Trong xã hội hiện đại, để kiếm được nhiều tiền không đơn giản. Làm sao để giữ được tiền và khiến nó sinh sôi nảy nở, đến khi tiền bạc tự động làm việc cho chính bạn, nhằm có được một nền tảng tự do tài chính, càng là một việc không dễ dàng. Lộ trình này thường tiêu tốn của chúng ta khoảng hai mươi, ba mươi năm, với điều kiện không có bất cứ biến cố nào ngoài phạm vi kiểm soát xảy ra với bản thân hoặc gia đình. Có cách nào để chúng ta sớm có được sự tự do tài chính cho mình hay không? Có cách nào để chặng đường đó chỉ còn năm, mười năm hay không?
Elon Musk, người sáng lập và là CEO của Tesla Motors, với khối tài sản hiện nay ước tính là 12,7 tỉ USD, đã chia sẻ cách thức đầu tư theo đường tắt của mình, bắt đầu từ “Thử thách 1 USD” khi ông vừa tròn 17 tuổi cho đến khi Elon trở thành triệu phú ở tuổi 28.
Từ thử thách 1 USD…
Đến Mỹ năm 17 tuổi, Elon Musk thực hiện thử thách đầu tiên của mình bằng việc sống với chỉ 1 USD/ngày, nghĩa là
30 USD/tháng.
“Lần đầu tiên đặt chân tới Mỹ, tôi chỉ là một thằng nhóc Canada 17 tuổi.
Tôi đặt ra mức sống với chỉ 1 USD/ngày, ngay lúc đó tôi nghĩ, tôi sẽ kiếm một căn hộ tồi tàn một chút cũng được, miễn là có máy tính thì đó vẫn là một nơi quá tốt.
Nếu việc chi tiêu đúng như kế hoạch, thì việc kiếm 30 USD/tháng với tôi tại thời điểm đó là khá dễ dàng, thế thì tôi có thể tự nuôi sống bản thân mình, thử thách đầu tiên của tôi” – ông chia sẻ trên chương trình Tyson’s StarTalk.
Với thực đơn chủ yếu là hotdog (một món ăn của Mỹ, đơn giản chỉ là bánh mì kẹp xúc xích) và nước cam, Elon đã xuất sắc vượt qua thử thách đầu tiên trước khi trở thành triệu phú vào năm 1999 (lúc này Elon 28 tuổi), thời điểm ông bán lại công ty startup của mình – Zip2 – cho Alta Vista với giá 341 triệu USD.
Tính theo tỷ lệ lạm phát ở thời điểm Elon thực hiện thử thách cho tới bây giờ, Elon và nhà báo Kathleen Elkins (cây bút của tờBusiness Insider) đều xác định “thử thách 1 USD” ở thời điểm năm 2016 này sẽ có “hạn mức” mới là 2 USD/ngày. Chưa tính tương quan sức mua giữa hai đồng tiền, dựa vào tỷ giá hối đoái giữa USD và VND, thì mỗi ngày Elon chỉ tiêu xài khoảng 45 ngàn đồng, tức là một tháng chỉ 1,35 triệu đồng, một con số khiến cho thử thách này có vẻ không hề dễ dàng chút nào.
…đến con đường tắt của tỉ phú
Để đi trên con đường tắt của Elon Musk, có một nền tảng tài chính vững mạnh chỉ trong vòng mười năm, bạn cần đến ba điều sau:
- Không ngại đón nhận thách thức đến từ những rủi ro
“Rủi ro lớn, lợi nhuận nhiều”. Nguyên lý đầu tư “thách thức rủi ro” này đã ăn sâu vào phong cách đầu tư của Elon từ khi ông hoàn thành “thử thách 1 USD” cho đến lúc ông bắt đầu startup đầu tiên của mình, Công ty Zip2.
Không ngừng thách thức bản thân, không ngừng hoàn thiện mình, mục tiêu tài chính của bạn sẽ hoàn thành càng sớm khi bạn càng biết cách hoàn thiện mình từ những thử thách bạn phải đối mặt.
Sau khi thành công từ startup với Zip2, Elon Musk tiếp tục các dự án startup khác, công ty X.com, rồi đến Tesla Motors, SpaceX. Chúng ta cũng cần phải biết rằng, startup là kênh đầu tư siêu mạo hiểm, tại nước ta, tỷ lệ thất bại của một dự án startup thường trên 90%, còn theo Dave McClure, người sáng lập Quỹ đầu tư 500 startups, thì tỷ lệ mất trắng khi đầu tư cho một dự án startup của Mỹ lên đến 80%.
- Thực hiện lộ trình đầu tư từng bước một
Hãy nhớ rằng, dù là một con đường tắt, thì bạn cũng vẫn phải có lộ trình từng bước cho kế hoạch của mình. Giống như Elon, hãy bắt đầu từ việc không bị chết đói, trước khi nghĩ đến việc trở thành tỉ phú. Hãy để rủi ro đến từ những cơ hội bên ngoài, chứ không nên để chúng đến từ bản kế hoạch tài chính của bạn!
- Trở thành kẻ tiên phong
Tại sao thế giới chỉ có một Bill Gates, một Warren Buffett, và một Elon Musk? Có phải là bởi những người thứ hai đã bị những người số một tiêu diệt rồi không?
Hãy tìm kiếm cơ hội đầu tư, cơ hội làm giàu, xây dựng con đường tắt từ những ý tưởng tiên phong.
Elon đầu tư vào X.com, công ty đi tiên phong trong việc chuyển tiền qua internet, khi lúc đó, việc chuyển tiền hoặc thanh toán được thực hiện hoàn toàn qua thư tín và một cuộc giao dịch có khi kéo dài đến hàng tuần. Elon sau đó mua lại Confinity – đối thủ chính của X.com – và ông đổi tên công ty thành Paypal. Paypal tiếp tục trở thành hệ thống thanh toán online đầu tiên trên toàn thế giới cho đến năm 2002, thời điểm eBay mua lại Paypal với giá 1,5 tỉ USD.
Hiện nay, Elon Musk đang đầu tư vào Tesla Motors, là công ty sản xuất xe dẫn đầu thị phần xe hơi chạy bằng điện. Vào trung tuần tháng 4-2016 vừa qua, Tesla Motors đã giới thiệu dòng Tesla Model 3 – mẫu xe hơi chạy bằng điện – đã thu hút hơn 253.000 người đăng ký và đặt cọc mua mẫu xe này, dù phải tới năm sau họ mới nhận được xe.
Tuấn Thành (DNSGCT)