Trong thập niên vừa qua, Indonesia đã giành quyền sở hữu tất cả các nguồn tài nguyên của đất nước từng thuộc về các công ty khai thác khoáng sản và dầu khí nước ngoài, nhằm thể hiện chủ quyền đất nước và niềm tự hào dân tộc.
Cách đây 82 năm, nhà địa chất học người Hà Lan Jean Jacques Dozy đã tình cờ tìm thấy mỏ Ertsberg trong khi leo lên đỉnh Puncak Jaya (còn gọi là Carstensz Pyramid, cao 4.884m – đỉnh núi cao nhất của Indonesia ở tỉnh Papua). Nhưng mãi đến năm 1960, nhà địa chất khai thác mỏ người Mỹ Forbes Wilson mới tìm thấy báo cáo của Dozy trong một kho lưu trữ bụi bặm tại Hà Lan và thuyết phục các nhà đầu tư mở một cuộc thám hiểm vào bên trong khu rừng rậm của Papua để xác nhận rằng đỉnh núi đó thực chất là một mỏ đồng khổng lồ.
Bảy năm sau, nhờ sự hậu thuẫn của nhà độc tài Suharto, Công ty Freeport Indonesia, Inc. đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên lớn nhất tại Indonesia. Sau khi khai thác cạn mỏ Ertsberg và đang có ý định rút lui thì phát hiện mỏ Grasberg gần đó vào năm 1988. Được xem là mỏ vàng lớn nhất thế giới, mỗi năm mỏ Grasberg đưa ra thị trường khoảng 2 triệu ounce vàng. Hiện mỏ vàng này có khoảng gần 2.000 công nhân khai thác liên tục ngày đêm.
Khi chính quyền Suharto sụp đổ vào năm 1998, người dân Indonesia đã kêu gọi chính phủ mới mạnh tay hơn với Freeport và nhiều cuộc biểu tình bạo động của người dân Papua chống lại hoạt động của công ty có chủ người Mỹ này; họ cho rằng nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước đang bị khai thác quá mức bởi một công ty nước ngoài. Sau hai năm đàm phán liên tục, chính phủ Indonesia và công ty khoáng sản khổng lồ Freeport-McMoRan Copper & Gold (FCX) cuối cùng đã ký kết một thỏa thuận, theo đó quốc hữu hóa khối tài sản được đánh giá là lớn nhất ở Indonesia.
PT Freeport Indonesia (PTFI) – công ty con của FCX, được cấp giấy phép khai thác đặc biệt nhằm thay thế hợp đồng khai thác hiện tại, và đó là bước cuối cùng để PT Indonesia Asahan Aluminium (Inalum) sở hữu 51,2% quyền kiểm soát đối với Grasberg, một trong những mỏ vàng và đồng lớn nhất thế giới.
- Xem thêm: 10 quốc gia sản xuất vàng nhiều nhất
Bên cạnh tài sản to lớn là nguyên liệu đồng, Freeport-McMoRan còn sở hữu 1,09 triệu ounce vàng khai thác từ mỏ Grasberg. Vì vậy giành lại quyền kiểm soát mỏ vàng khổng lồ này được coi là chiến thắng của tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. Theo các điều khoản của thỏa thuận đã ký kết, Freeport-McMoRan cam kết chi 20 tỉ USD để tiếp tục phát triển công cuộc khai thác tại Indonesia, bao gồm việc hoàn thành một cơ sở tinh chế đồng và vàng mới cho mỏ Grasberg trong vòng năm năm, và nhà máy này sẽ được phép vận hành cho đến năm 2041.