Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tương đương 145% GDP và nhiều doanh nghiệp nhà nước đang đi vay tiền ngân hàng chỉ để trả lãi.
Vào trung tuần tháng 6, phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững ở Trung Quốc và thế giới” do Hội Các nhà kinh tế Trung Quốc tổ chức ở Thâm Quyến, phó tổng giám đốc thứ nhất của IMF David Lipton ghi nhận nợ doanh nghiệp đang chiếm tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế Trung Quốc.
Nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế chậm lại và lợi nhuận giảm. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp giảm dần, tổng số nợ xấu ngân hàng tăng vọt.
Tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi các doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 55% tổng số nợ nhưng lại chỉ chiếm 22% trong hoạt động kinh tế.
Ông David Lipton báo động nợ doanh nghiệp chính là yếu điểm của kinh tế Trung Quốc và giải thích: “Nợ có hệ thống có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế kém hơn hoặc dẫn đến khủng hoảng ngân hàng hay cả hai”. Ông khuyến cáo chính phủ Trung Quốc cần hành động nhanh chóng để giảm nợ doanh nghiệp đang gia tăng.
IMF nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2017, trong khi đó nước này đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,5% trong năm năm tới. Ngoài cải cách tài chính, ông Lipton nhận định Trung Quốc cần ngăn chặn các rủi ro đang gia tăng trong hệ thống tài chính ngày càng phức tạp, bằng cách tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các thị trường, đồng thời tăng năng lực tài chính của cả các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính khác.
Về chính sách ngoại hối của Trung Quốc, vốn là mối lo lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sau khi đồng nhân dân tệ bất ngờ giảm giá mạnh vào năm ngoái, ông Lipton nói tỷ giá đang trở nên linh hoạt và do thị trường điều tiết hơn.
IMF khuyến cáo Trung Quốc đặt ra mục tiêu thả nổi tỷ giá trong vài năm tới. Ông Lipton nhấn mạnh Trung Quốc đã cải thiện về số liệu và việc thông báo chính sách đến các thị trường cũng như người dân, nhưng ông cho rằng sự cải thiện hơn nữa sẽ giúp ích cho nước này trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.
Đ.N (DNSGCT)