Mất cân bằng giữa công việc và mối quan hệ có xu hướng làm giảm sự thân mật vợ chồng. Bạn đời luôn bị ám ảnh bởi công việc sẽ không thể hiểu được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng mối quan hệ vợ chồng. Nghiên cứu của Trường ĐH North California ghi nhận rằng ở các cặp vợ chồng có một người quá tham công tiếc việc, tỷ lệ ly hôn cao gấp hai lần.
Dù phát hiện này không mới, nhưng điều đáng lo là tỷ lệ ly hôn đang ngày càng gia tăng theo xu hướng chung, cộng với ngày càng nhiều người có vợ/chồng “nghiện” công việc, có thể tạo áp lực lớn trong cuộc sống chung. Vậy nên, nếu đang gặp tình huống tương tự, bạn cần tìm ra cách giải quyết.
Chia sẻ, thông cảm với tính chất công việc của bạn đời
Việc đầu tiên để đối phó với bạn đời nghiện công việc là đừng bao giờ cằn nhằn. Thay vì than thở việc bạn đời không giữ đúng lời hứa, tỏ vẻ hờ hững, cần nhẹ nhàng nhắc khéo cô/anh ấy đã bỏ lỡ chuyện gì do làm việc muộn hay mang việc công ty về nhà làm. Một cách khác là chia sẻ với bạn đời về cảm nhận của bạn và con cái sự vắng mặt của cô/anh ấy trong một dịp quan trọng ở trường hay một sự kiện xã hội nào đó.
- Xem thêm: Khi bạn đời là CEO
Khi đã hiểu rõ tính chất công việc của bạn đời, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận những hạn chế và nghĩa vụ tốt hơn. Có thể ghé thăm chỗ làm việc của bạn đời khi thuận tiện, tham dự các buổi họp mặt của công ty và tìm hiểu thêm về nhân viên hay cấp trên của cô/anh ấy. Việc tiếp xúc với môi trường làm việc của bạn đời có thể giúp bạn hiểu rõ hơn hay tự hào hơn về tính chất công việc của cô/anh ấy.
Thông thường, người “nghiện” công việc hay cảm thấy bị thúc ép phải bận rộn, ngay cả khi không cần thiết phải làm như thế. Do vậy, nếu nhận thấy điều này ở bạn đời, cố gắng tìm những sở thích phù hợp cả hai cùng dành nhiều thời gian để tham gia mà không tạo cho bạn đời cái cảm giác là “không làm gì cả” và không làm lãng phí thời gian. Hoặc có thể cùng làm những công việc đơn giản khác, miễn là cả hai cảm thấy thích.
Ưu tiên những sự kiện xã hội, đặt ra những ranh giới
Nếu bạn đời thường làm việc khuya vì phải tham dự những sự kiện xã hội, cách giải quyết là cần ưu tiên cho những hoạt động này. Nếu mỗi cuối tuần, trong lịch làm việc có khoảng ba cuộc họp mặt, cần quyết định xem cái nào là thực sự quan trọng hơn đối với hai vợ chồng và yêu cầu bạn đời cùng tham dự. Đây là cách để cô/anh ấy không cảm thấy chịu áp lực khi rời bỏ công việc, đồng thời cùng đi với bạn đời đến sự kiện quan trọng nhất đối với bạn.
Các cặp vợ chồng có bạn đời “nghiện” công việc thường làm tốt kế hoạch phân bổ giữa các nhiệm vụ nghề nghiệp và gia đình. Một khi mọi thứ đã được phân rõ trắng – đen, sẽ dễ dàng chọn ra những việc ưu tiên. Chẳng hạn, nếu bạn đời muốn chọn cách làm việc nhiều hơn vào năm tới, cô/anh ấy có thể chú ý hơn đến ảnh hưởng của công việc đến sức khỏe và mối quan hệ.
Điều này giúp cô/anh ấy có ý thức hơn về việc dành ra vài giờ đồng hồ vào dịp cuối tuần cho chồng/vợ và con cái. Chẳng hạn, chỉ định các buổi tối thứ Bảy không sử dụng các thiết bị công nghệ, khi không ai trong hai người nhận cuộc gọi điện thoại hay ngồi trước màn hình laptop. Nên bắt đầu bằng những kế hoạch ngắn hạn và đánh giá lại chúng bằng cách thay đổi các tình huống và mức độ ưu tiên.