Những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp (huyết áp tâm thu tối đa từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương tối thiểu từ 90mmHg trở lên) luôn phải dùng các loại thuốc giúp hạ các trị số này xuống. Nếu đã bị mắc bệnh này hoặc có nguy cơ cao, bạn nên tham khảo những lời khuyên dưới đây để giữ sức khỏe ổn định và giảm được tai biến do huyết áp lên cao quá gây ra.
Giảm cân và duy trì vòng bụng
Chỉ số huyết áp thường tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể. Khi người bệnh giảm được 4 – 5kg thì huyết áp cũng giảm theo khá rõ. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về số cân nặng của mình để cố gắng giữ trọng lượng hợp lý.
Vòng bụng cũng cần được chú ý vì nếu càng nhiều mỡ ở bụng thì nguy cơ huyết áp tăng càng cao.
Tập thể dục thường xuyên
Nếu tập thể dục thể thao khoảng 30-60 phút mỗi ngày thì làm giảm được huyết áp khoảng 4 – 9mmHg. Gia tăng cường độ hoạt động cũng giúp giảm huyết áp. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp (huyết áp tâm thu trong khoảng 120 – 139mmHg hay tâm trương trong khoảng 80 – 89mmHg), thể dục thể thao có thể giúp phòng tránh bệnh.
Ăn uống lành mạnh
Để ngăn ngừa cao huyết áp, chế độ ăn phải giàu ngũ cốc, trái cây, rau xanh, sản phẩm từ sữa ít béo, không có axit béo bão hòa. Thay đổi thói quen ăn uống không dễ, nhưng nếu vận dụng những mẹo sau thì sẽ tạo được chế độ ăn uống hợp lý:
– Ghi lại tất cả những gì đã ăn trong tuần, điểm lại xem đã ăn những món gì, bao nhiêu, khi nào và vì sao.
– Tăng hàm lượng kali để làm giảm ảnh hưởng của muối lên huyết áp. Nguồn cung kali tốt nhất là từ trái cây và rau củ.
– Chủ động lên danh sách mua sắm thực phẩm để mua vừa đủ và tránh mua những loại thực phẩm có thể làm tăng huyết áp.
– Đối với những món khoái khẩu, có thể thỉnh thoảng thưởng thức nhưng với mức vừa phải.
Giảm lượng muối trong thực phẩm
Giảm một lượng muối nhỏ trong món ăn có thể giảm huyết áp khoảng 2 – 8mmHg. Cố gắng hạn chế lượng muối trong thực phẩm chỉ 2,3mg/ngày. Người trên 50 tuổi hay người bị cao huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh thận mãn tính chỉ nên dùng lượng muối ít hơn 1,5mg/ngày.
Giới hạn lượng cồn
Một lượng nhỏ chất cồn có thể giúp giảm huyết áp đi 2 – 4mmHg. Mỗi lần chỉ nên uống khoảng 350ml bia hoặc 145ml rượu vang là đủ. Uống hơn mức cần thiết, chất cồn có thể gây cao huyết áp và làm giảm hiệu lực của thuốc trị cao huyết áp. Nếu buộc phải bỏ rượu bia, những người đã nhiều năm làm bạn với chất gây nghiện này không nên ngưng uống đột ngột, mà giảm từ từ trong vòng hai tuần.
Tránh xa thuốc lá và khói thuốc
Hút thuốc thường xuyên khiến huyết áp luôn ở mức cao vì chất nicotine trong khói thuốc có thể làm tăng huyết áp khoảng 10mmHg hoặc hơn nữa trong vòng một giờ sau khi hút. Nên tránh nơi có khói thuốc vì hít phải khói thuốc từ người khác cũng có nguy cơ bị lên huyết áp.
Hạn chế uống cà phê
Đối với một số người, uống cà phê có thể khiến huyết áp tăng đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Để biết caffeine có tác động đến trị số huyết áp của mình không, hãy kiểm tra huyết áp sau khi uống cà phê 30 phút. Nếu huyết áp tăng khoảng 5 – 10mmHg thì cơ thể nhạy cảm với caffeine.
Tránh lo âu
Căng thẳng hoặc lo âu có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Những bài tập thở sâu trong lúc nghỉ ngơi, massage cơ thể, tập yoga hoặc ngồi thiền rất hữu ích trong việc giảm đi lo âu.
Tự kiểm tra huyết áp tại nhà
Học cách tự đo huyết áp tại nhà là cần thiết để nắm được sự trồi sụt về huyết áp, từ đó nhờ bác sĩ tư vấn loại thuốc nên dùng. Khi đã kiểm soát được huyết áp, cứ sáu tháng một lần nên đến khám bác sĩ để được định hướng điều trị hợp lý nhất.
- M.C theo Mayoclinic.org