Họa sĩ người Áo Gustav Klimt, tác giả của bức Nụ hôn bất tử – nhiều lần được vinh danh là tác phẩm hội họa lãng mạn nhất vào mùa Valentine(1), và cũng là một trong số mười họa sĩ có tranh cao giá nhất mọi thời lại tiếp tục gây sôi động trên các sàn đấu giá: bức chân dung ông vẽ mệnh phụ Adele Bloch-Bauer lập kỷ lục mới khi được bán với giá 150 triệu USD. Sau hơn mười năm, giá trị bức tranh đã tăng 71%.
Đôi vợ chồng Ferdinand Bloch và Adele Bloch-Bauer ở trong số những nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng nhất và có giá trị nhất ở kinh thành Vienna của nước Áo vào đầu thế kỷ XX. Bộ sưu tập của họ bao gồm tranh của các bậc thầy hội họa thành Vienna nửa đầu thế kỷ XIX, các tác phẩm điêu khắc và đồ gốm sứ tuyệt hảo cũng như hàng loạt tranh của Gustav Klimt, trong đó có hai bức chân dung Adele Bloch-Bauer. Sinh năm 1881, Adele là con út trong gia đình của một doanh nhân có máu mặt ở Vienna. Năm 18 tuổi, Adele kết hôn với nhà công nghiệp Ferdinand Bloch lớn hơn cô 17 tuổi nhưng họ không có con. Giàu có và nhàn rỗi, Adele là bà chủ của những buổi tiệc khoản đãi giới nghệ sĩ tạo hình thành Vienna đồng thời là nhà sưu tập hàng đầu các tác phẩm của họ. Cũng nhờ đó mà mệnh phụ Adele Bloch-Bauer đã trở nên bất tử khi được Klimt vẽ hai bức chân dung vào những năm 1907 và 1912 (một tác phẩm khác của Klimt là bức Judith được cho là lấy cảm hứng từ chân dung Adele Bloch-Bauer).
Oprah Winfrey với “cú chạm tay Midas”
Tháng 6-2006, bức Adele Bloch-Bauer I (1907) đã được bà Maria Altmann, cháu của Ferdinand Bloch bán cho nhà sưu tập tỉ phú Ronald Lauder với giá kỷ lục 135 triệu USD, và tranh được trưng bày tại Bảo tàng Neue Galerie của ông ở New York từ tháng 7-2006. Đến tháng 11-2006, bà Maria Altmann đưa bức Adele Bloch-Bauer II (1912) lên sàn đấu giá Christie’s ở New York và bán được với giá 87,9 triệu USD mà người mua là nữ doanh nhân tỉ phú – người dẫn chương trình truyền hình lừng danh Oprah Winfrey. Mùa thu năm 2014, bà Oprah Winfrey đã cho Bảo tàng MoMA ở New York mượn bức Adele Bloch-Bauer II trưng bày dài hạn. Song đến mùa hè năm ngoái, nữ tỉ phú đã bán bức tranh đó cho một nhà sưu tập Trung Quốc giấu tên với giá lên đến 150 triệu USD, một trong vài vụ chuyển nhượng tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao nhất trong năm 2016. Tính ra sau hơn mười năm đầu tư vào tác phẩm của Klimt, Oprah Winfrey đã có thêm hơn 60 triệu USD, càng làm giàu thêm khối tài sản kếch xù của bà. Do đó giới kinh doanh tác phẩm mỹ thuật quốc tế gọi thương vụ này là “cú chạm tay Midas” của Winfrey(2). Dù đã được sang tay song Adele Bloch-Bauer II vẫn có mặt trong cuộc triển lãm lớn với chủ đề “Klimt và các phụ nữ thành Vienna thời Hoàng kim, 1900-1918”, được tổ chức tại Neue Galerie từ tháng 9-2016 đến tháng 1-2017 và mãi đến tháng 9-2017 mới đến tay chủ nhân mới của nó ở Trung Quốc. Đến với triển lãm này, người xem có cơ hội lần đầu tiên và cuối cùng được thấy cả hai bức chân dung Adele Bloch-Bauer tuyệt mỹ, thể hiện rõ nét hai thời kỳ sáng tác với nhiều thay đổi về phong cách cũng như bảng màu của Klimt.
