Tại một sự kiện do Công ty PVI Sun Life tổ chức vào trung tuần tháng 8-2015, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đã có một buổi nói chuyện thú vị về nội dung Cùng nhau làm nhẹ gánh ung thư. Theo BS Nguyễn Chấn Hùng thì từ năm 2010, Hiệp hội Quốc tế chống ung thư (UICC) đã cho biết có đến 40% số người mắc ung thư có thể phòng ngừa được. Vậy đâu là những cách phòng căn bệnh vốn được cho là “trời kêu” này?
1. Ăn uống lành mạnh
Rau quả nên chiếm phân nửa hoặc hai phần ba bữa ăn vì thực phẩm có nguồn gốc thực vật ít chất béo, giàu chất xơ và nhiều chất kháng ung thư. Chất xơ là chất mà cơ thể không tiêu hóa được nên giúp “cuốn theo” các chất gây ung thư ra ngoài, giúp hệ tiêu hóa sạch sẽ. Thịt cũng cần thiết cho cơ thể nhưng dùng nhiều thì không tốt vì loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo gây ung thư, khi chế biến quá nóng, quá cháy còn tạo thêm chất sinh ung thư.
Người Việt chúng ta có rất nhiều loại dưa mắm, tưởng chừng vô hại nhưng lại là nguyên nhân gây ung thư. Vì trong thực phẩm ướp muối, thường có một lượng nhỏ nitrosamin và các hợp chất N-Nitroso khác dưới dạng nitrit và nitrat, ăn thường xuyên có thể mắc ung thư thực quản, dạ dày. Chính vì vậy, không nên ăn quá hai bữa dưa, mắm mặn mỗi tuần để phòng tránh chất độc từ loại thực phẩm này.
2. Vận động mỗi ngày để giữ cân nặng
Vận động mỗi ngày, giữ gìn vóc dáng là cách phòng ngừa bệnh ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác nhưtim mạch và tiểu đường. Thừa cân, béo phì là nguy cơ của nhiều loại ung thư do cơ thể sản xuất nhiều estrogen và insulin hơn, các hormone này kích hoạt ung thư. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp giảm thừa cân, điều hòa hormone và giảm giảm miễn dịch. Theo BS Chấn Hùng, việc luyện tập không cần cầu kỳ, chỉ cần đi bộ, làm vườn, chăm sóc nhà cửa, kèm hít thở sâu khoảng nửa giờ mỗi ngày là đủ, tránh nằm xem tivi, sử dụng máy tính cả ngày. Nếu cần có thể luyện tập cơ bắp, hít thở sâu hơn để ra nhiều mồ hôi thì tốt hơn…
3. Nâng niu giấc ngủ
Từ những năm 1990, các nhà khoa học đã nghi ngờ làm việc ca kíp về đêm làm giấc ngủ bị đảo lộn, ngủ phòng không đủ tối hoặc không đủ giờ ngủ là nguy hại cho sức khỏe. Năm 2007, Cơ quan Quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) xác định làm việc ca đêm có thể gây ung thư cho con người, tương tự tia cực tím hoặc khói xả từ diesel.
Nhiều nghiên cứu cho thấy melatonin do tuyến tùng tiết ra giúp các tế bào của cơ thể chống lại các chất ô-xy hóa, sửa chữa phân tử DNA, từ đó kiềm chế các tế bào ung thư, còn giúp hệ miễn dịch tăng sản xuất các tế bào tiêu diệt ung thư. Xáo trộn giấc ngủ làm giảm lượng hormone này, chiếc đồng hồ sinh học sẽ bị bẻ gãy. Thiếu ngủ làm đời sống ngắn lại, gia tăng bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, huyết áp, béo phì, trầm cảm. Vì vậy, dỗ dành một giấc ngủ ngon mỗi đêm để phòng nhiều bệnh, trong đó có ung thư.
