Chỉ sau ba ngày kể từ khi vòng chung kết bóng đá châu Âu chính thức khởi tranh, nước Pháp đón tin vui về kinh tế khi Euro 2016 sắp vượt mọi kỷ lục về tài chính.
Đầu tiên, phải kể đến khoản tiền lên tới gần 3 tỉ euro từ bản quyền truyền hình, vé và quảng cáo trong sân (khoảng 150 triệu cho mỗi trận), bởi Euro 2016 là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, chỉ sau Olympic và World Cup.
Ông Guillaume Sabran, quan chức chịu trách nhiệm về đối tác và bản quyền của UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) đánh giá các đội bóng châu Âu có thể kiếm được tới 2 tỉ euro qua mùa giải Euro 2016 này, trong đó khoảng 1/4 đến từ các nhà tài trợ.
Ông Guillaume Sabran cũng tiết lộ rằng, sau khi trừ đi các chi phí, 54 đội bóng thành viên UEFA có thể sẽ nhận được 600 triệu euro, còn đội tuyển quốc gia Pháp có thể nhận được 300 triệu euro.
Các nhà tài trợ cũng đem đến một khoản ngân sách khổng lồ lên tới 1 tỉ euro. Mười nhà tài trợ lớn nhất của UEFA như adidas, Carlsberg, Coca-Cola, Hyundai-Kia, McDonald, Orange… đã bỏ ra bình quân 50 triệu euro.
Ngoài ra, sáu tập đoàn lớn của Pháp là đối tác của UEFA như SNCF, Français des jeux, Crédit Agricole, La Poste, Abritel và Proman cũng đóng góp khoản ngân sách từ 5-10 triệu euro.
Mặt khác, những đối tác của đội tuyển quốc gia Pháp và hàng trăm đối tác thuê quảng cáo cũng góp phần làm nên kỷ lục về tài chính của mùa giải Euro này.
Với hơn một triệu rưỡi du khách nước ngoài đến Pháp xem bóng đá, Chính phủ Pháp kỳ vọng Euro 2016 sẽ đem lại tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo động lực cho nền kinh tế nước chủ nhà.
Theo nghiên cứu do Trung tâm Luật và Kinh tế thể thao (CDES) thực hiện, Euro 2016 sẽ đem về gần 1,3 tỉ euro cho kinh tế Pháp từ chi tiêu của du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, còn phải kể đến các khoản chi tiêu của giới hâm mộ Pháp khi họ tới xem các trận đấu ngay trên đất nước mình. Trung bình, mỗi cổ động viên sẽ chi đến 337 euro trong dịp Euro 2016.
Các hệ thống kinh doanh khách sạn sẽ được hưởng lợi lớn tại Euro 2016. Chẳng hạn tại thành phố Nice, nơi tổ chức bốn trận đấu, Chủ tịch Nghiệp đoàn quản lý khách sạn, Denis Cippolini khẳng định chỉ có 10% các phòng khách sạn có thể bị bỏ trống trong hai tháng 6 và 7-2016.
Còn tại thành phố Lille, nơi diễn ra đến sáu trận tranh hùng, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn trong vùng, Gérard Poorter cho biết hiện các khách sạn tại đây đã kín chỗ.
Không chỉ có ngành khách sạn, các nhà hàng, hay công ty chuyên tổ chức các sự kiện cũng đang làm việc gần như cả ngày lẫn đêm. Phó chủ tịch Tập đoàn Provence Côtes d’Azur Events trúng thầu dịch vụ cung cấp đồ ăn cho bốn trận đấu tại Nice, khẳng định dịch vụ ăn uống sẽ thu lãi lớn với Euro 2016.
Riêng tập đoàn này đã huy động tới 14.000 nhân viên phục vụ. Provence Côtes d’Azur Events cũng cộng tác với nhiều cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trong vùng, để bảo đảm mua được rau quả, thịt cá tươi, đồng thời tạo rất nhiều công việc làm cho người lao động ở đây.
Một đối tác quan trọng của tất cả các sự kiện thể thao lớn là các hãng quảng cáo. Theo Tập đoàn quảng cáo Publicis, chỉ riêng với Euro 2016, doanh thu trong ngành tăng 4%. Đã có 900 triệu euro được đầu tư thêm vào thị trường quảng cáo tại châu Âu.
Euro 2016 cũng là dịp để các nhà quảng cáo thí nghiệm nhiều mô hình quảng cáo mới. Ý thức được điều này, các đài truyền hình cũng mạnh tay tăng giá mỗi đoạn phim quảng cáo giữa hai hiệp đấu. Chẳng hạn như để xuất hiện trên chương trình của đài tư nhân TF1 trong 30 giây cần phải trả 225.000 euro.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hay trùng tu các sân vận động cũng đã mang lại cơ hội vàng cho các công ty xây dựng tại Pháp.
T.K (DNSGCT)