Người thầy thuốc được học để chữa cái đau, cái bệnh cho con người nhưng con người không chỉ đau, chỉ bệnh, con người còn khổ nữa!
Nỗi khổ còn hơn cả nỗi đau, làm cho con người héo hắt, không sao có thể đạt được một tình trạng sảng khoái của cả thể chất, tâm thần, và xã hội. Chính cái khổ rồi cũng dẫn đến cái đau, cái bệnh, làm trầm trọng thêm sức khỏe của con người.
Ai cũng biết người mẹ đang cho con bú mà khổ vì ghen thì sữa có thể bị dứt đột ngột. Thuốc gì chấm dứt cơn ghen, tái lập phản xạ tiết sữa?
Ai cũng biết người đau bao tử, người cao huyết áp không phải chỉ do bao tử, do huyết áp, mà còn do sự bực dọc, đè nén, căng thẳng trong các mối quan hệ với gia đình, xã hội và cả với chính bản thân mình.
Người thầy thuốc có thể cho viên thuốc nhức đầu, đau bụng, viên thuốc giúp dễ ngủ, viên thuốc giải lo, nhưng được bao lâu rồi đâu lại vào đó, nặng hơn, trầm trọng hơn vì nỗi khổ vẫn còn kia.
- Xem thêm: Có những người thầy
Trong bệnh HIV/AIDS chẳng hạn, người bệnh suy sụp, khủng hoảng tinh thần, đầy mặc cảm, nhiều khi sống liều lĩnh, bạt mạng lại càng cần thiết phải hỗ trợ tâm lý xã hội cho họ.
Đây là công tác tham vấn, một nhiệm vụ cấp bách hiện nay của người thầy thuốc cũng như của các nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhóm tình nguyện, nhóm bạn giúp bạn v.v…
Tham vấn (counselling) khác với tư vấn (consulting). Ta thấy có nào công ty tư vấn thiết kế cầu đường, nào văn phòng tư vấn nhà đất, tư vấn mua sắm, tư vấn du học, tư vấn mùa thi, tập đoàn tư vấn Úc…, ở đó các chuyên gia tư vấn có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó sẽ cho ta những lời khuyên bảo, chỉ dẫn…
Còn tham vấn là một tiến trình đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ, một tiến trình có tính cá nhân, riêng tư, không phải là những lời khuyên, an ủi, hướng dẫn, cũng không phải điều tra, thẩm vấn… mà là nhằm giúp thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định và có hành động tích cực, làm chủ được cảm xúc, cư xử có trách nhiệm, thích nghi với hoàn cảnh mới và duy trì các mối quan hệ xã hội…
Tham vấn giúp giải quyết một khủng hoảng tâm lý, thay đổi một hành vi, một nếp sống…
Tiến trình tham vấn do đó nặng tính tâm lý xã hội chớ không chỉ là kiến thức chuyên môn hạn hẹp trong một lĩnh vực nào đó, đòi hỏi nhiều thời gian và một số điều kiện để thiết lập mối tương giao tốt đẹp, giúp cho truyền thông có hiệu quả giữa tham vấn viên và thân chủ.
- Xem thêm: Những bông hoa tươi thắm…
Suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ là yếu tố quan trọng chính yếu, vì chính họ chứ không phải ai khác biết rõ vấn đề của họ, cảm xúc thực của họ và những giải pháp của họ.
Tham vấn viên là người giúp đỡ chớ không quyết định thay họ được. Có thể ví thân chủ như bà mẹ đau đẻ còn tham vấn viên như cô mụ đỡ đẻ. Cô mụ giúp bà mẹ đẻ chứ không thể đẻ thay.
Tham vấn đòi hỏi nhiều thời gian, sự bền lòng, khả năng vượt qua chính mình của tham vấn viên. Điều quan trọng là tham vấn viên phải có lòng tin mạnh mẽ vào khả năng tự điều chỉnh của thân chủ, từ đó khơi dậy nơi thân chủ lòng tự tin vào chính họ.
