Quốc hội Myanmar đã lựa chọn thành công tổng thống dân sự đầu tiên của mình – ông Htin Kyaw, người của Đảng Liên đoàn Quốc gia và Dân chủ Myanmar (NLD) do bà San Suu Kyi lãnh đạo – để thay thế ông Thein Sein nguyên là một vị tướng, mà lễ nhậm chức vào ngày 30-3 là thời điểm chấm dứt quá trình chuyển tiếp chậm chạp sáu năm từ quân đội sang dân sự.
Ông Kyaw đã được lựa chọn từ trong số ba ứng cử viên, hai người khác là Henry Van Thio của NLD và Myint Swe của quân đội, sẽ trở thành hai phó tổng thống.
Các ưu tiên chính của NLD là tiếp tục tăng trưởng kinh tế và quá trình công nghiệp hóa còn non trẻ, cùng lúc có tham vọng nhổ tận gốc nạn tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.
NLD lên kế hoạch đẩy mạnh hình ảnh kỹ trị của mình và đánh giá lại 68 dự án lớn của chính phủ hiện đang bị tạm ngưng vì các cuộc phản kháng của dân chúng hoặc những cáo buộc tham nhũng.
Họ cũng lên kế hoạch sắp xếp hợp lý chính phủ bằng cách giảm thành phần nội các từ 36 xuống còn 21 bộ và sẽ trao từ 60 đến 70% vị trí trong chính phủ cho các nhà kỹ trị phi chính trị. Thế nhưng đảng này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức quen thuộc ở các quốc gia đang phát triển: những người làm việc trong 15 bộ bị xóa sổ sẽ nhận được vị trí mới trong các cơ quan tương ứng, để duy trì sựổn định chính trị.
Mặc dù vậy, đây không phải là vấn đề lớn của NLD. Đối thủ chính của họ là quân đội được hiến pháp bảo vệ, lực lượng đã cai trị nước này trong sáu thập niên. Chuẩn bị cho sự chuyển giao quyền hành, sáu năm qua quân đội đã bám chặt vào hệ thống kinh tế, tư nhân hóa các ngành công nghiệp do nhà nước điều hành trước đây và chuyển giao chúng cho các đồng minh chiến lược. Hơn nữa, trong thời gian qua, quân đội đã lèo lái quốc gia này thông qua các nhà lập pháp được bổ nhiệm theo hiến pháp, qua đó Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn sẽ là đảng phái đảm bảo quyền lực tiếp tục của họ.
Mặc dù quân đội gần như không bị hiến pháp động đến – và hiến pháp không thể thay đổi nếu không có sựủng hộ của quân đội hiện kiểm soát 25% trong quốc hội – nhưng NLD quả thật có một số lựa chọn để gây áp lực cho quân đội. Đơn giản là họ có thể sử dụng những thủ thuật trong quốc hội để chỉ ra sự thái quá của quân đội. Điều này có khả năng sẽ làm gia tăng sự bất bình của dân chúng đối với quân đội.
Điều có lẽ là khôn ngoan hơn đối với NLD là từng bước phá vỡ vai trò của quân đội trong nền kinh tế. NLD cho biết họ lên kế hoạch giảm bớt vai trò kinh tế của ít nhất một tập đoàn có quy mô lớn của quân đội là Union of Myanmar Economic Holdings. NLD, với quyền kiểm soát lập pháp của mình, quốc hội do NLD nắm giữ cũng sẽ có nhiều quyền kiểm soát đối với ngân sách của quân đội, cho dù quốc hội sắp mãn nhiệm đã thông qua ngân sách 2016-2017.
Mối đe dọa lớn nhất cho quyền tối cao của chính phủ Myanmar đối với nước này là mạng lưới lỏng lẻo các nhóm dân quân sắc tộc trải dài dọc theo biên giới Trung Quốc. Các nhóm này kiểm soát những khu vực sinh lợi dọc theo biên giới với một hoạt động kinh doanh năng động. Họ có quyền tiếp cận dễ dàng vô số vũ khí nhỏ và cung cấp thuốc phiện, thuốc kích thích và các nguồn tài nguyên như gỗ, khoáng sản, đá quý cho thị trường đang phát triển của Trung Quốc. Đặc biệt, người Kokang và Wa phần lớn là sắc tộc Trung Hoa và được coi là có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc (cảở địa phương và quốc gia) đóng vai trò như một đòn bẩy mà qua đó Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến chính phủ Myanmar.
