Khoai tây chiên sẽ là di sản văn hóa Bỉ và thế giới. Để được Liên Hiệp Quốc công nhận, ba bộ trưởng văn hóa ba vùng ngôn ngữ chính, bình đẳng ở Bỉ phải lập hồ sơ và trình cho UNESCO xét duyệt. Bộ văn hóa vùng nói tiếng Hà Lan đã chính thức tuyên bố khoai tây chiên là di sản văn hóa quốc gia, bộ văn hóa vùng nói tiếng Pháp, tiếng Đức sẽ hoàn chỉnh hồ sơ vào đầu năm 2015.
Ở Bỉ hiện có hơn năm ngàn quán cà phê, nhà hàng chuyên kinh doanh khoai tây chiên, tính theo bình quân đầu người thì còn cao hơn cửa hàng Mc Donald’s ở Mỹ. Mức tiêu thụ khoai tây chiên ở Bỉ cao nhất thế giới, bình quân một người Bỉ mỗi năm ăn 75kg khoai tây chiên. Bỉ mới là cái nôi khoai tây chiên giòn chứ không phải Pháp như nhiều người tưởng. Một điều đặc biệt là khoai tây chiên bán ở Bỉ nhất định phải đặt trong bao bì giấy hình chóp nón.
Ngay đầu thế kỷ XV, người Bỉ đã chiên giòn khoai tây làm thức ăn, khi thức ăn chính là cá bị thiếu hụt, khan hiếm. Hồi đó khoai tây trồng ở Bỉ rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn trái bóng bàn, mãi sau này mới đạt được kích thước như hiện nay. Đại chiến thế giới lần thứ nhất, binh lính Mỹ đóng ở Bỉ được thết đãi món ăn dân tộc – khoai tây chiên. Hồi đó ngôn ngữ chính ở Bỉ là tiếng Pháp, nên binh sĩ Mỹ đinh ninh khoai tây chiên là món ăn dân tộc của người Pháp. Hiện nay, một số nhà ẩm thực học Mỹ khẳng định khoai tây chiên giòn có tác dụng hạ huyết áp, người bệnh huyết áp cao yên tâm ăn khoai tây chiên giòn khoái khẩu.
UNESCO đã công nhận 314 di sản văn hóa thế giới phi vật thể, từ cà phê Thổ Nhĩ Kỳ đến vũ điệu tango Argentina, dân ca của người lùn pigmy ở Trung Phi. Nay thêm di sản văn hóa phi vật thể thế giới thứ 315 – khoai tây chiên giòn Bỉ.
Lê Lành theo Le nouvele observateur, 20minutes (DNSGCT)