Đúng như dự báo, tuần qua, một trong những mặt hàng “nóng” của mùa IPO (bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) cuối năm nay là cổ phiếu ACV (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, vốn điều lệ 22.430 tỉ đồng) đã được giới đầu tư săn đón. Ngày 10-12, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, hơn 77,8 triệu cổ phần ACV (chiếm 3,47% vốn điều lệ) đem ra đấu giá được bán hết, với giá đấu bình quân là 14.344 đồng/đơn vị, cao hơn mức giá khởi điểm 2.544 đồng. Như vậy, tổng giá trị cổ phần bán được lên đến hơn 1.116 tỉ đồng. Trong số 306 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, chỉ có chưa đến một nửa (152 nhà đầu tư) mua được cổ phiếu của ACV, trong đó có 133 nhà đầu tư cá nhân và 19 tổ chức. Nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra đặc biệt ưu ái cổ phiếu mới này, khi mua đến 63,7 triệu cổ phần, tương đương 82% lượng cổ phần được đấu giá.
Trước đó, trong tháng 11, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, những phiên đấu giá của Công ty TNHH MTV In Trần Phú (đấu giá gần 11 triệu cổ phần, bán được gần 112 tỉ đồng) hay của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (gần 5,6 triệu cổ phần được đấu giá hết với giá bình quân lên đến 15.100 đồng/cổ phần, giá trị gần 84,5 tỉ đồng) cũng thành công tốt đẹp.
Rõ ràng là các nhà đầu tư đã nhìn ra tiềm năng của những đơn vị kể trên, đặc biệt là ACV – doanh nghiệp đang quản lý 22 sân bay trên cả nước, bao gồm bảy sân bay quốc tế và 15 sân bay quốc nội. Không phải ngẫu nhiên khi đây là đợt IPO hiếm hoi mà nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra hào hứng tham gia trong năm nay. Cũng sẽ còn những trường hợp như vậy trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư phải cạnh tranh quyết liệt để sở hữu được cổ phần của nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện cổ phần hóa và bán vốn nhà nước. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không chiếm đa số. Hay nói cách khác, không phải doanh nghiệp cứ IPO là sẽ thu hút được nhà đầu tư. Theo cập nhật của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết ngày 20-11, đã có 104 doanh nghiệp cổ phần hóa IPO qua sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán, với số cổ phần bán được là hơn 339 triệu cổ phần (trị giá 4.864,8 tỉ đồng), chỉ chiếm 39% tổng lượng cổ phần chào bán. Tỷ lệ cổ phần IPO bán được thấp có thể do số lượng cổ phần đưa ra chào bán quá lớn, khiến cho dòng tiền đầu tư không có khả năng hấp thụ. Cũng có thể do tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ sau khi cổ phần hóa còn quá cao, khâu xác định giá trị doanh nghiệp còn bất cập… nên nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước không mặn mà tham gia các đợt IPO.
Ngay trong tháng cuối cùng của năm 2015, có gần 20 doanh nghiệp lớn nhỏ tổ chức IPO thông qua hai sở giao dịch chứng khoán, với tổng giá trị dự kiến lên đến hơn 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần bán được dự báo cũng không cao, đặc biệt khi thanh khoản của thị trường chứng khoán đang ở mức thấp như hiện nay. Mới tuần trước, ngày 10-12, một đơn vị chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là Hà Nội Railways – quản lý hầu hết các ga đường sắt lớn trên cả nước cũng như trực tiếp khai thác các tuyến vận tải đường sắt quan trọng – cũng không thành công khi IPO, chỉ có 247 ngàn cổ phần được đặt mua trên tổng lượng chào bán hơn 11,3 triệu cổ phần.
Vậy nên, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp chuẩn bị IPO là định giá cổ phần và chọn thời điểm IPO phải hợp lý thì mới thu hút được nhà đầu tư. Kêu gọi nguồn vốn mới không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay và nếu không thành công khi IPO thì hoạt động này gây lãng phí và làm giảm uy tín của doanh nghiệp.
Ngọc Khang (DNSGCT)