Bác sĩ thường khuyên chúng ta là nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và chẩn đoán từ các bệnh lý phổ biến đến các bệnh lý nguy hiểm như: tăng huyết áp, cholesterol, đái tháo đường, tim mạch, viêm gan… Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng khám định kỳ không hiệu quả mà chỉ là một sự lãng phí về thời gian, tiền bạc. Vậy làm thế nào để việc khám sức khỏe định kỳ thật sự hiệu quả?
Một số lưu ý khi đi khám sức khỏe tổng quát
Trước khi đi khám sức khỏe tổng quát, chúng ta cần chuẩn bị những thắc mắc, vấn đề mình quan tâm để nhờ bác sĩ giải đáp. Bác sĩ sẽ căn cứ trên những yêu cầu của bạn để đưa ra các danh mục xét nghiệm cần thiết, đủ để chúng ta có cái nhìn tổng quan về sức khỏe của mình.
Nếu cảm thấy không hiểu rõ về ý nghĩa của một số xét nghiệm nào đó, chúng ta nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn thêm. Bác sĩ sẽ kết hợp kết quả xét nghiệm y khoa, kết quả khám lâm sàng và những thông tin về những dấu hiệu sức khỏe do chúng ta kể ra để đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.
Để có kết quả chẩn đoán chính xác, chúng ta nên lưu ý những điều sau:
Cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình: Những thông tin này vô cùng quan trọng sẽ giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố nguy cơ không chỉ liên quan đến các bệnh lý mãn tính (như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường,…) mà còn ảnh hưởng đến việc tầm soát bệnh ung thư. Chẳng hạn như thông thường, người từ 50 tuổi trở lên thì nên được tầm soát ung thư đại trực tràng dù không có triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa.
Còn nếu trong gia đình có người thân bị ung thư đại tràng thì chúng ta cần thực hiện tầm soát ung thư sớm hơn 10 năm so với thời điểm người thân bị ung thư. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể xác định các yếu tố nguy cơ qua tìm hiểu về công việc, thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, môi trường làm việc, thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu… Vì vậy, chúng ta cần cung cấp đầy đủ thông tin để giúp bác sĩ dễ phát hiện những bất thường mà chúng ta không tự nhận thấy.
Mạnh dạn trao đổi về vấn đề tầm soát bệnh hoặc chủng ngừa theo tuổi tác, sức khỏe, tiền sử gia đình hoặc lối sống, đặc biệt là thời điểm cần tầm soát các loại ung thư như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, thời điểm chích ngừa tiếp theo, các loại chủng ngừa cần thiết… Vì qua đó bác sĩ sẽ hiểu rõ hơn vấn đề của bạn và tham vấn thấu đáo hơn.
Viết ra giấy những vấn đề bạn quan tâm: Trước khi đi khám sức khỏe định kỳ, chúng ta nên dành thời gian nhớ lại tất cả những vấn đề sức khỏe bạn đang gặp và ghi chú lại từng sự thay đổi này. Chẳng hạn như: thay đổi cân nặng kèm sưng hoặc tổn thương da bất thường, thời điểm hay bị chóng mặt, mệt mỏi, các vấn đề về việc tiêu tiểu hay rối loạn kinh nguyệt, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ…
Bạn cũng không quên liệt kê các loại thuốc mình đang sử dụng để bác sĩ định hướng tốt hơn trong quá trình khám, tư vấn làm xét nghiệm và đưa ra kế hoạch điều trị, theo dõi tốt nhất. Lưu ý là chúng ta nên viết tất cả những điều này ra giấy vì khi đến bệnh viện hoặc vào phòng khám, chúng ta sẽ rất khó để nhớ tất cả những điều bạn muốn biết.
Nghĩ đến tương lai: Bạn có từng nghĩ đến những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tương lai của mình như việc điều trị vô sinh, giảm cân, bỏ thuốc lá hay dự định chọn một công việc nguy hiểm nào đó? Hãy trao đổi tất cả vấn đề này với bác sĩ để bạn có thể có được những quyết định tốt hơn cho sức khỏe.
