Vậy là chỉ sau ít phiên đi xuống kèm theo thanh khoản suy giảm chứng tỏ sự giằng co, người mua đã tỏ ra… thiếu kiên nhẫn và màu xanh hy vọng cùng thanh khoản tăng cao đã trở lại với thị trường chứng khoán. VN-Index, vì thế, không bị “thủng” vùng hỗ trợ mạnh 750 điểm, mà bật lên nhờ dòng tiền bắt đáy liên tục đổ vào. Tính đến hết tháng 7, VN-Index đã vượt qua mốc điểm 780. Kết luận VN-Index đã tạo đáy ở vùng điểm 750 và sự hồi phục của thị trường còn thể hiện ở lực cầu mua giá cao tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trụ cột. Giai đoạn điều chỉnh của VN-Index có lẽ đã xong và ngắn hơn dự kiến của nhiều người, đem đến kỳ vọng rằng chỉ số này sẽ quay lại xu hướng tăng, sẵn sàng thử thách những mục tiêu mới.
Nếu tâm lý bất an có thể lây lan thì sự hưng phấn cũng truyền đi nhanh không kém. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển rất nhanh từ nỗi lo sợ giai đoạn điều chỉnh dài (nên vội vàng bán đi cổ phiếu trước đó) sang trạng thái hưng phấn, sẵn sàng tranh mua cổ phiếu “nóng” giá cao. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phục hồi, tạo hiệu ứng dòng tiền lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, điện, nước, thép, khí đốt… Và cũng như nhiều lần “vùng lên” của VN-Index trong quá khứ, khối ngoại là nhân tố không thể bỏ qua, cụ thể, động thái mua ròng mạnh mẽ của khối này (trên cả ba sàn, trong tuần cuối tháng 7, khối ngoại mua ròng 1.543,04 tỉ đồng) có tác động rất quan trọng đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân.
Những tháng cuối năm, thị trường chứng khoán được sự hỗ trợ từ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hạ lãi suất để giúp sức cho doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất ở mức thấp cũng sẽ hút thêm dòng tiền vào chứng khoán trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang dư thừa. Ngoài ra, nghị định 71 về quản trị công ty có hiệu lực từ đầu tháng 8 sẽ cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, giúp tiệm cận các chuẩn mực thế giới. Đây là điều rất được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, vì vậy, sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong trung và dài hạn. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường và Nhà nước cũng sẽ thoái vốn mạnh tại các công ty lớn… Thông tin này cũng tạo tâm lý tích cực và thu hút thêm nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời trong tháng 8 với khả năng mở được vị thế bán cũng giúp nhà đầu tư dễ dàng phòng thủ rủi ro giá xuống…
Tuy nhiên, VN-Index sẽ không dễ đi lên, không chỉ bởi phải vượt qua những vùng kháng cự về kỹ thuật. Hiện chỉ số P/E bình quân của thị trường vào khoảng 16,6 lần – mức cao nhất từ năm 2008, giá nhiều cổ phiếu không nằm trong vùng hấp dẫn, dù vẫn còn nhiều nhóm cổ phiếu có mức tăng giá chưa tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận. Tháng 8, thị trường nhiều khả năng chỉ là giằng co, hoặc điều chỉnh nhẹ trước áp lực chốt lời của những người đã mua cổ phiếu giá rẻ trước đó. Bởi nếu bỏ qua các câu chuyện có tính chất bên lề và những khoản lợi nhuận đột biến, chỉ tính riêng sự song hành giữa kết quả kinh doanh và sự tăng giá cổ phiếu, thì đã có “độ chênh” đáng kể. Đa số doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn mức tăng giá, đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu đã trở nên đắt đỏ.
Có lẽ những kỳ vọng vào giá cổ phiếu tăng trong năm nay đã xong, phản ánh hết vào mức giá hiện tại của các cổ phiếu, việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua mua bán ngắn hạn sẽ không còn nhiều. Khó để tìm “mật ngọt” như trước, nhà đầu tư không còn cách nào khác là phải đào sâu thông tin “đằng sau các con số”, nhằm tìm ra những cổ phiếu tốt chưa được đánh giá đúng mức.
- Ngọc Khang