Dưới triều Nguyễn, nhằm giám sát hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, bên cạnh việc thành lập cơ quan tư pháp như Bộ Hình, Đại Lý tự, Viện Đô sát, Tam Pháp ty, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… còn cho đặt chiếc trống Đăng Văn ở kinh đô để mỗi khi dân chúng bị oan ức thì đánh trống lên cho triều đình biết. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới còn khắc ghi những câu chuyện xung quanh chiếc trống này.
Vào năm Tân Mão (1831), e sợ trước nỗi oan của người dân mà triều đình khó biết được, vua Minh Mạng đã cho thiết kế một chiếc trống lớn đem treo ở Tam Pháp ty và xuống chiếu ai có điều gì oan khuất thì đến đánh lên, vua sẽ cho Tam Pháp ty nghị xử. Chiếc trống ấy gọi là trống Đăng Văn (tiếng trống đánh lên để thấu đến tai vua).
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 173, mặt khắc 2, ghi chép lời vua như sau: “Đời xưa đặt cây trụ gỗ cho dân ghi lời chê bai để mở rộng đường chính trị và thông đạt tình kẻ dưới. Nhưng Đường, Ngu là đời đại đồng, dân đen cảm hoá, liền nhà đáng nêu khen cả, thiết tưởng trụ gỗ ấy cũng đặt làm vì đó thôi. Từ lúc thói thuần hậu chuyển sang tục kiêu bạc, ba đời Hạ, Thương, Chu đã không bằng đời Đường, đời Ngu, mà các đời Hán, Đường, Tống lại không bằng Hạ, Thương, Chu. Nay trẫm đặt ty Tam pháp, định nhật kỳ thu nhận đơn kiện. Phàm thần dân trong Kinh, ngoài trấn, ai có oan uổng, cho được đưa đơn tố cáo; lại đặt cái trống “Đăng Văn”, ai có việc bị hại thiết thân đều được đánh lên. Đó là muốn cho nỗi u ẩn của kẻ dưới được đề bạt lên vua nghe”.
Bên cạnh đó, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn cũng quy định người đánh trống kêu oan phải tự trói tay chân mình, đội sớ kêu oan lên đầu, rồi cầm dùi đánh 3 tiếng trống dõng dạc, tiếp đó đánh một hồi vang vọng để vua và triều đình biết đó là tiếng trống của người kêu oan.
Và kể từ khi triều Nguyễn đặt chiếc trống Đăng Văn, đã có rất nhiều dân chúng đến kêu oan lên vua và triều đình, trong đó có vụ án oan lớn nhất được Tam Pháp ty minh oan đó là vụ án của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Năm Mậu Thân (1848), khi Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đang giữ chức Tri phủ Trà Vang (thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày nay), ông đã không ngần ngại đứng về phía dân chài địa phương, bênh vực những người bị các quan lại ức hiếp và nhũng lạm quyền thế, không cho dân chúng khai thác thủy sản trên kênh rạch. Hành động cương trực của ông bị các đồng liêu ganh ghét và tìm cách hãm hại. Triều đình chưa rõ thực hư mà nghe lời Tổng đốc Vĩnh Long nói Bùi Hữu Nghĩa xúi dân làm loạn nên đã cách chức không cho ông làm Tri phủ Trà Vang. Đồng thời, ông cũng bị bắt giải về Kinh và chờ ngày thọ án tử hình.
Đứng trước tình cảnh đó, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tôn đã thực hiện một nghĩa vụ công dân rất đỗi can trường và nguy hiểm, bất chấp mọi khó khăn, ròng rã cả tháng trời vượt biển với chiếc ghe bầu ra Kinh đô Huế để gióng lên 3 hồi trống Đăng Văn, quyết minh oan, giải cứu cho chồng khỏi bản án tử hình. Sự việc được Tam Pháp ty điều tra lại và kết quả không phải như hình án đã quyết nên vua Minh Mạng cho Bùi Hữu Nghĩa thoát khỏi án tử hình nhưng phải đày đi lính ở vùng biên giới An Giang. Hoàng Thái hậu Từ Dũ biết tin bèn ban tặng Nguyễn Thị Tôn một tấm biển chạm nổi 4 chữ vàng “Liệt phụ khả gia”.
