“Phòng khám” của bác sĩ Google (mạng tra cứu thông tin http://www.google.com) là nơi quen thuộc mà không ít người thường xuyên ghé đến để tự tìm cách chữa bệnh. Vị bác sĩ này “được lòng” nhiều người vì thông tin phong phú, cách chữa bệnh từ Đông y, Tây y đến liệu pháp dân gian truyền miệng đều có đủ. Uy tín của bác sĩ Google có người công nhận, có người không, còn các bác sĩ “ngoài đời” đánh giá ra sao?
BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh:
Việc nhờ Google chữa bệnh mà không có sự tư vấn của bác sĩ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng, đặc biệt là chữa cho bệnh nhi. Chẳng hạn khi trẻ bị nôn ói nhiều là biểu hiện của rất nhiều bệnh chứ không chỉ có hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Nôn ói có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn lên. Có khi nôn trớ là biểu hiện của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân. Nhiều trường hợp nguyên nhân đơn giản là do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú hoặc không dung nạp thức ăn. Nếu cứ nghe theo lời BS Google “phán” là hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản thì việc chăm sóc trẻ trở nên phức tạp mà còn dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ.
Một thực tế nguy hiểm hơn là theo lời khuyên của BS Google, nhiều bà mẹ đã tìm mua hạt mùi già để chữa bệnh sởi cho con, vừa tốn kém lại vừa không hiệu quả. Những trẻ bị phát ban nhiều, trầy xước hoặc lở loét thì việc tắm hạt mùi già có thể làm bệnh của trẻ có thể nặng hơn và gây ra biến chứng nguy hiểm.
Do tình trạng quá tải ở các bệnh viện nên nhiều lúc bác sĩ chỉ có thời gian thăm khám chứ không có thời gian để tư vấn hay giải thích cho phụ huynh. Vì vậy, website http://www.google.com tuy là kênh thông tin hữu ích để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh nhưng cần nhớ rằng kiến thức trên Google chỉ để tham khảo, nếu có thắc mắc phụ huynh cứ mạnh dạn hỏi bác sĩ khi đưa con đi khám. Mỗi cơ thể con người là một hệ thống sinh học khác biệt, cần phải có sự chẩn đoán chính xác về chuyên môn mới áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp.
Ở nước ngoài thường có các website chuyên khoa dành riêng cho bác sĩ và cha mẹ của bệnh nhi cùng tham gia để tìm hiểu từng bệnh như bệnh tự kỷ, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh hô hấp… Ở Việt Nam tôi chưa thấy các trang web chuyên khoa, các bậc cha mẹ có con nhỏ nên truy cập vào website của Bệnh viện Nhi đồng thành phố hoặc các website do bác sĩ tư vấn để có thông tin chính xác.
BS Nguyễn Vĩnh Tường, Giám đốc Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ:
Trong thời đại internet, có lẽ nhiều người từng dùng đến Google để tra cứu thông tin. Ngay cả các bác sĩ đôi khi cũng cần nhờ sự tư vấn của “chuyên gia” Google. Nhưng thông thường, bác sĩ đã có thông tin về bệnh từ các website của thư viện y khoa của Mỹ hoặc của hiệp hội y khoa uy tín. Sau đó, bác sĩ mới dùng Google để tìm thêm các hướng dẫn mang tính phổ thông, dễ hiểu nhằm tư vấn cho bệnh nhân.
Còn chúng ta có thể sử dụng mạng Google để tra cứu thông tin nhưng phải có sự trao đổi với bác sĩ chứ không tự điều trị. Đã từng có bệnh nhân đau bao tử tự điều trị theo lời khuyên trên một diễn đàn mạng và bị xuất huyết, phải đi cấp cứu, may mà không nguy hiểm đến tính mạng.
Tốt nhất là chúng ta nên tìm tất cả thông tin liên quan bệnh để có thêm thông tin trao đổi với bác sĩ. Vì bệnh nhân cần được giải đáp tất cả các thắc mắc của mình một cách thấu đáo, đặc biệt là trong khám tổng quát. Việc chuẩn bị thông tin trước khi đi khám không chỉ giúp bệnh nhân biết rõ vấn đề mình quan tâm mà còn giúp bác sĩ định hướng tốt hơn trong quá trình khám, tư vấn làm xét nghiệm – cận lâm sàng và tham vấn kết quả sau đó.
BS Lê Chí Dũng, nguyên Trưởng khoa Bệnh Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh:
Ở nước ta hiện nay, kiến thức về y học ở người dân nói chung còn thấp nên chuyện chữa bệnh nhờ BS Google là một thói quen khó bỏ của nhiều người. Phải thấy rằng, website tìm kiếm Google giúp nâng cao kiến thức y học cho người dân, nhất là chuyện ăn uống, tập thể dục phòng ngừa bệnh tật. Nhưng thông tin từ Google là “thượng vàng hạ cám”, có thể đúng và cũng có thể sai. Khá nhiều tài liệu chỉ truyền bá kinh nghiệm bản thân chứ chưa được kiểm chứng bằng những nghiên cứu bài bản, nghiêm túc. Trong khi đó, kiến thức y học chỉ có giá trị khi dựa trên cơ sở y học thực chứng (evidence based medecine), còn kinh nghiệm bản thân chỉở mức tin cậy thấp nhất.
Mặt khác, nhiều người lại hay bị “bệnh tưởng”, khi đọc đến căn bệnh nào thì cũng đều thấy mình có những triệu chứng của bệnh đó. Nhiều bệnh nhân khi tôi hỏi về triệu chứng thì đã trả lời ngay tên bệnh mình tự tra cứu nhờ Google. Chẳng hạn như khi được hỏi “đau ở đâu” thì bệnh nhân trả lời “đau thần kinh tọa”. Nhưng sau khi thăm khám thì kết quả là chỉ đau lưng do ngồi làm việc không đúng cách, ngồi quá lâu hoặc đơn giản là do bị nhiễm giun sán…
Tóm lại, thông tin trên internet chỉ mang tính chất tham khảo, không nên đặt trọn niềm tin vào các kiến thức “hổ lốn” từ nguồn này. Nhưng Google có thể sử dụng để tìm và chọn lựa bác sĩ chuyên khoa uy tín, có nghiên cứu về bệnh mình mắc phải để đến khám bệnh và điều trị bệnh hiệu quả.
Thanh Nhã