Cha mẹ biết rõ các cột mốc quan trọng trong đời sống gia đình: ngày con ra đời, con bắt đầu đi học, con rời xa tổ ấm và sống độc lập… Đó là những bước ngoặt mới mẻ và đầy hân hoan nhưng cũng mang theo nhiều nỗi lo. Nhưng có lẽ không có nỗi lo nào sánh bằng việc con trẻ phải rời xa tổ ấm và đi học xa.
Đầu tiên, đó là cảm giác mất mát. Xa rời một đứa con mà cha mẹ luôn yêu thương, chăm lo và là một bạn đồng hành trong gia đình. Còn nhiều nỗi lo rất thực tế, chẳng hạn con có thể mắc bệnh hay các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần?
Nhiều học sinh, sinh viên ngày nay đang đối mặt với stress, lo âu và chứng trầm cảm. Kế đến là chuyện quan hệ bạn bè, tiệc tùng và những cạm bẫy như lạm dụng chất kích thích.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như con vướng vào quan hệ với kẻ xấu, có thể bị lạm dụng hay gặp rắc rối với bạn cùng phòng? Rồi còn chuyện học hành, chi tiêu và nhiều chuyện đáng lo nữa mà họ nghe từ các phụ huynh khác hay đâu đó trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông.
Vậy, các phụ huynh có thể làm gì để đối mặt với tình huống này? Eugene V. Beresin, bác sĩ và giáo sư tâm thần học của Trường Y khoa Harvard đã chỉ ra một số cách cơ bản như sau:
Trò chuyện với con
Hầu hết trẻ đều nghĩ rằng chúng có thể tự xoay xở mà không cần nhờ đến cha mẹ. Nhưng việc liên hệ thường xuyên là rất quan trọng, không chỉ quan trọng với trẻ mà còn với cha mẹ. Nên xác định lịch đàm thoại và cũng nên nhớ rằng nhắn tin không phải là nói chuyện. Không gì có thể thay thế được việc lắng nghe giọng nói của nhau.
- Xem thêm: Hãy nhìn kỹ con mình hơn nữa!
Thảo luận chứ không rao giảng
Những người trẻ tuổi, dù chưa trưởng thành, vẫn muốn được cư xử như người lớn. Họ muốn được người lớn lắng nghe và xem trọng quan điểm của họ. Thường xuyên tra hỏi về hành vi của con không phải là một ý tưởng hay, mà nên cư xử với con như với một người bạn, đồng nghiệp hay đối tác. Đặt những câu hỏi và lắng nghe cách giải quyết vấn đề của con. Nếu cách ứng xử này trở thành một quy tắc, trẻ sẽ trở nên cởi mở hơn và muốn hỏi xin lời khuyên của cha mẹ khi cần.
Chuẩn bị tâm lý sẽ “bị cho ra rìa”
Cũng sẽ đến lúc cô con gái cưng không chịu nói cho mẹ biết việc cô đến nhà bạn trai ăn tiệc. Sẽ có những khoảnh khắc mà các phụ huynh cảm nhận nỗi đau “bị bỏ rơi”, nhưng hãy nhớ rằng điều này không làm nhẹ hay phủ nhận vai trò quan trọng của người làm cha mẹ.
Thấu hiểu và khoan dung
Con trẻ mới rời xa tổ ấm sẽ phải đối mặt với nhiều thất vọng: thi rớt, bị mất công việc đầu tiên trong đời, vi phạm kỷ luật nhà trường hay chia tay với bạn trai, bạn gái… Gặp rắc rối là chuyện không nên nhưng cần tạo cho con cơ hội để nói về quyết định sai lầm của mình, học hỏi từ đó và hy vọng là không phạm sai lầm lần nữa. Khi những thanh niên trẻ này cảm nhận và biết ơn sự cởi mở, khoan dung của cha mẹ, họ sẽ tìm đến cha mẹ khi gặp rắc rối, khó khăn.
- Xem thêm: Xây dựng mối quan hệ tốt với con cái
Gợi ý để trẻ tìm “cố vấn”
Dù là trong học tập hay trong công việc, người trẻ cần có những người trưởng thành bên cạnh ngoài cha mẹ của mình. Đôi khi, nói chuyện với phụ huynh của bạn, giảng viên hay với anh chị lại dễ hơn nói chuyện với cha mẹ. Nên để con hiểu rằng bên cạnh cha mẹ, thế giới này còn có nhiều người thông thái và không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể ở cạnh bên con.
Giúp con hoạch định ngân sách
Sống độc lập là thời gian tuyệt vời để học về tài chính cá nhân. Con trẻ không thể mãi dựa dẫm vào ngân hàng của cha mẹ, mà cần học cách sống phù hợp với khả năng tài chính, biết mình có gì, muốn gì và đề ra những ưu tiên phù hợp.