Những tín hiệu xấu từ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ – nơi đồng nội tệ mất giá trầm trọng – đang là những mối đe dọa kéo các nền kinh tế vào cơn bão tố tài chính.
Tính đến cuối tháng 8-2018, đồng peso của Argentina mất giá 40%. Sau khi nâng lãi suất chỉ đạo lên tới 60% để giữ giá đồng tiền, chính quyền Buenos Aires cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay gấp 50 tỉ USD để đối mặt với hiện tượng “lạm phát phi mã” dự trù vượt quá ngưỡng 35% trong năm nay. Nền kinh tế thứ ba của châu Mỹ Latinh bị chao đảo khi đồng USD trở nên khan hiếm và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ khiến giới tư bản ồ ạt bán peso – mua USD, đầu tư vào Mỹ. Thêm vào đó, tại Argentina cũng như nhiều nước ở châu Mỹ Latinh, doanh nghiệp và tư nhân tin tưởng vào đồng USD hơn là vào đơn vị tiền tệ của nước mình. Hiện tượng bán đổ bán tháo peso lại càng được thổi phồng thêm.
Thách thức khác là lạm phát. Vật giá leo thang được dự trù dao động từ 30 đến 35% trong năm nay, đây thực sự là một cơn ác mộng đối với người dân Argentina. Lạm phát vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của hiện tượng đồng tiền bị phá giá. Điều này lại càng nguy hại cho Argentina, chủ tịch luân phiên Nhóm G20, nơi mức tiêu thụ của các hộ gia đình là động lực chính cho tăng trưởng.
Cách Argentina 12 ngàn cây số, tại Thổ Nhĩ Kỳ tình hình không sáng sủa hơn với lạm phát trong tháng 6-2018 vượt quá 15%. Chính quyền của Tổng thống Erdogan trong 12 tháng sắp tới phải thanh toán 230 tỉ USD nợ đáo hạn – tương đương với 25% GDP – cho các chủ nợ nước ngoài trong bối cảnh đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng trượt giá so với USD. Tháng 7-2011, 1 lira của Thổ Nhĩ Kỳ tương đương với 1 USD. Đến tháng 7 vừa qua, 1 lira chỉ còn bằng 0,16 USD.
Từ lâu nay, đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trượt giá. Nhìn chung, trong vòng một năm, mất khoảng 80% so với USD và euro. Hiện tượng mất giá này càng tăng tốc kể từ sau khi ông Erdogan tái đắc cử. Giới đầu tư thất vọng nhiều về chính sách kinh tế của Tổng thống Erdogan.
Nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển và bảo đảm tăng trưởng. Nhiều dự án đầu tư bị hủy bỏ, doanh nghiệp rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, bán đồng lira để mua USD khiến đồng nội tệ càng mất giá mạnh.
Hiện nay nhiều ngân hàng châu Âu, như BNP Paribas (Pháp), Unicredit (Ý) hay BBVA (Tây Ban Nha)… đang là những cổ đông quan trọng, nắm giữ nhiều vốn của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Cổ phiếu của ba ngân hàng châu Âu vừa nêu đã mất giá trong những ngày qua vì khó khăn xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu lại đang nắm giữ khoảng 130 tỉ euro tín dụng đã cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ mất khả năng thanh toán, nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bị vỡ nợ, chắc chắn là châu Âu bị vạ lây. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, không che giấu lo ngại nền kinh tế số 1 của Liên hiệp châu Âu lao đao vì khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ, khi biết rằng, Đức là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ nhì trên quê hương của ông Erdogan.
Kịch bản giới chuyên gia lo ngại hơn cả là khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng tới các nước đang phát triển khác.