Hài hước là liều thuốc bổ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái. Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, các bậc phụ huynh cần tận dụng cơ hội lợi hại này để giúp trẻ luôn vui tươi, thoải mái. Hơn nữa, hài hước còn tạo mối thân thiết giữa đôi bên.
Tính hài hước không phải ai cũng có, nhưng để chọc cho trẻ cười hẳn bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng làm được. Nếu không thể hiện được sự hài hước, cha mẹ cũng đừng nên đóng vai một “anh hề vô duyên” trước mặt trẻ vì có thể trong một, hai lần đầu trẻ không biết, nhưng trẻ sẽ tỏ ra nhạy cảm hơn những lần sau để đến một lúc nào đó trong khoảng thời gian rất ngắn, sẽ vô tình làm cho trẻ khó chịu. Ý thức về sự hài hước của đứa trẻ cần được nuôi dưỡng qua cách nhìn về cuộc sống của chúng và cần được chia sẻ đúng lúc, đúng chỗ là vậy.
Giai đoạn phát triển của tính hài hước của trẻ
Có những trẻ có tính hài hước bẩm sinh, vì thế trí tưởng tượng và tính hài hước của chúng sẽ tốt hơn so với trẻ đồng trang lứa. Đối với những trẻ có tính hài hước quá đáng, không đúng nơi đúng lúc thì một phần nào đó phản ánh sự bất lực của trẻ trước một số vấn đề. Nếu phát hiện trẻ có hành động như vậy, cha mẹ cần từ từ tìm cách thay đổi tác phong của trẻ bằng cách hướng trẻ sang những hoạt động tích cực thay vì la mắng hoặc quát tháo.
- Xem thêm: Cùng con khám phá môi trường thiên nhiên
Dưới đây là những giai đoạn phát triển tính hài hước của trẻ, giúp cha mẹ kịp thời nắm bắt và điều chỉnh khi cần thiết:
- Từ sơ sinh đến 2 tuổi: Óc hài hước của trẻ dựa vào những sự việc hiện diện trước mắt nó, chẳng hạn như trò chơi trốn tìm, làm mặt dị dạng…
- Từ 2 đến 3 tuổi: Trẻ bắt đầu biết cười khi nghe những âm thanh lạ thỉnh thoảng xuất hiện.
- Từ 3 đến 7 tuổi: Các vật thể sử dụng sai chức năng, các trò chơi vui…được trẻ nhận biết và cười.
- Từ 7 tuổi trở lên: Lúc này, trẻ biết phân biệt đúng sai với một sự việc, và nó có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau do sự hài hước của trẻ đã dần trở nên phức tạp hơn.
Biết cách làm cho trẻ vui
Để thu phục tính hài hước của trẻ nhanh nhất bạn hãy luôn chia sẻ nụ cười với chúng.
- Với trẻ nhỏ, chưa đi học, bạn hãy dành thời gian chơi trốn tìm, chơi cưỡi ngựa cùng trẻ.
- Chọn hoặc kể những câu chuyện thích hợp với lứa tuổi và tính cách của trẻ.
- Chỉ cho trẻ nhận biết những khía cạnh hài hước của cuộc sống.
- Dẫn đắt trẻ xem những chương trình dành cho trẻ em và cùng gia đình xem những bộ phim vui.
- Hướng dẫn dần cho trẻ hiểu, không phải lúc nào cũng thích là được nấy để trẻ không bị sốc khi trẻ gặp phải những tình huống xấu.
Đối với trẻ em, sự hài hước thể hiện một thể chất và tâm lý khỏe mạnh cũng như được xem như một việc giáo dục không kém phần cần thiết trước khi trẻ bước vào tuổi đến trường. Trong gia đình, các động thái cơ thể cũng như thế giới quan của trẻ luôn có mối liên hệ với những cách thức sinh hoạt, giao tiếp của cha mẹ. Ngoài những cách thức trên, cha mẹ nên biết khai thác những câu nói khen ngợi, việc làm tốt đẹp, sự vui vẻ, dí dỏm…để truyền cho trẻ thói quen hài hước ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, hãy tìm cách khi thác óc hiếu kỳ của trẻ bằng cách không trách mắng rầy la khi trẻ thường sử dụng những ngôn từ trẻ con gây cười, ngay cả một số việc làm có thể gây khó chịu trong một vài hoàn cảnh, vì lúc lớn lên tự bản thân trẻ sẽ ý thức về việc này.
- Xem thêm: Làm bạn đồng hành cùng con trong học tập