Vào ngày 1-5-1981, American Airlines là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới cho ra mắt một chương trình tích lũy điểm theo dặm bay mang tên AAdvantage.
Những đặc ân đầu tiên dành cho thành viên của AAdvantage là quyền nâng cấp lên khoang hạng nhất từ vé hạng phổ thông nếu tích lũy được 12.000 dặm bay, giảm 20% cho giá vé khứ hồi nếu tích lũy được 20.000 dặm bay. Và sau đó chỉ vài ngày, United Airlines cũng cho rằng chương trình giữ khách hàng của mình mang tên Mileage Plus được nhiều hãng hàng không tại Mỹ và nhiều nước khác theo đuổi, tạo nên sự bùng bổ cạnh tranh về một loại hình dịch vụ mới cho ngành vận chuyển hàng đầu này.
Tính đến nay đã có hơn 70 FFP trên toàn thế giới đang triển khai cùng với số lượng đa dạng của chương trình tương tự từ các hiệp hội, tổ chức hàng không cũng như đối tác của các hãng hàng không, trong đó nổi bật nhất là AAdvantage của American Airlines với hơn 60 triệu thành viên. Trong bối cảnh hình thức kinh doanh hàng không giá rẻ đang tạo ra sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn thì FFP như là một vũ khí hữu hiệu mà các hãng hàng không truyền thống đang khai thác.
Sự phát triển của loại hình tương tác hàng không này nhanh đến nỗi mà ngày nay tại một số quốc gia việc tích lũy điểm hay dặm bay cho tài khoản thành viên được thực hiện dễ dàng như việc đổ xăng hay mua hàng hóa, thậm chí có những hành khách là thành viên của nhiều FFP khác nhau. Tuy nhiên, việc tham gia cùng lúc nhiều FFP nhằm gia tăng lợi ích khi bay từ các hãng hàng không là một phương thức không cần thiết, bởi hiện nay hầu hết các hãng hàng không đều có liên kết, chia sẻ thông qua các hiệp hội như Star Alliance, Oneworld hay Skyteam…
Bên cạnh đó, nếu nhưở thời kỳ đầu, số điểm – dặm bay tích lũy được lấy từ các chuyến bay đã thực hiện, nên chỉ có những hành khách phải sử dụng thường xuyên loại hình vận chuyển này mới có thể trở thành thành viên của các FFP; ngày nay việc tích lũy này thật sự cởi mở hơn rất nhiều. Bởi vì không chỉ tích điểm – dặm bay từ các chuyến bay thực tế mà thành viên còn có thể làm tăng tài khoản của mình thông qua việc sử dụng các dịch vụ của các đối tác có kết nối với chương trình tại mặt đất. Vì vậy người có số tích lũy cao nhất chưa chắc là người thực hiện được nhiều chuyến bay nhất.
Thông thường, khi đặt vé trên các chuyến bay với phần kết nối thẻ thành viên, hệ thống chương trình của hãng hàng không sẽ tự động tích lũy điểm – dặm tương ứng cho tài khoản của thành viên, số điểm – dặm tích lũy cho mỗi chuyến bay sẽ theo tỷ lệ do hãng hàng không quy định tùy theo đường bay, khoang hạng đặt chỗ… Tuy nhiên, không phải chuyến bay nào của bạn cũng được tích điểm, đặc biệt với những chiếc vé thuộc các chương trình khuyến mại. Ví dụ như: Privilege Club của Qatar cho phép tích lũy từ 25 đến 70% số dặm bay với những vé máy bay hạng phổ thông giảm giá trong khi những thành viên của Enrich – Malaysia Airlines có thể được lưu 70% số dặm bay thực tế cho vé giảm giá của hạng phổ thông và 150% cho vé giảm giá của khoang hạng thương gia, SkyPass – Korean Air là 80% cho vé hạng phổ thông, Flying Returns – Air India là 50% cho vé giảm trên khoang phổ thông đường bay quốc tế và 25% cho đường bay quốc nội…
Trong khi đó, có vài chương trình rộng rãi hơn như Flying Club của Virgin Atlantic, chấp nhận tích dặm thực tế cho tất cả các loại giá vé, Royal Skies của Royal Brunei Airlines chấp nhận cho tất cả các loại vé hạng phổ thông, nhưng giá giảm cho hạng thương gia thì chỉ là 125% trong khi với giá vé chính thức thì được tích 150%. Với Frequent Flyer của Qantas thì hơi ràng buộc hơn một chút khi giới hạn chỉ áp dụng tính dặm tích lũy cho vé giảm giá của các hành khách khi đạt được ít nhất 1.000 điểm trên khoang hạng phổ thông, 1.250 điểm trên khoang hạng thương gia hay hạng nhất; trong khi đó KrisFlyer của Singapore Airlines thì giảm 50% cho vé giảm của hạng đặt chỗ N & Q và chỉ còn 10% nếu là vé thuộc hạng đặt chỗ ký hiệu T & V. Và với Dynasty Flyer của China Airlines thì với những vé được giảm từ 50% trở lên so với giá vé chính thức và những loại vé có khuyến mại khác thì không được tích điểm vào tài khoản.
Có một phân biệt quan trọng cần nắm rõ giữa dặm bay hay điểm tích lũy (air miles, points) và dặm hay điểm nâng bậc (tier, status). Air Miles hay Points là phần tích lũy tính theo dặm hay điểm từ những chuyến bay thực tế hay sử dụng các dịch vụ từ các đối tác tham gia trong chương trình, phần Miles hay Points này được tích lũy để có thể mua vé máy bay cho thành viên. Còn Tier hay Status chỉ được tính từ chuyến bay thực tế, cho phép sử dụng để nâng hạng thành viên trong chương trình nhằm có được nhiều lợi ích hơn như được vào danh sách chờưu tiên, được hưởng chế độ tăng thêm trọng lượng hàng hóa ký gửi, sử dụng các phòng chờ tại sân bay, ưu tiên nâng khoang hạng khi bay… Ví dụ như Marco Polo Club – Cathay Pacific thì thường xác định cấp độ thành viên qua số tích lũy (Tier) là 20 chặng bay (sector) hay 30.000 miles cho cấp độ Silver, 40 chặng bay hay 60.000 miles cho cấp độ Gold và để trở thành thành viên Diamond của Marco Polo Club thì hành khách phải tích lũy lên đến 80 chặng bay hay 120.000 dặm, và vì thế đối với các vé máy bay khuyến mại giảm giá sẽ không được tính chặng bay cho thành viên nhằm khuyến khích hành khách mua vé thông thường hơn là bay nhiều với vé khuyến mại.
Những yếu tố như thủ tục phức tạp, thời gian gấp rút và giới hạn về số lượng ghế có thể làm cho nhiều thành viên của các FFP dường như hơi thấy phiền nhiễu so với những gì mà nó đem lại. Nhưng nếu kiên trì với một FFP, sử dụng các dịch vụ của các đối tác tại mặt đất và có kế hoạch trước thì khả năng sở hữu những chiếc vé máy bay miễn phí là hoàn toàn nằm trong khả năng. Còn nếu chưa đạt được điều này thì ít ra hành khách cũng có thể được hưởng những đặc quyền hấp dẫn cho chuyến bay của mình như được làm thủ tục trước, sử dụng các phòng chờ và nhiều lợi ích khác của FFP từ việc tích điểm – dặm cao.
Xem thêm:
- 10 sản phẩm hàng không hàng đầu của năm 2014
- 10 phòng chờ hấp dẫn nhất thế giới dành cho doanh nhân
- Để thoát khỏi cảnh chen lấn khi lên máy bay