Ngày nay, nhiều ngành, nhiều công ty đang tìm cách tránh xa mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến “sản xuất – sử dụng – vứt bỏ” và hướng về một nền kinh tế tuần hoàn bền vững hơn.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, tài nguyên được sử dụng càng lâu càng tốt để tận dụng được giá trị tối đa, tài nguyên được phục hồi thông qua tái sử dụng, tái chế và tái sinh nhằm tránh tạo ra chất thải và sự ô nhiễm.
Và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing). Quá trình chuyển đổi này đang diễn ra với tốc độ đều đặn.
Dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước để áp dụng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự toàn diện, nhưng nhiều ngành công nghiệp đã bắt đầu tạo ra sự thay đổi.
Vì sao kinh tế tuần hoàn lại là một khái niệm hấp dẫn như vậy? Một số xu hướng là rất rõ ràng. Thế giới sẽ có nhiều người hơn, chúng ta sẽ là một xã hội đô thị hóa hơn theo thời gian.
Xã hội đô thị sẽ tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn tính theo đầu người, nhiều tài nguyên sẽ khan hiếm và chi phí môi trường để tạo ra tài nguyên mới sớm trở nên quá tải đối với hành tinh của chúng ta.
Nền kinh tế tuần hoàn chính là một lối sống mới có thể giúp thế giới thích nghi với những xu hướng này theo cách thân thiện với khí hậu toàn cầu.
Tác động của nền kinh tế tuần hoàn có thể là rất lớn. Theo một báo cáo của tổ chức Ellen MacArthur Foundation(*) và Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vào năm 2016, Ấn Độ có thể tạo ra thêm 218 tỉ USD giá trị kinh tế vào năm 2030 và tăng lên 624 tỉ USD vào năm 2050 bằng cách áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn chỉ với ba lĩnh vực: thành phố và xây dựng, thực phẩm và nông nghiệp, di chuyển và sản xuất xe.
Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm 23% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, tăng lên mức 44% vào năm 2050 và cùng thời gian có thể giảm 24% trong sử dụng nguyên liệu mới (giảm 38% vào năm 2050).
Chỉ riêng ngành công nghiệp may mặc, kinh tế tuần hoàn đã chiếm lĩnh những cuộc tranh luận trong nội bộ các tập đoàn, các hội nghị ngành và trên truyền thông.
Dù chậm nhưng sự chuyển đổi đang diễn ra ổn định trong cộng đồng thời trang. Nhiều thành viên trong chuỗi cung cấp, từ nhà sản xuất vải cho đến nhà thiết kế, đã và đang đón nhận mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không đón nhận xu hướng tiêu thụ bền vững với cùng tốc độ này. Vì thế, những tên tuổi hàng đầu trong ngành có trách nhiệm tạo ra sự thay đổi để tạo ảnh hưởng bằng các nguyên liệu tái chế, tái sử dụng, tăng tuổi đời của sản phẩm và tìm những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Nhiều thương hiệu thời trang đang hợp tác cùng nhau trong sáng kiến Make Fashion Circular do tổ chức Ellen MacArthur Foundation khởi xướng.
Trong số các tên tuổi này có Stella McCartney, PVH và Nike – mục đích của họ là nhận diện vấn đề lãng phí và ô nhiễm của ngành thời trang, thúc đẩy hợp tác để thiết kế lại mô hình hoạt động hướng đến một hệ thống theo nguyên tắc tuần hoàn.
Lĩnh vực thực phẩm
Lĩnh vực thực phẩm có cơ hội to lớn để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn – giúp đảm bảo rằng xã hội chúng ta không tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn những gì Trái đất có thể cung cấp.
Ngành thực phẩm có thể đón nhận xu hướng nông nghiệp thành thị, cận thành thị hoặc nuôi trồng gần nơi tiêu thụ để giảm lượng khí thải gây ra do vận chuyển và đóng gói.
Lufa Farms – một công ty thực phẩm ở Montreal, Canada – đi tiên phong về nông nghiệp thành thị. Công ty này tận dụng những mái nhà bỏ không trong môi trường đô thị để trồng trọt.
EAT Foundation và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (WBCSD) cũng đã hợp tác giới thiệu chương trình “Cải cách trong lĩnh vực thực phẩm vì sự phát triển bền vững và sức khỏe” (Food Reform for Sustainability and Health – FReSH) với mục đích thúc đẩy sự thay đổi bằng cách lưu tâm đến các thói quen ăn uống của địa phương đồng thời hợp tác với 200 công ty toàn cầu nhằm đề ra các giải pháp kinh doanh bền vững.
Ngành công nghệ
Kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghệ có thể liên quan đến việc tái chế những bộ phận từ máy tính xách tay, điện thoại và các thiết bị khác để giảm rác thải và tăng tính hiệu quả.
Theo thông tin của Công ty Circular Computing, chỉ riêng ở châu Âu có 160 triệu máy tính xách tay được sản xuất hằng năm và 160.000 máy bị vứt bỏ mỗi ngày nhưng 70% trong số đó có thể tái sử dụng.
Đây chính là một chất xúc tác cho Circular Computing – họ tập trung tái tích hợp các bộ phận đã qua sử dụng vào hệ thống IT.
Nhiều thương hiệu lớn cũng đang dẫn đầu các chương trình kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, HP ngày càng tăng việc sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất máy in.
Biến đổi khí hậu đã cho chúng ta một cơ hội lớn nhất để khởi động lại nền kinh tế thế giới. Cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, tăng cường tính tuần hoàn của nền kinh tế có thể giúp theo đuổi con đường tăng trưởng với lượng khí thải carbon thấp.
Mỗi lĩnh vực bị tác động thể hiện các cơ hội kinh doanh có thể giữ cho guồng máy kinh tế tiếp tục vận hành khi “đào vàng” từ những nơi dường như không thể.
(*) Ellen MacArthur Foundation là một tổ chức từ thiện đăng ký ở Anh với mục đích gợi cảm hứng để một thế hệ suy nghĩ lại, thiết kế lại và xây dựng một tương lai tích cực thông qua cấu trúc kinh tế tuần hoàn