Giải pháp đã luôn sẵn có. Vấn đề là nhận ra. Cuối cùng chính thân chủ tự giúp họ. Tham vấn viên hỗ trợ, xúc tác.
Để có được mối quan hệ tốt đẹp đó, cần có một số điều kiện, cũng có thể gọi là phẩm chất và kỹ năng cần thiết của tham vấn viên mà phẩm chất quan trọng hàng đầu là khả năng thấu cảm (empathy), nghĩa là đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của thân chủ để thấu hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ, cảm xúc của họ, hoàn cảnh của họ.
Thân chủ thấy có người hiểu mình, thông cảm trọn vẹn với mình thì sự bộc lộ mới càng dễ dàng, thẳng thắn.
Đặt mình trong tình huống của thân chủ, xem xét vấn đề theo quan điểm của thân chủ, đánh giá theo cách nhìn của thân chủ, tham vấn viên mới có thể trải qua các kinh nghiệm của thân chủ và thực sự cảm thông, từ đó giúp thân chủ tự khám phá, tự thay đổi.
Các phẩm chất cần thiết khác là chân thành và tôn trọng hay chấp nhận để có thể tạo mối tương giao lành mạnh, truyền thông một cách có hiệu quả.
Một người mà cử chỉ, lời nói, cái nhìn, cái nghĩ mâu thuẫn, thiếu chân thành, thiếu tôn trọng thì biết ngay là không đáng tin cậy, buộc phải thủ thế, phải đề phòng, và mối tương giao lập tức bị gãy đổ.
Tình thương đích thực nhất định không phải là những lời an ủi suông, những lời khuyên hời hợt, máy móc, công thức.
Bỏ được qua một bên những quan điểm riêng, giá trị riêng của mình để đặt mình vào địa vị người khác, hòa mình vào kinh nghiệm người khác, tôn trọng và chấp nhận người khác quả là không dễ dàng nếu không sẵn có lòng từ tâm.
- Xem thêm: Những ngày xưa thân ái…
Để hiểu được người khác còn phải vượt qua những rào cản của ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ không lời và biết chọn lựa những ngôn ngữ sao cho cuộc đối thoại và tương tác diễn ra phù hợp tùy từng cảm xúc, suy nghĩ, hoàn cảnh.
Tham vấn viên cho trẻ đường phố chẳng hạn cần biết những tiếng lóng của trẻ đường phố, tham vấn viên cho mại dâm, ma túy phải hiểu và sống với những ngôn ngữ của họ. Khoảng cách sẽ được lấp đầy.
Người thầy thuốc ở trường y không được học về tham vấn. Do vậy mà lời khuyên của thầy thuốc nhiều khi lạnh lùng, xa lạ, không khả thi.
Để hỗ trợ chương trình phòng chống HIV/AIDS, từ những năm 1990, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe của Sở Y tế TP.HCM đã triển khai các lớp tập huấn về tham vấn cho các thầy thuốc, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý xã hội như TS. Tô Thị Ánh, Trần Thị Giòng, Nguyễn Thị Oanh… và một số chuyên gia nước ngoài.
Hiện nay, chương trình AIDS thành phố cũng đã thường xuyên mở các lớp tập huấn về tham vấn và đã thành lập nhiều trung tâm tham vấn – hỗ trợ cộng đồng, các điểm tham vấn và xét nghiệm nặc danh cho các thân chủ.
Người thầy thuốc ngày nay không chỉ cần biết giúp người bệnh bớt đau mà còn phải giúp cho họ bớt khổ nữa! Người thầy thuốc do vậy phải vừa là nhà tư vấn y học lại vừa là nhà tham vấn tâm lý xã hội. Nhờ đó mà mối tương giao thầy thuốc – bệnh nhân mới có hy vọng trở nên tốt đẹp như “những ngày xưa thân ái” đó chăng?
Hẹn thư sau. Thân mến.