Từ ngày có sự hiện diện của Facebook, người ta có xu hướng… thích khoe hình con cái.
Tuy nhiên, không phải đứa con nào cũng thích cha mẹ khoe hình chúng trên đó, chúng tỏ ra khó chịu và thậm chí còn phản ứng mạnh với cha mẹ. Một lời khen đối với con trẻ có thể ví như một chút kem trên chiếc bánh. Chiếc bánh ngon (và đẹp) nhờ có kem đính lên, chiếc bánh không kem khó thể ngon bằng. Một chút kem thì rất ngon, nhưng nhiều quá sẽ hỏng! Lời khen đúng lúc và tế nhị luôn làm cho trẻ tốt hơn lên.
Có hai câu chuyện kể của hai người mẹ như sau:
Chuyện của người mẹ thứ nhất: “Một hôm em gái tôi đến nhà chơi thấy con gái tôi (12 tuổi) vừa gội đầu xong, cháu đang ngồi hong tóc trước quạt, em gái tôi khen: “Xi gội dầu gì mà tóc thơm ghê”. Từ đó tôi để ý cháu thường xuyên gội đầu để giữ cho tóc được thơm. Tôi kể chuyện với cậu em chồng, cậu bèn nhờ tôi: “Chị khen giùm tóc bé Ti (là con gái cậu) để ngày nào nó cũng bắt chước bé Xi gội đầu”. Tôi khen tóc bé Ti thơm. Lời khen xem ra rất hiệu nghiệm!”.
Người mẹ thứ hai kể: “Mùa hè, để tập con biết đi chợ, tôi dắt cháu ra những hàng quen, dặn khi nào cháu có mua gì thì bán thứ ngon. Một tuần tôi đi công tác, cháu tự đi chợ được. Khi về, chị bán thịt nói với tôi: “Con gái chị hiền ghê, tuy nhiên, hiền quá thành khờ, chị nên cho cháu đi chợ để cháu dạn dĩ dần. Điều quan trọng là chị đừng bao giờ chê cháu. Hôm nghe chị chê cháu trước mặt em, em thấy cháu có vẻ không bằng lòng, nếu chị cứ chê mà không khen, cháu sẽ mang mặc cảm và cứ nghĩ là mình khờ!”.
Câu nói của chị bán hàng khiến tôi suy nghĩ. Đúng là tôi ít khi khen cháu. Nếu cháu làm việc tốt thì tôi chỉ nói: “Được”. Đã vậy, tôi lại thường xuyên chê cháu. Ví dụ như cháu học rất giỏi môn Anh văn, mỗi khi cháu có điểm 10, tôi chỉ nói: “Học Anh văn từ hồi lớp ba thì phải vậy thôi!”. Cháu học yếu môn toán, thì tôi luôn nói: “Sao mà con dốt toán quá!”. Kết quả là cháu luôn mặc cảm: “Tại vì con dốt toán mà…”. Đáng lý trong trường hợp này tôi phải nói rằng nếu con cố gắng, kết quả học toán của con sẽ tốt”.
Lời khen luôn là một sự động viên rất lớn đối với con cái. Lời khen làm cho trẻ gần gũi với người lớn, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương và được thông cảm. Đừng hà tiện lời khen với trẻ, nhất là đừng nên nói ngược, dù chỉ là một lời “chê yêu”. Trẻ con cần sự khen tặng chân thành để giúp chúng tiến bộ.
Tuy nhiên, cần chú ý, một số trẻ vốn giỏi giang lanh lợi sẵn, lời khen đối với chúng đôi khi làm cho chúng tự kiêu, khen quá lời sẽ dẫn đến hủy diệt niềm tin của chúng nếu cứ mỗi chút cha mẹ đưa con cái lên tận mây xanh. Khen con không đúng chỗ có cái hại đầu tiên là tập con cái cứ ngóng mãi lời khen cho hành động không có gì đáng khen cả. Nó sẽ bào mòn sự tự tin của trẻ.
Trẻ con cần nhận lời khen để phát triển sự tự kiềm chế, tính kỷ luật, sự chịu đựng và tính kiên trì. Cách mà trẻ được khen và lý do được khen sẽ góp phần rất lớn việc tạo dựng tính cách sau này của trẻ khi trẻ đối diện với thử thách và chịu đựng thất bại.
Như vậy, có thể thấy, trẻ được khen vì cố gắng và làm việc tích cực sẽ bắt đầu thích các cơ hội để học hỏi, bắt chước; còn trẻ được khen vì tài ba sẽ chỉ thích phát triển tài ba (để luôn nhận được lời khen). Điều này nhắc nhở cha mẹ rằng đừng quá chăm chú khen những thứ như nét đẹp bề ngoài, sự thông minh hay tài ba thiên phú mà chỉ nên tập trung lời khen vào những nỗ lực của con cái, và luôn biết bỏ qua những lỗi lầm của chúng ở quá khứ.
Tiến sĩ Carl Dweck – Đại học Stanford (Hoa Kỳ) cho rằng không nên khen ngợi con cái thông minh (smart) mà chỉ nên khen các em đã cố gắng làm việc (work hard). Không nên quan trọng chuyện thắng hay thua, mà quan trọng là ở cách chơi, và thành công là do mồ hôi nhiều hơn là do thiên tài. Ông cũng đưa ra những gợi ý cho các bậc cha mẹ khi khen con cái thì nên:
- Nhìn vào mắt con, mỉm cười, tiến lại gần hơn khi nói.
- Giọng nói phải chân thành, tình cảm.
- Câu khen ngợi phải rõ ràng, cụ thể.
- Khi khen nên vỗ nhẹ vào lưng con và nói trước mặt một người thân khác trong gia đình.