Đây là vụ sang tay thứ hai tác phẩm của Klimt, trước đó vào tháng 11-2015 bức Rắn nước II (Klimt vẽ trong ba năm, 1904-1907) được tỉ phú người Nga Dmitry Rybolovlev chuyển nhượng cho một nhà sưu tập châu Á với giá 170 triệu USD, theo thông tin của ông Sandy Heller, chuyên gia tư vấn mỹ thuật của Rybolovlev. Theo một nguồn tin khác của tờ New York Times thì tỉ phú người Nga đã mua bức Rắn nước II vào năm 2012 với giá còn cao hơn: 183,3 triệu USD nhưng cất giữ tại một nhà kho ở Hà Lan từ lúc mua. Bức tranh này được biết đã bị bọn phát xít Đức cướp trong Thế chiến II, sau này những người thừa kế của chủ nhân bức tranh đã đòi lại được và bán cho tỉ phú Rybolovlev.
Như vậy tranh Klimt từ hai vụ chuyển nhượng đều đến châu Á, nơi đã hình thành một mạng lưới các nhà sưu tập mới đang rất khao khát thâu tóm những kiệt tác mỹ thuật của các bậc thầy phương Tây như lời của cô Grace Rong Li, chuyên gia tư vấn của các nhà sưu tập châu Á về mỹ thuật phương Tây hiện đại và đương đại: “Klimt nằm trong danh sách của một số người vốn đã biết đến giá trị bức Nụ hôn của ông – cả vể thẩm mỹ lẫn thương mại”.
Tranh phong cảnh của Klimt lên sàn đấu giá
Cùng với Nụ hôn, các tranh vẽ chân dung phụ nữ thành Vienna của Gustav Klimt được công chúng biết đến nhiều hơn mảng tranh vẽ phong cảnh, hoa cỏ của ông. Klimt vẽ khá nhiều tranh phong cảnh, đặc biệt là loạt tranh vẽ vườn Bayern (Bauerngarten) ở Berlin với muôn sắc hoa. Nhưng rất hiếm thấy tranh phong cảnh của người đứng đầu phong trào nghệ thuật Vienna Succession ở các sàn đấu giá. Helena Newman, phụ trách mảng mỹ thuật hiện đại và Ấn tượng của nhà đấu giá Sotheby’s cho biết: “Tranh của Klimt rất hiếm gặp. Ông thuộc nhóm đứng đầu trong số các bậc thầy hội họa thế kỷ XX. Còn bức Vườn Bayern vẽ năm 1907 này cùng thời với các bức chân dung Adele Bloch-Bauer, nó ở ngay trung tâm của thời kỳ quan trọng nhất trong sáng tác của Klimt”.
Không được dát vàng như trong bức Nụ hôn và các tranh khác của Klimt nhưng Vườn Bayern là “một bản giao hưởng của sắc màu” như lời Helena Newman. “Trong bức tranh phong cảnh này, bằng chất liệu sơn dầu tác giả đã tạo được hiệu quả lung linh, trông như thể tranh được khảm đá quý”, Helena Newman mô tả. Tác phẩm được triển lãm tại Vienna một năm sau khi Klimt hoàn thành, hai năm sau nó được bán cho Bảo tàng quốc gia Prague. Bảo tàng Prague bán bức tranh vào năm 1968. Năm 1994, tranh được đưa ra đấu giá ở nhà Christie’s London và được bán với giá 5,8 triệu USD. Tác phẩm tuyệt diệu này sẽ được Sotheby’s đưa lên sàn đấu giá ở London vào ngày 1-3 tới đây và ước tính giá của nó sẽ vượt mức 45 triệu USD, căn cứ vào giá một bức phong cảnh khác của Klimt đã được bán trước đó.
Và với sự kiện bà Oprah Winfrey đã kiếm được bộn tiền với bức Adele Bloch-Bauer II, nhà Sotheby’s tin rằng bức Vườn Bayern có thể sẽ lập kỷ lục mới. Helena Newman hào hứng cho biết: “Quả là một thời điểm hết sức thú vị, phản ánh sự khao khát dài lâu và liên tục đối với tranh của Klimt. Ông đã ngồi cùng hàng với các vị thần như Van Gogh, Monet, Cézanne, Modigliani”.
(1) Vào mùa Valentine ba năm liên tiếp 2011, 2012 và 2013, trang mạng overstockArt.com đã tổ chức thăm dò để chọn ra 10 bức tranh có nội dung về tình yêu lãng mạn nhất; cả ba năm đó bức Nụ hôn đều ở vị trí đầu tiên, trong khi chín vị trí còn lại đã có những chọn lựa khác nhau theo từng năm
(2) “Cú chạm tay Midas” là câu chuyện về vua Midas trong thần thoại Hy Lạp, người đã thỉnh cầu thần Dyonysos cho tất cả những thứ mình chạm tay vào đều hóa thành vàng
- Lê Bản
Xem thêm: