Các chuyên gia kinh tế đang hạ dự báo giá trị đồng euro dựa trên kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thực hiện tốt lời cam kết đưa ra nhiều hỗ trợ hơn cho khu vực sử dụng đồng euro và hầu hết sự kích cầu ấy được tiến hành thông qua chính sách tiền tệ. Trong khi chủ tịch ECB Mario Draghi đợi đến tháng 1-2015 mới cân nhắc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ (mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện thành công, giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính) thì việc đồng euro giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác sẽ giúp thu hút du lịch và thúc đẩy xuất khẩu được xem là nước đi đầu tiên. Đầu tuần qua, so với USD, euro chỉ giao dịch tại mức thấp 1,25 USD so với con số 1,40 USD hồi tháng 5-2014 và dự báo sẽ rơi xuống mức 1,1 USD trong năm 2015 hoặc 2016. Theo Deutsche Bank, một khi đồng euro giảm 10% so với các đồng tiền khác thì GDP tại 18 quốc gia eurozone sẽ tăng thêm 0,8%.
Tuy ECB không dự tính sẽ để nền kinh tế khu vực bị lệ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của nước ngoài nhưng trong bối cảnh tiêu dùng trong khu vực quá yếu kém và chiến lược hạ lãi suất căn bản để kích thích tiêu dùng và vay nợ đầu tư đạt kết quả không cao, thì tận dụng thế mạnh từ hoạt động kinh tế và tiêu dùng của người nước ngoài thông qua việc giảm giá đồng euro trở thành chính sách trọng tâm trong hai năm tới của ECB. Tuy nhiên, để chiến lược euro giá thấp thực sự thành công, ECB phải cần đến yếu tố ngoại lực là FED. Nhờ FED kết thúc chương trình thu mua công trái phiếu và cân nhắc khả năng tăng lãi suất tiền gửi USD trong năm 2015, nên có khả năng giới đầu tư sẽ bỏ công trái phiếu châu Âu để đầu tư vào các tài sản mệnh giá USD, điều này thúc đẩy nhu cầu đối với USD và góp phần giảm giá đồng euro so với USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew vẫn đang khuyến nghị các quốc gia khác không nên tận dụng chính sách đồng tiền giá thấp so với USD để gia tăng lợi thế thương mại. Tuy nhiên, giới phân tích từ Moody’s cho rằng chính sách kinh tế đối ngoại hàng đầu của Washington đang giúp châu Âu trở lại con đường tăng trưởng, do châu Âu là đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ và khu vực này không thể hồi phục nếu euro tiếp tục cao giá hơn 1,25 USD. Tốt nhất là đồng euro xuống thấp hơn 1,15 USD vào năm 2015 và ổn định tại mức 1,10 USD vào cuối năm 2016. Ngoài ra, phân tích từ Moody’s cũng cho thấy đồng euro giá thấp không hề gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu của Mỹ vào châu Âu bởi hầu hết các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ luôn hoạt động theo chiêu thức sản xuất tại nơi bán hàng, loại bỏ đi tác động ngoại hối. Vậy nên, với việc giúp đỡ đối tác chiến lược tăng trưởng trong khi chính mình không gặp trở ngại, nước Mỹ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách euro giá thấp trong hai năm tới.
B. Trịnh theo AP (DNSGCT)