Theo một báo cáo gần đây của Deloitte, người tiêu dùng thế hệ Y (hay còn gọi là “millenials”, tức thế hệ sinh ra trong giai đoạn thập niên 1980 và 1990) hiện chiếm hơn 50% lực lượng lao động toàn cầu. Tại châu Á, tỷ lệ này tuy có sự cách biệt khác nhau giữa nhiều nước và lãnh thổ, nhưng đặc điểm chung của nhóm khách hàng này là tiềm năng tiêu dùng của họ rất lớn.
Chẳng hạn, số người tiêu dùng thế hệ Y ở Hongkong chiếm hơn một phần tư dân số 1,9 triệu người của lãnh thổ này nhưng mỗi người lại có một tài sản có thể đầu tư trị giá trung bình khoảng 100.000 USD, theo số liệu của LinkedIn và IPSOS được công bố trong báo cáo gần đây mang tên Nghiên cứu Người tiêu dùng thế hệ Y thành đạt (Affluent Millenials Research).
Theo Nellie Chan, Giám đốc giải pháp tiếp thị, phụ trách khu vực Đông Nam Á và Bắc Á của LinkedIn, để gắn kết một cách hiệu quả với nhóm khách hàng tiềm năng nói trên, các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược tiếp cận họ. Theo đó, những doanh nghiệp thành công trong những năm tới sẽ là những công ty hiểu rõ suy nghĩ của những khách hàng thuộc thời đại kỹ thuật số này.
- Xem thêm: Tiếp thị khách hàng thế hệ Y
Một trong những đặc điểm lớn nhất của khách hàng thế hệ Y tại châu Á là họ thường chủ động tìm kiếm thông tin để ra các quyết định tài chính quan trọng.
Ở Hongkong, 65% khách hàng thế hệ Y giàu có là những người rất độc lập. Họ sẵn sàng tự nghiên cứu, tự đưa ra các quyết định và tự thực hiện các quyết định ấy. Số người cần xác minh lại thông tin, được hiểu là những người cần phải tìm lời khuyên hay tư vấn từ một chuyên gia tư vấn tài chính trước khi ra quyết định, chỉ chiếm 29%. Bên cạnh đó, 53% số khách hàng thế hệ Y giàu có thường chủ động tìm nội dung từ các mạng xã hội của các công ty tài chính.
Thực tế cho thấy, truyền thông xã hội đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các quyết định tài chính của khách hàng thế hệ Y tại châu Á. Theo nghiên cứu của LinkedIn, hơn 80% khách hàng thế hệ Y sử dụng ít nhất một mạng xã hội nào đó để tìm các thông tin, hướng dẫn về thuế cá nhân, đầu tư tài chính cũng như quan điểm, nhận định của những bạn bè cùng thế hệ về các thị trường tài chính. Nellie Chan đưa ra những lời khuyên sau đây giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng thế hệ Y thông qua truyền thông xã hội.
Theo phân tích của LinkedIn, khách hàng thế hệ Y là những người rất nhạy bén với kỹ thuật số và chú trọng xây dựng các mối quan hệ xã hội. Theo đó, khoảng một phần tư khách hàng thế hệ Y giàu có thường giao dịch với một công ty mà họ có thể tương tác qua các mạng truyền thông xã hội. Vì vậy, các công ty muốn khai thác phân khúc khách hàng này cần phải xây dựng một chiến lược tiếp thị bằng nội dung bài bản và tăng cường sự có mặt trên truyền thông xã hội.
Người tiêu dùng thế hệ Y cũng rất cởi mở với các ý tưởng mới và các phương thức kinh doanh mới. Đây cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mới thành lập. Chẳng hạn, 54% khách hàng thế Y giàu có sẵn sàng sử dụng dịch vụ của các công ty hay nhãn hiệu vốn không có thế mạnh về dịch vụ tài chính, như Google.
Tại Hongkong, nhiều công ty cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống hiện vẫn đang thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, Chan cho rằng, trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều công ty mới với các phương thức hoạt động mới, các công ty truyền thống cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng và tăng cường xuất hiện trên các mạng truyền thông xã hội để gắn kết với khách hàng thế hệ Y.
Khách hàng thế hệ Y cũng thường chủ động dự báo trước các thay đổi, những xu hướng sẽ có thể trở nên lạc hậu trong tương lai để có sự chuẩn bị. Chan khuyên doanh nghiệp nên kết nối với nhóm khách hàng này bằng những nội dung mang tính tư vấn, hướng dẫn như cách quản trị danh mục đầu tư tài chính, để thu hút sự quan tâm của họ. Theo nghiên cứu của LinkedIn, 75% khách hàng thế hệ Y quan tâm đến các nội dung này.
Nên nhớ rằng, khách hàng thế hệ Y cũng thích chia sẻ những thông tin có giá trị với bạn bè và những người có cùng quan tâm. Do đó, nếu được họ tín nhiệm, doanh nghiệp cũng sẽ có rất nhiều cơ hội để kết nối với những khách hàng thuộc thế hệ Y khác thông qua các mạng truyền thông xã hội.
Bên cạnh việc cung cấp các nội dung mà khách hàng thế hệ Y quan tâm qua các mạng truyền thông xã hội, Chan khuyên doanh nghiệp cũng cần phải chọn kênh giao tiếp phù hợp với họ. Chẳng hạn, ở Hongkong hơn 50% khách hàng thế hệ Y thường truy cập vào mạng LinkedIn từ điện thoại di động.