Đất nước Myanmar cũng được cảnh báo sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Bài học về kinh nghiệm mở cửa trước đó của Trung Quốc và Việt Nam chỉ ra rằng chỉ mở cửa và cải cách nền kinh tế không thôi là chưa đủ, mà còn đi kèm với cải cách chính trị và hành chính để làm bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế một cách ổn định lâu dài. Về mặt này Myanmar bị đánh giá là phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi giới quân sự vẫn đang nắm giữ quyền chi phối đất nước một cách đáng kể dù đã có một tổng thống dân sự.
Không những chi phối việc điều hành đất nước, mà giới quân sự còn đang nắm giữ những bộ phận chủ chốt của nền kinh tế, như hệ thống cảng biển và giao thông. Điều này đang cản trở nghiêm trọng quá trình phát triển kinh tế một cách tự do mà chính phủ dân sự của Myanmar nhắm đến, và khiến nạn tham nhũng thêm trầm trọng.
Cấu trúc nền kinh tế của Myanmar cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Do đóng cửa đất nước quá lâu, nên nước này hầu như chưa có những yếu tố cần thiết để tăng trưởng kinh tế một cách thực sự. Hệ thống hạ tầng ở Myanmar đang quá tệ hại và gần như đang tạo ra khó khăn lớn cho việc đầu tưở các khu vực xa thủ đô Naypyidaw hay thành phố Yangoon. Việc hạ tầng quá yếu kém khiến cho các lĩnh vực đầu tư nước ngoài chủ chốt ở Myanmar vẫn là khai khoáng, du lịch và viễn thông, tài chính. Dù được đánh giá là có mức giá nhân công rẻ, nhưng các nhà đầu tư vẫn ít lập các dự án sản xuất lớn.
Việc quá phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cũng đang khiến kinh tế Myanmar đối mặt với nguy cơ phát triển thiếu cân đối, số doanh nghiệp trong nước vẫn quá ít và nhỏ, rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài nhất là trong bối cảnh chính phủ Myanmar mở cửa ồạt nền kinh tế hiện nay. Myanmar bước đầu đã có thị trường chứng khoán nhưng với chỉ một doanh nghiệp nhà nước lên sàn giao dịch chính là dấu hiệu cho thấy sự phát triển thiếu cân đối này.
Ngoài ra, nguồn tài chính quan trọng khác với Myanmar đến từ xuất khẩu dầu khí cũng đang gặp vấn đề lớn do giá dầu thế giới giảm sâu, khiến ngân sách của nước này gặp khó khăn lớn, ảnh hưởng đến việc thúc đẩy kinh tếở thời điểm hiện tại.
Giữa bao nhiêu cản ngại đó, các nhà chiến lược nước này trông chờ vào một triển vọng từ việc Myanmar gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một thị trường rộng lớn với tổng sản phẩm quốc nội trên 2.700 tỉ USD và dự báo tăng lên 4.700 tỉ USD vào năm 2020.
Tham gia vào AEC, Myanmar có một thuận lợi đáng kể là có cầu nối với Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, quốc gia này còn là nhà khai thác lớn trong khu vực về đá quý, gỗ, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nhưng ngay cả khi tham gia Cộng đồng ASEAN, Myanmar cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt khi nền kinh tế nước này mới chỉ bắt đầu phát triển sau nhiều thập niên bị cô lập.
Ở đất nước khoảng 55 triệu dân này vẫn chưa có nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, thậm chí chưa có hệ thống điện toàn quốc. Dịch vụ tài chính quốc tế chỉ vừa mới bắt đầu. Tình trạng nghèo đói vẫn tập trung ở khu vực nông thôn – nơi người dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Myanmar đang trong tâm trạng bất an bởi khi AEC tạo ra một thị trường chung, xóa bỏ rào cản thuế quan đối với hàng hóa, dịch vụ, nguồn lao động có tay nghề được tự do di chuyển giữa 10 nước thành viên thì hàng hóa của Myanmar sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh không cân sức với dòng hàng từ các nước phát triển hơn trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia.
Viết Đĩnh tổng hợp (DNSGCT)