Dòng thời sự chủ lưu tuần qua ghi nhận thêm sự kiện một cán bộ cao cấp của ngành Công an bị đưa vào diện khởi tố và bắt tạm giam hôm 4-4 vì liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng, đó là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 3, một lãnh đạo cao cấp của ngành Công an là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Công nghệ cao đã bị công an tỉnh Phú Thọ khởi tố và tạm giam hành vi tổ chức đánh bạc với quy mô lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hơn 70 bị can thuộc nhiều thành phần, đặc biệt có một số người nguyên là cán bộ cấp cao ngành công an, trong đó có Trung tướng Phan Văn Vĩnh.
Chỉ trong vòng một tháng, có đến hai cán bộ lãnh đạo ngành Công an bị khởi tố liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc trên mạng cũng như việc triệt phá đường dây đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện quan điểm của Bộ Công an là không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh chống tội phạm.
Trong một động thái khác, ngày 6-4 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã gửi công điện đến các đơn vị công an, các địa phương nêu rõ, bên cạnh những thành tích đạt được, tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật, điều lệnh nội vụ trong công an nhân dân thời gian gần đây vẫn còn xảy ra.
Công điện nhấn mạnh có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng như bao che, tiếp tay cho tội phạm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… thậm chí có trường hợp là cán bộ lãnh đạo chỉ huy, sĩ quan cao cấp.
Để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động hơn nữa trong phòng ngừa sai phạm, suy thoái nhằm nâng cao uy tín và tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng công an, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác cán bộ. Một trong các nội dung đó là chủ động phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân, lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, lợi ích nhóm… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an.
Theo chỉ thị này, ngành Công an cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, chú trọng các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, kỷ cương, kỷ luật, phong cách ứng xử văn hóa của cán bộ, chiến sĩ công an; tích cực, chủ động, nhạy bén hơn nữa trong phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch và dư luận sai trái, thiếu tính xây dựng đối với lực lượng công an nhân dân.
Có tin cho biết ngành Công an tới đây sẽ bỏ cấp Tổng cục để hoạt động có hiệu quả hơn.
Sau chuyện đánh bạc thì mại dâm là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, đã được nhiều cơ quan truyền thông báo chí tuần qua đề cập đến một cách thẳng thắn sau khi một buổi tọa đàm trực tuyến tổ chức ngày 4-4 với đề tài “Có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không?”. Tại cuộc tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức, ông Phạm Ngọc Dũng – Phó trưởng phòng Chính sách, phòng chống mại dâm – Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cho biết những người hoạt động mại dâm mong muốn được bảo vệ về quyền công dân và quyền con người, tránh sự đánh đập, bóc lột trong quá trình hoạt động.
Họ cũng quan tâm đến vấn đề nhân thân, con cái họ có được bảo vệ, được đối xử bình đẳng như những người khác hay không. Họ mong muốn có chính sách để giảm phân biệt kỳ thị và can thiệp kịp thời khi họ bị bóc lột, xâm hại. Nhiều người mong muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội để học nghề khác, có vốn kinh doanh thay đổi công việc đang làm. Có thể nói đây là lần đầu tiên quyền lợi con người của giới này được mổ xẻ một cách công khai.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói tại buổi tọa đàm rằng, vấn đề cần quan tâm là việc hợp pháp hóa mại dâm có đảm bảo được quyền con người hay không? Hoạt động mại dâm có khả năng giúp các ngành khác phát triển, ví dụ như du lịch hay không?
Đã có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động xã hội một cách trung thực, khách quan về tình trạng mại dâm hiện nay để có cơ sở so sánh với việc Nhà nước cho phép những người hành nghề mại dâm hoạt động trên cơ sở pháp luật.
Ý kiến được nêu ra tại tọa đàm là nhiều người hoạt động mại dâm hiện nay bày tỏ mong muốn được hợp pháp hóa để họ được bảo vệ. Có những người nói rằng, đó là phương cách kiếm sống cuối cùng của họ, chẳng qua cũng vì hoàn cảnh và không có cơ hội tiếp cận với việc làm. Họ đang rất bức xúc vì bị đặt ra rìa xã hội. Cùng là con người, nhưng tại sao những người khác được bảo vệ còn họ lại không?
Cũng tại buổi tọa đàm trực tuyến, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng: “Việc công nhận hay không công nhận mại dâm là một nghề đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dù công nhận hay không, chỉ tập trung vào quyền con người. Cần có các chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ, và cả đàn ông.
Lâu nay, việc công nhận hay không công nhận hoạt động mại dâm là vấn đề tranh cãi chưa bao giờ chấm dứt giữa hai góc nhìn đối lập. Soi rọi dưới quan điểm đạo đức thì mại dâm là một tệ nạn xã hội và hành nghề mại dâm là bất hợp pháp, nghĩa là không được thừa nhận là một nghề.
Nhưng dưới góc độ xã hội thì mại dâm là một thực trạng diễn biến phần nào phức tạp nhưng không thể phủ nhận quy luật cung cầu trong xã hội, cần được công nhận và tổ chức quản lý như một số nước văn minh hiện đại vẫn thực hiện. Những năm gần đây, trên nhiều phương tiện truyền thông và qua các cuộc hội thảo, vấn đề mại dâm được mổ xẻ dưới góc độ xã hội có sức thuyết phục hơn.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm. Ngoài nữ còn có nam, người đồng tính, người chuyển giới và cả người nước ngoài hoạt động dưới nhiều hình thức công khai, bí mật, có đường dây hoặc đơn lẻ, đáp ứng nhu cầu từ cao đến thấp. Báo cáo của Bộ Xã hội, Thương binh và Xã hội cho hay cả nước có 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý .