Khi phổ biến nhận định thường niên về Ý trong chuyến viếng thăm Rome và Milan trong tháng 5 vừa qua, người đại diện IMF kết luận là “cải cách cơ cấu tại Ý đi đúng hướng, nhưng còn cần phải làm nhiều hơn nữa”. IMF nêu bật thành tích của Ý là giảm thâm hụt ngân sách vốn dĩ có thể đưa đến mức thặng dư cao nhất Eurozone trong năm 2013 là 4,2% (trước khi trả lãi nợ vay).
Tình huống lộn xộn về chính sách trong Eurozone kết hợp với tình trạng tăng trưởng chậm kéo dài có thể làm tăng cường độ của khủng hoảng, đẩy nước Ý vào tình thế xấu với lợi suất trái phiếu cao, hoạt động kinh tế giảm và tăng thêm nợ công. Ý chiếm đến 17% sản lượng trong Eurozone và cũng là thị trường lớn thứ ba về trái phiếu nên một sự gia tăng đáng kể về lợi suất trái phiếu, kết hợp với nghi ngờ về viễn cảnh tài khóa có thể sẽ ảnh hưởng đến khu vực cũng như toàn cầu.
Về mặt chính trị, vẫn chưa biết được Ý sẽ đi theo con đường nào sau khi Thủ tướng Monti chấm dứt nhiệm kỳ vào đầu năm tới. IMF cũng nhìn nhận rằng sự ủng hộ của công chúng và của Quốc hội đối với Chính phủ đã yếu đi. Thủ tướng Monti từng khẳng định tạiBrusselsrằng ông không có ý định tham gia Chính phủ trong cuộc bầu cử vào đầu năm tới (cho dù có nhiều lời đề nghị ông tiếp tục làm thủ tướng), nhưng vẫn sẽ là một thượng nghị sĩ tại Quốc hội.
IMF ghi nhận là từ tháng 5 vừa qua, Chính phủ Ý đã thông qua ba biện pháp mới nhằm khuyến khích tăng trưởng, cải cách lao động và cắt giảm chi tiêu 26 tỉ euro trong ba năm tới. Quá trình này cần phải tiếp tục đẩy mạnh để có thể thu được thành công, dù không thể tính bằng tuần hay tháng.
Ông Monti đã được sự hậu thuẫn của công chúng kể từ khi nhậm chức từ tháng 11 năm ngoái, nhưng nếu sự hậu thuẫn ấy yếu đi thì mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn. Ý cần phải cắt giảm thêm chi tiêu công để tiết kiệm tiền, đồng thời giảm chi phí lao động trong khu vực tư. IMF cho rằng đảm bảo sự ổn định và phục hồi tăng trưởng tại Ý sẽ tạo được động lực cho cải cách và góp phần củng cố liên minh tiền tệ tại châu Âu.
IMF tái xác nhận dự báo là tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Ý sẽ giảm 1,9% trong năm nay và 0,3% trong năm 2013, tức là có phần bi quan hơn dự báo của Chính phủ Ý. Nợ chính phủ sẽ lên mức cao nhất là 126,4% GDP trong năm 2013 trước khi giảm xuống 119% vào năm 2017 nhưng vẫn có thể thay đổi nếu có những cú sốc không thuận lợi. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm sở hữu trái phiếu chính phủ Ý từ 52% vào năm 2010 xuống còn khoảng 36% vào tháng 3 năm nay.
Thiên Bảo theo Financial Times, 10-7-2012