Hiểu đúng về khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ có thể sẽ không giúp phát hiện tất cả các bệnh lý và đặc biệt là ung thư nhưng bác sĩ sẽ giúp chúng ta cách theo dõi, bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Điều quan trọng là chúng ta cần biết lựa chọn loại hình khám sức khỏe định kỳ như thế nào cho phù hợp.
Nếu chúng ta chỉ có nhu cầu tầm soát các bệnh lý thông thường và chẩn đoán sớm các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì bạn và người thân không có các yếu tố liên quan đến bệnh lý nguy hiểm (ung thư, tim mạch…) thì chỉ cần chọn cách khám sức khỏe tổng quát thông thường. Một số xét nghiệm máu (CEA, AFP, CA125, DR70…) để tầm soát ung thư là không cần thiết, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Hơn nữa, chẩn đoán ung thư không chỉ dựa vào một chỉ số xét nghiệm máu.
Bạn nên thực hiện gói khám tổng quát định kỳ hằng năm, để có góc nhìn toàn diện về sức khỏe và có bước chuẩn bị kịp thời cho các kế hoạch tương lai: đám cưới, sinh con, du lịch mạo hiểm, thay đổi môi trường làm việc…
Trong trường hợp chúng ta có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), các loại ung thư phổ biến (ung thư vú, tiền liệt tuyến, cổ tử cung, đại tràng…), hoặc các yếu tố nguy hiểm khác (loãng xương, đột quỵ…) thì nên thực hiện khám sức khỏe chuyên sâu.
Ngoài ra, một số bệnh viện còn có gói khám tim mạch dành cho những người nghi ngờ hoặc lo ngại về bất kỳ biểu hiện gì có liên quan đến huyết áp, nhịp tim, tại vùng ngực… Vì đó có thể là các dấu hiệu của bệnh lý: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành), rối loạn nhịp tim.
Không ít bệnh nhân khi đến khám tổng quát chỉ yêu cầu bác sĩ cho tầm soát ung thư. Tuy nhiên, khi không có triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ, chưa có khuyến cáo nào cho thấy việc làm tất cả các xét nghiệm chỉ điểm khối u và thực hiện chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp toàn thân… có thể giúp phát hiện và điều trị sớm ung thư một cách hiệu quả.
Mặt khác, mỗi xét nghiệm hay phương pháp cận lâm sàng đều có thể cho kết quả dương tính giả (cho kết quả bất thường, nhưng thực tế không có bệnh). Vì vậy, bác sĩ cũng không nên đưa ra các kết quả của các xét nghiệm chưa thật sự cần thiết này để làm bệnh nhân thêm hoang mang.
Do đó, việc ghi nhận đầy đủ thông tin bệnh sử của bản thân và người thân nhằm xác định yếu tố nguy cơ về bệnh lý nguy hiểm là vô cùng cần thiết. Không chỉ đơn thuần chẩn đoán các yếu tố nguy cơ gây ung thư, bác sĩ cũng chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm khác. Và tất cả không chỉ dựa vào tiền sử bệnh lý mà còn thông qua các yếu tố về công việc, thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt của chúng ta trong khi thăm hỏi bệnh.
Việc thăm khám cẩn thận của người thầy thuốc sẽ giúp phát hiện những bất thường mà bệnh nhân không ghi nhận được. Nếu không ghi nhận được những bất thường, bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả xét nghiệm trong gói khám tổng quát để có sự chẩn đoán chính xác. Nếu ghi nhận được những bất thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán hoặc điều trị, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu… hoặc siêu âm, X-quang, chụp xạ hình…
Sự tăng cao bất thường của số lượng bạch cầu trong máu, máu xuất hiện trong mẫu thử nước tiểu, khối u nhỏ trong gan, túi mật hay bàng quang… không hẳn đều liên quan đến ung thư nhưng bệnh nhân sẽ được hướng dẫn làm thêm cận lâm sàng hoặc có kế hoạch theo dõi để xác định chẩn đoán. Đó cũng chính là một trong những ý nghĩa của việc khám tổng quát: phát hiện và điều trị sớm những bất thường trong đó một số có thể liên quan đến ung thư.