Tuy nhiên, không phải ai đến đánh trống cũng được giải oan, ngược lại nếu kêu không đúng sự thật và không thật sự khẩn thiết thì bị phạt tội, người xúi giục cũng bị liên đới. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 132, mặt khắc 37, 38, có ghi chép sự việc như sau: “Dân Thừa Thiên có người bị quan Kinh doãn đánh đòn, bèn đánh trống Đăng Văn để kêu. Vua nghe biết bảo thị thần rằng: “Đặt ra trống Đăng Văn cốt để những người không có chỗ kêu được thân oan, thế mà từ trước đến nay, những kẻ đến kêu chỉ là những việc nhỏ nhặt trong làng xóm. Nay kẻ này tức giận vì việc bị trách phạt, dám đánh trống để kêu nhàm, thì cái thói gian ngoan tệ bạc lại càng quá lắm! Có lẽ vì dân tục ngày một kiêu bạc mà đến thế chăng! Có biết đâu rằng đời vua Nghiêu, vua Thuấn, dù có dựng gỗ, đặt trống, thế mà không ai khiếu nại điều gì, thì dân tục thuần phác là nhường nào!”. Vua sai Tam pháp ty tra xét, xử Phủ doãn Trần Tú Dĩnh bị cách lưu vì đã đánh giá rẻ sản vật của dân, để đến dân đi kiện nhảm; Phủ thừa Nguyễn Văn Cẩn có ý bênh vực cho làm thì bị giáng 3 cấp, lưu. Người dân đánh trống để kêu, bị phạt 100 trượng”.
Năm Nhâm Tý (1852), lợi dụng trống Đăng Văn để kêu oan, Bùi Văn Lâm đến đánh trống kêu về việc bị người khác xâm chiếm đất đai. Sau khi tra xét, Bùi Văn Lâm tên thật là Nguyễn Minh Khiêm, trước đây Khiêm cũng đã từng đến đánh trống kêu oan nhưng việc kêu oan của Khiêm là không đúng nên không được xét, do đó Khiêm nghĩ nếu lấy tên thật sẽ không được xét nữa đành đổi tên thành Bùi Văn Lâm.
Vua Tự Đức liền cho gông cùm Lâm chờ xét xử. Đây là một trong những minh chứng cho thấy các vị vua đầu triều Nguyễn đã tạo điều kiện cho dân chúng thể hiện dân nguyện của mình, nhưng với điều kiện quyền đó phải được thể hiện đúng quy định của triều đình và dân chúng cũng không được kêu quấy.
Quán triệt tinh thần đó, vua Tự Đức đã ra lệnh trong Thành nội không ai được đánh trống để khỏi lầm với tiếng trống Đăng Văn. Nghe thấy tiếng trống, dù lúc ấy vua đang làm gì cũng chuẩn bị sẵn sàng nhận đơn kêu oan kịp thời được đưa lên. Nhà vua đọc xong, sẽ tự phê ngay trên đơn và đưa xuống Tam Pháp ty xét xử ngay. Nếu kiện đúng, nhà vua sẽ phán quyết.
Để đề phòng bọn gây rối đánh trống náo loạn kinh thành, người đánh trống sẽ phải tự trói tay chân mình lại để khẳng định tiếng trống Đăng Văn ấy đúng là của mình đánh. Chính mình là nhân chứng của mình, mình phải chịu trách nhiệm về sự đúng đắn của tiếng trống ấy. Việc thực hiện tiếng trống được quy định như sau: Người bị xử oan ức thì đến lầu đặt trống, đánh 3 tiếng dõng dạc và 1 hồi vang vọng, Tam Pháp ty cử người trực ở chòi trống, hễ thấy ai đánh trống kêu oan thì nhận đơn rồi đưa vào.
Năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ vào tay thực dân Pháp, triều đình Huế không còn thực quyền, vai trò, chức năng của Tam Pháp ty và trống Đăng Văn đã không còn. Về sau, khi Đồng Khánh lên ngôi vua (tháng 9 năm 1885), muốn phục hồi một truyền thống tốt đẹp của các tiên đế, nên đã vận động để Tam Pháp ty và tiếng trống Đăng Văn tái hoạt động.
Mộc bản sách Đồng Khánh chính yếu, quyển 4, mặt khắc 14, có chép như sau: “Tháng 10, mở lại Đại Lý tự, lấy Tả Thị lang Bộ Binh là Hoàng Vĩ kiêm nhiếp. Viện Cơ Mật tâu rằng Đại Lý tự là nơi công chính, phàm các vụ kiện tụng hình án trong dân gian mà có điều gì oan khuất thì đều đến đó mà kêu. Gần đây sau sự biến, tạm thời bị đình chỉ, đến nay cho mở trở lại. Vua chuẩn y theo”. Và đến năm 1906, tiếng trống kêu oan lại một lần nữa lại bị phải dẹp bỏ vì thực dân Pháp không cho phát huy công dụng như ngày xưa nữa.
Có thể nói, chiếc trống Đăng Văn dưới triều Nguyễn đã thể hiện được tinh thần dân chủ, ngăn cản việc lạm quyền, tham ô trù dập của các quan lại địa phương; đồng thời cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật thời bấy giờ. Việc nghiên cứu chiếc trống Đăng Văn nhằm mục đích “ôn cố” giúp chúng ta “tri tân”, nhất là đối với Việt Nam hiện nay đang tiến tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh lấy pháp luật làm thước đo chuẩn mực cho mọi hoạt động của xã hội.