Việc khen, chê con trẻ có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Biết động viên đúng lúc, khen trẻ đúng chỗ sẽ làm trẻ phấn khởi hơn. Lời khen luôn có giá trị hơn bất cứ phần thưởng nào mà cha mẹ dành cho con cái.
Những câu nói đơn giản như “Cảm ơn con đã phụ mẹ việc nhà” hoặc “Ba mẹ rất vui lòng về kết quả học tập của con” luôn có sức mạnh diệu kỳ cũng như làm tăng thêm mối liên kết trong gia đình, tạo sự gần gũi giữa cha mẹ và con trẻ. Vì thế, chúng ta nên cố gắng tận dụng cơ hội để khen ngợi, cổ vũ những việc làm tốt của trẻ.
Những lời khen tặng chân thành đều tốt cho trẻ. Điều này mang lại lòng tự tin, kích thích khả năng sáng tạo cho trẻ và củng cố mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình. Trẻ em thường rất nhạy cảm, vì thế lời khen của cha mẹ cần xuất phát từ lòng thành thực mới có giá trị đối với trẻ. Trẻ có khuynh hướng nhận thức được lời khen hoặc chê trách, thật hoặc không thật và dễ dàng đón nhận những lời khen chân thành. Khi đã nỗ lực trong học tập hoặc công việc mà thấy mình luôn được cha mẹ quan tâm thì trẻ càng phấn đấu nhiều hơn để nhận được nhiều lời khen hơn.
- Xem thêm: Giúp trẻ nhận biết niềm tự hào từ cha mẹ
Lời khen trẻ cần chính xác mới có giá trị cao. Nếu khen chỉ để lấy lòng trẻ hoặc khen chiếu lệ thì chẳng còn ý nghĩa gì. Do đó, cần giúp trẻ hiểu được giá trị của lời khen. Nhìn đứa con trai bảy tuổi thu dọn xong những món đồ chơi một cách gọn gàng và bạn cảm thấy hài lòng thì cũng chỉ nên khen rằng: “Con làm việc tốt lắm!”, chứ không cường điệu kiểu như: “Con của mẹ thật tuyệt vời!”. Trẻ cảm thấy để trở thành đứa con tuyệt vời sao dễ dàng quá, từ đó không thường xuyên cố gắng nữa.
Khen trẻ không đúng chỗ sẽ làm trẻ có khuynh hướng trông mong mãi một lời khen cho một việc làm nào đó, bất kể điều đó có đáng được khen hay không. Do đó, cần phát triển lòng tự tin và cảm giác hãnh diện của trẻ vì thành quả đạt được là do chính trẻ đã làm nên. Trẻ thường có tâm lý thích và rất vui sướng, hân hoan khi được khen thưởng, đặc biệt là khi trẻ biết cha mẹ nhận ra giá trị và sự tài ba của mình.
- Xem thêm: Khen con đúng cách
Mặc dù lời khen giúp trẻ có được niềm tin vào bản thân nhưng không phải bao giờ cũng như vậy. Lời khen đôi khi cũng có thể làm cho trẻ có những hành vi không tốt, vì nếu nhận được quá nhiều lời khen không xứng đáng, trẻ có khuynh hướng tự kiêu, ít nghe lời và chấp nhận lời chỉ dẫn, phê bình của người khác. Trẻ cần nhận lời khen để phát triển tính tự chủ, kỷ luật, sự chịu đựng thất bại và tính kiên trì.
Ngược lại, nếu thường xuyên bị cha mẹ phê phán là kém thông minh hoặc vụng về, thoạt tiên, trẻ sẽ nghĩ mình đâu đến nỗi như thế, nhưng dần dần trẻ đâm ra tin rằng nó vụng về thật và không tránh khỏi tâm lý bị tổn thương. Vì thế, cha mẹ không nên tiết kiệm lời khen và biết khen đúng là bí quyết thành công trong giáo dục trẻ.