn chờ đợi cổ phiếu về lại vùng giá cũ và thế là họ sẵn sàng giữ những cổ phiếu lỗ cả nửa năm, một năm. Khi ấy, những nhà đầu tư này đã quên mất một bài học trên thị trường rằng thời gian là bạn của doanh nghiệp tốt và là kẻ thù của những doanh nghiệp xấu. Kết quả của chuỗi lẩn quẩn này là số đông nhà đầu tư tham gia thị trường khi lãi thì kiếm được rất ít, nhưng khi lỗ thì lỗ rất nặng.
Muốn kiếm tìm được lợi nhuận trong giai đoạn rung lắc mạnh mẽ như hiện nay, nhà đầu tư vẫn luôn cần tuân thủ chiến lược đề ra, mua những cổ phiếu của các doanh nghiệp thực sự đang kinh doanh tốt, tạm thời không sử dụng margin và thậm chí là nên rời xa bảng điện, để không bị cuốn vào vòng xoáy lên xuống của thị trường.