4. Tránh xa khói thuốc lá
Làn khói thuốc mong manh mà chúng ta có thể bắt gặp khắp nơi có chứa hơn 60 chất gây ung thư mạnh. Năm 2030 sẽ có 2 tỉ người hút thuốc và con số tử vong là 8,3 triệu người. Không chỉ gây hại cho người hút thuốc mà cả người “hít ké” khói thuốc lá, gây đủ loại bệnh như: bệnh tim mạch, xáo trộn sinh dục, cườm mắt, viêm phổi, viêm nướu răng, phình động mạch chủ bụng và hơn 15 loại ung thư: phổi, miệng, họng, thanh quản, dạ dày, tụy tạng, bọng đái, vú, cổ tử cung… Hầu hết chúng ta đều ít nhiều biết đến tác hại của thuốc lá nhưng việc bỏ thuốc vẫn rất cần một sự quyết tâm cao.
5. Chữa các bệnh nhiễm
Các bệnh nhiễm làm nặng thêm gánh nặng ung thư vì có khoảng 20% các ung thư liên quan đến bệnh viêm nhiễm. Chẳng hạn như: viêm gan do virus HBV và HCV lâu ngày dẫn đến ung thư gan, các virus HPV (HPV 16-18) gây ra ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư khác, còn vi khuẩn H. pylori là nguy cơ nhóm một gây ung thư dạ dày.
6. Tầm soát ung thư
Phát hiện sớm bệnh bằng cách kiểm tra sức khỏe đều đặn, chú ý tầm soát ung thư, khoảng ba năm một lần ở lứa tuổi từ 20-40 và hằng năm từ 40 tuổi. Phụ nữ đặc biệt lưu ý rà tìm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Đàn ông lưu ý rà tìm ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan sớm. Người có bệnh sử viêm loét dạ dày, có thể xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori để có xử lý thích hợp. Từ 50 tuổi, nếu có điều kiện nên được bác sĩ tư vấn tầm soát ung thư đại trực tràng…
7. Lưu ý các triệu chứng báo động ung thư
Theo BS Nguyễn Chấn Hùng, hiện có trên một trăm loại ung thư khác nhau nhưng có những triệu chứng chung cần lưu ý như:
Thay đổi thói quen của ruột: đột nhiên có rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy dai dẳng, nhất là ở người trên 40 tuổi thì cần cảnh giác ung thư ruột.
Vết sùi loét không chịu lành: vết lở loét ngày càng trầm trọng, dù điều trị tích cực vẫn không lành hoặc một vết lở nhỏ, một chồi cứng dai dẳng ít đau trong miệng (môi, lưỡi, amidal) ở đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc nhiều thì nên cảnh giác ung thư.
Chảy máu bất thường ở âm đạo đối với phụ nữ trên 30 tuổi thì cảnh giác ung thư cổ tử cung.
Phụ nữ có cục u ở vú không đau hoặc ít đau phải cảnh giác ung thư vú.
Ăn không tiêu ở người trên 40 tuổi, có thể là dấu hiệu của ung thư bao tử.
Khó nuốt, nuốt nghẹn thì cần cảnh giác bệnh ung thư thực quản.
Ho dai dẳng không rõ nguyên nhân ở người trên 40 tuổi hút thuốc nhiều, kèm đàm máu, có thể là triệu chứng ung thư phổi.
Khản tiếng kéo dài có thể do ung thư thanh quản, đặc biệt đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc nhiều.
Rối loạn chung chung: suy nhược, sút cân, không thèm ăn có thể là do ung thư thực quản, bao tử, tụy tạng đau nhức có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư xương.
Trên đây là những dấu hiệu báo động, chưa hẳn là dấu hiệu bệnh.Vì vậy, khi có các triệu chứng này thì cần đến bác sĩ kiểm tra, nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư. Thay lời kết, BS Nguyễn Chấn Hùng khẳng định: “Ung thư ngừa được ai ơi/ Ơ hờ bệnh nhập nghĩ là trời kêu”.
- Trọng Đức