Vào 1-1-2018, theo đúng lộ trình thực hiện các cam kết với Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam đã gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho các nước ASEAN giảm đến 98%. Nếu không làm tốt việc xuất khẩu, Việt Nam sẽ bị hàng hóa nước bạn đè bẹp ngay sân nhà.
Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho biết: “Cũng như các nước trong ASEAN, Việt Nam cũng đã hoàn tất lộ trình giảm thuế cho nhiều hàng hóa của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chúng ta gần như đã bỏ hàng rào thuế quan cho các nước trong khu vực, với mức giảm lên đến 98%. Thế nên, nếu chúng ta không làm tốt công việc xuất khẩu ra nước bạn, chúng ta sẽ chịu tác dụng ngược, bị hàng hóa nước bạn đè bẹp ngay tại sân nhà”.
Năm 2017, một số nước ASEAN đã thí điểm hai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (C/O), đặt mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch thương mại vào cuối 2020 và tăng gấp đôi kim ngạch thương mại nội khối ASEAN từ 2017 đến 2015. Năm 2018, hai dự án thí điểm chúng ta vừa đề cập trên sẽ hợp nhất, tất cả các doanh nghiệp đều được tự làm C/O để xuất khẩu sang nước khác.
Kể từ 1-1-2018, tất cả các hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam đều gần như được miễn thuế khi xuất sang các nước Đông Nam Á và ngược lại (trừ Lào và Campuchia).
Từ 1-1-2018, Việt Nam sẽ cùng Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan dùng C/O mẫu D điện tử. Sau C/O, sẽ đến lượt các chứng từ khác như giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO (SPS), chứng từ khai báo hải quan ASEAN (ACDD)… cũng sẽ điện tử hóa.
“Cũng từ 1-1-2018, Việt Nam cùng chín nước khác (trừ Malaysia) sẽ chính thức thực hiện dự án Hải quan một cửa (ASEAN single window – ASW). Nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và quá cảnh sang Lào hay Campuchia, sẽ không phải khai báo hải quan ở hai nước đó một lần nữa, nếu đã khai báo hải quan ở Việt Nam”, ông Cường chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhận xét cụ thể: “Những ưu đãi và điều kiện để được ưu đãi giống như hai chiếc của một đôi giày. Dù chúng ta có nhận được ưu đãi nhiều đến mức nào song lại không đạt tới những yêu cầu để được nhận ưu đãi đó cũng không có tác dụng. Trong trường hợp này, nếu tận dụng tốt quy tắc xuất xứ ưu đãi, chúng ta sẽ nâng cao được vị thế xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường ASEAN”.
Để nắm chắc cơ hội xâm nhập thị trường các nước ASEAN, các doanh nghiệp Việt nên hiểu rõ uy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực năm 2010. Chỉ khi chúng ta nắm rõ quy tắc xuất xứ, chúng ta mới làm đúng giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng ra khu vực ASEAN.
“Có hai cơ chế chứng nhận C/O, từ tổ chức cấp C/O và doanh nghiệp tự chứng nhận C/O. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dùng cơ chế đầu tiên, cơ chế thứ hai sẽ được triển khai rộng trong tương lai. Từ tháng 6-2017, chúng tôi đã tiến hành cấp C/O mẫu D qua internet cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào chưa làm nên gấp rút đến đăng ký”, bà Thu Hiền phát biểu.
Hiện tại, Hải quan Việt Nam đang thử nghiệm đường truyền đến Hải quan các nước. Việc dùng C/O điện tử không còn là kế hoạch hay dự định mà sắp xảy ra trong thực tế. Các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng cập nhật các quy tắc, hiệp định để chuyển hướng kinh doanh hợp tác, có thể làm “kẻ cười cuối cùng”.
– Theo TheLeader