“Trở thành triệu phú không phải là việc xa vời như mọi người vẫn nghĩ. Lần đầu tiên nhìn thấy 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng của mình, tôi gần như đã ngất xỉu. Sau đó tôi vẫn không thôi liếc nhìn số tiền đó mỗi ngày, không phải vì sợ nó bị mất đi…”.
Mới đây, trên tờ Business Insider, John Rampton, cây bút của nhiều tờ báo như Forbes, Business Insider, Entrepreneur đồng thời cũng là người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Marketing Adogy, đã có những chia sẻ về cách thức để trở nên giàu có cũng như sớm tạo được nền tảng tài chính vững mạnh của mình. Theo John Rampton, phần khó khăn nhất, là làm sao kiếm được 1 triệu USD đầu tiên. Bởi khi đã có khoản “dằn túi” này rồi, mọi thứ sẽ tự nhiên vận hành giống như một cái máy đã được lập trình. Cũng quan trọng không kém, theo John Rampton, ông đã từ bỏ được ba quan điểm sai lầm để đạt được thành công như ngày nay.
Quan điểm: “Trời sinh voi sinh cỏ”
Người giàu có và thành công luôn có kế hoạch cho mọi thời điểm trong cuộc sống của họ. Họ biết chính xác nơi nào họ muốn đi, việc nào họ cần làm cũng như điều gì khiến họ thành công. Có một kế hoạch, trong ngắn hạn lẫn dài hạn, còn giúp những người này có thể dự đoán chướng ngại vật, những thách thức họ sắp phải đối mặt.
“Trời sinh voi sinh cỏ” là điều đầu tiên và khó khăn nhất mà John Rampton phải thay đổi, bởi khi làm những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, thường xuyên bị áp lực cao cộng với việc phải đối mặt với những lời từ chối của khách hàng ngày này qua ngày khác, rất nhiều lần John Rampton muốn buông xuôi cho “định mệnh”. Những lần để mặc “con thuyền” cuộc đời mất “lái” và đâm đầu vào đá như vậy, John Rampton nhận ra mọi việc chỉ tồi tệ hơn. Do đó, thay vì phó mặc mọi thứ cho “trời”, người thành công luôn tin rằng mình có thể làm được và lập ra một kế hoạch chi tiết để thực hiện công việc ấy.
Quan điểm: Trở thành bạn của tất cả mọi người
Người thành công không phải là những người “dễ thương”. John Rampton thấy rằng, chẳng có lợi ích gì khi cố gắng làm bạn với tất cả mọi người xung quanh và cố làm cho họ hài lòng. Những người thành công, giàu có không bao giờ lãng phí thời gian của họ cho những người sẽ nói rằng họ không thể đạt được điều họ muốn.
Vì vậy, người giàu có chỉ sử dụng thời gian của mình với những người nhiệt huyết, đam mê và có những suy nghĩ táo bạo trong tương lai. Cũng theo Gerard Adams (trở thành triệu phú ở tuổi 31 sau khi bán lại Elite Daily, một nền tảng tin tức, cho tờDaily Mail với giá 50 triệu USD) có bốn mẫu người sau đây bạn nên “dành thời gian”, bởi họ sẽ giúp bạn sớm có được thành công:
- Người chăm chỉ: người thúc đẩy tinh thần làm việc của những người xung quanh họ.
- Người có thái độ tích cực: người mang đến sự lạc quan và duy trì được nhuệ khí cho mọi người, bất kể khó khăn, thử thách và tình thế có tồi tệ đến đâu.
- Người thích đặt câu hỏi: người luôn tò mò sẽ đem lại sự mới mẻ và những ý tưởng đột phá trong công việc cũng như trong cuộc sống.
- Người quyết tâm theo đuổi mục tiêu: người này sẽ giúp bạn có thêm động lực và những bài học quý giá từ chính hành trình theo đuổi mục tiêu của họ.
Quan điểm: Tiền bạc là đam mê lớn nhất
Tiền bạc, theo John Rampton, không phải là đam mê, mà chỉ là công cụ, phương tiện, thước đo cho sự khát khao theo đuổi đam mê của bạn. Chính vì vậy, khi lần đầu tiên thấy 1 triệu USD trong tài khoản, John Rampton mới cảm thấy thú vị, vì đó là lời khẳng định cho những giá trị, bài học, kinh nghiệm mà ông đã trải qua. Đừng theo đuổi tiền bạc, hãy tự đi tìm sự đam mê, kinh nghiệm, công việc mà bạn yêu thích, tiền bạc sẽ tự tìm đến.
Câu chuyện về thành công của Edwin C. Barnes là một ví dụ. Edwin C. Barnes có một mong muốn, đó là được hợp tác với nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Edwin C. Barnes chưa từng gặp Edison, thậm chí không có đủ tiền để tới thành phố Orange, bang New Jersey nơi Edison đang sống và làm việc. Edwin C. Barnes sau đó dùng hết tâm trí, khả năng, thời gian của ông, trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau để tiết kiệm vừa đủ tiền đến gặp Edison. Lời đề nghị hợp tác của Edwin C. Barnes được Edison đánh giá cao, tuy nhiên, Edison chỉ sắp xếp cho Barnes làm công việc tạp vụ trong những tháng đầu. Barnes thực hiện mọi thứ bằng nỗ lực tối đa, cùng với đó, ông không ngừng tìm kiếm cơ hội để khẳng định bản thân với Edison. Rồi cơ hội cũng đến khi máy đọc Ediphone, một phát minh của Edison, bị mọi người cho là thất bại. Barnes đã đề nghị với Edison cho ông thương mại hóa loại máy này. Vụ thương mại này giúp Barnes trở nên giàu có, thành công và quan trọng hơn, giúp Barnes trở thành người cộng tác hàng đầu với Edison. Sự thành công sau này của Barnes, chỉ được tóm gọn trong một câu nói mọi người hay truyền tai nhau lúc bấy giờ: “Edison là bậc thầy trong việc sản xuất, còn Barnes là bậc thầy trong việc lắp đặt”.
Tuấn Thành (DNSGCT)