Nghệ thuật và người nghệ sĩ phản ứng ra sao trước những biến động xã hội và cả chính trị? Liệu nghệ thuật có sức mạnh để thay đổi thế giới hay thế giới định hình sự tiến hóa của nghệ thuật? Một cuộc triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại Đông Nam Á đang diễn ra tại New York như một cách tìm kiếm lời đáp cho các câu hỏi trên.
Với tên gọi “Sau bóng tối: Nghệ thuật Đông Nam Á vào buổi bừng tỉnh của lịch sử” (After Darkness: Southeast Asian Art in the Wake of History), triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng của Hội châu Á (Asia Society’s Museum) ở New York từ 8-9-2017 đến 21-1-2018. Tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại đến từ Indonesia, Myanmar và Việt Nam, những người đã sống và sáng tác vào những thời kỳ đang diễn ra nhiều đổi thay trong đời sống chính trị – xã hội tại ba quốc gia nói trên.
Hai nghệ sĩ FX Harsono và Tintin Wulia của Indonesia đã giới thiệu các tác phẩm mạnh mẽ ra đời từ các cuộc bạo động và rối loạn đã nổ ra ở quê hương của họ trong thời kỳ đen tối của năm 1998, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ quân phiệt Suharto và chuyển sang chế độ dân chủ. Những gì được hai nghệ sĩ thực hiện trước và sau thời kỳ đen tối 1998 ấy đã minh họa những phương cách phức tạp, qua đó chính họ đã tham dự vào sự chuyển giao quyền lực từ độc tài sang dân chủ. Trong khi Harsono và Wulia là người trong cuộc khi sáng tác thì Lê Quang Đỉnh và Tuấn Andrew Nguyễn (thành viên nhóm The Propeller) lại ở cương vị khác: cả hai đều sống ở Mỹ từ thuở niên thiếu và trở về Việt Nam làm việc, hoạt động nghệ thuật những năm gần đây, do vậy tác phẩm của họ không chỉ phản ánh đời sống xã hội Việt Nam đương đại mà còn là cách khám phá lại cội nguồn văn hóa của hai anh, cũng là cách tham gia vào quá trình xây dựng lại cơ sở hạ tầng văn hóa tại Việt Nam.
Còn những gì được giới thiệu tại triển lãm của Htein Lin và Nge Lay đến từ Myanmar không chỉ thể hiện trách nhiệm nghệ sĩ của họ trước sự chuyển đổi về chính trị – xã hội đầy kịch tính diễn ra trên quê hương mình, mà còn biểu thị sự tham gia mạnh mẽ của họ đối với đời sống xã hội và với dòng tộc của mình. Hai nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Thanh Mai (Việt Nam) và Angki Purbandono (Indonesia) đã có các hoạt động nghệ thuật tích cực tại đất nước của họ thời gian qua với tư cách là các nghệ sĩ đương đại tiêu biểu trong khu vực.
Tác phẩm nổi bật trong triển lãm là của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh – người sáng lập Sàn Art tại TP. Hồ Chí Minh và đã nhận được giải thưởng của Quỹ Hoàng tử Claus vì văn hóa và phát triển của Hà Lan năm 2011, trị giá 25.000 euro. Với tên gọi Ánh sáng và lòng tin: những ký họa cuộc sống từ cuộc chiến tranh Việt Nam, đây là một tổ hợp gồm 102 ký họa chiến trường của nhiều họa sĩ cùng một video dài 35 phút chiếu, nói về cuộc chiến tranh đã qua tại Việt Nam. Tác phẩm này đã được giới thiệu tại triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới dOCUMENTA lần thứ 13 (2012) và tại Hội chợ nghệ thuật Art Basel 2016.
Được biết, tên gọi triển lãm lấy từ câu “sau bóng tối ánh sáng sẽ đến” trong bài viết của Raden Adjeng Kartini, con gái của nhiếp chính vương vùng Jepara trên đảo Java và là một biểu tượng của phong trào nữ quyền tại Indonesia.
- Phạm Đán Bình