Báo cáo trước Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản trong sáu tháng đầu năm, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 3-2013, giá trị tồn kho bất động sản đạt hơn 125 nghìn tỉ đồng, trong đó tồn kho căn hộ khoảng 65.000 tỉ, đất nền khoảng 60.000 tỉ.
Số liệu trên cho thấy trước đây các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu tập trung vào đầu tư sản phẩm cao cấp. Do đó, hiện Chính phủ đã yêu cầu khắc phục lệch pha tiêu dùng, chỉ đạo các doanh nghiệp phải có các sản phẩm đa dạng cho mọi đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Theo ông Dũng, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, đây là vấn đề trung dài hạn, không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỉ đồng được, bởi người dân cũng cần phải có thời gian tìm hiểu, cân nhắc các lợi ích, khả năng tài chính, trả nợ…
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người vay, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại phải tạo điều kiện tối đa để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng gói này. Đây là vấn đề đang gây nhiều tranh luận chung quanh việc phân bổ khoản tiền lớn này. Đây là hậu quả của việc thiếu chuẩn bị trước khi ban hành một chủ trương lớn. Điều này giải thích lý do tại sao đến nay, gói 30.000 tỉ đồng vẫn chưa tạo được chuyển biến nào cho thị trường bất động sản đóng băng từ mấy năm qua.
Thủ tục, điều kiện vay vốn hiện nay chỉ cần xác nhận của cơ quan, thay vì cả chính quyền như trước đây. Cùng với đó, Bộ cũng đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn chuyển đổi nhà thương mại để người dân dễ dàng tiếp cận, dễ mua nhà hơn. Đối với vấn đề điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản, Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến vai trò của các địa phương, nếu các địa phương quan tâm thì chắc chắn sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi.
Về nhu cầu nhà ở, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến năm 2020, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cần khoảng 200.000 căn hộ, trong đó khối cán bộ, công chức cần trên 30.000 căn.
Gia Minh tổng hợp