Đặt câu hỏi là một trong những phương pháp hiệu quả nhất nhưng nhiều nhà quản trị nhân sự lại ít khi sử dụng. Câu hỏi luôn thúc đẩy nhân viên phải suy nghĩ nhiều hơn, đồng thời bộc lộ cách thức họ tư duy và quan điểm của họ. Đặt câu hỏi cũng là bắt đầu cho một cuộc đối thoại. Câu hỏi gắn kết các bên vào trong một quá trình tìm kiếm giải pháp và cùng nhất trí với kết quả đạt được.
Tất cả đều bắt đầu từ những câu hỏi. Sau đây là những câu hỏi mà nhà quản lý cần đặt ra với những nhân viên có năng suất làm việc chưa đáp ứng được kỳ vọng, và câu trả lời của họ cũng chính là một phần của giải pháp giúp họ nâng cao năng suất làm việc.
Anh (chị) có biết vì sao công việc của mình đang làm là thật sự quan trọng?
Câu hỏi “vì sao” luôn bắt người ta phải động não và đặc biệt có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên. Hãy vẽ ra một bức tranh bằng cách giải thích những vòng tròn hệ quả để nhân viên nhìn thấy được sự kết nối giữa năng suất lao động của họ với nhiệm vụ họ đang làm, tác động của họ đến nhóm làm việc, tổ chức, khách hàng và tất nhiên là tác động tới chính họ, bao gồm lương thưởng cuối năm, cơ hội tham gia vào nhóm dự án mới, thể hiện khả năng lãnh đạo với cấp trên, khả năng thăng tiến, cơ hội được huấn luyện nâng cao kỹ năng nghề và các phần thưởng đặc biệt khác.
- Xem thêm: Đặt câu hỏi cho nhân viên
Anh (chị) có hiểu rõ những gì cần thiết phải làm và khi nào phải làm?
Câu hỏi này giúp phân tích và nhận định độ tương quan giữa sự kỳ vọng của nhà quản lý và nhân viên. Lỗ hổng trong việc nhận thức sẽ dẫn đến lỗ hổng trong cách thực hiện. Phần lớn sai sót trong kết quả làm việc có thể được ngăn chặn thông qua việc giải thích tường tận, cặn kẽ trước khi vào việc.
Nếu nhà quản lý không dành thời gian giúp nhân viên hiểu rõ 100% nhiệm vụ mình cần làm ngay từ đầu, thì sẽ phải dành ra chừng đó thời gian để giải thích vào phút cuối khi mọi việc đã vỡ lở, chưa tính đến thời gian điều chỉnh sai lầm. Đảm bảo việc nhất trí giữa hai bên phải thông qua tất cả các góc cạnh của vấn đề, từ việc gì, ai, khi nào, ở đâu…
Anh (chị) có cảm thấy được hỗ trợ đầy đủ để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao hay không?
Câu trả lời sẽ xác định những lỗ hổng trong kỹ năng, kiến thức và cả phương tiện hỗ trợ, từ đấy sẽ giúp doanh nghiệp phát triển những kế hoạch đào tạo, huấn luyện và cả cải tiến công cụ làm việc cho nhân viên và toàn bộ tổ chức.
Nhiệm vụ của nhà quản lý chính là giúp nhân viên luôn được trang bị đầy đủ cho những thành công trong tương lai. Sự đầu tư của doanh nghiệp vào các nhân viên chính là đầu vào và khả năng làm việc xuất sắc của họ chính là đầu ra.
Tuyển dụng người giỏi là cần thiết nhưng chưa đủ. Một nhà quản lý xuất sắc sẽ luôn tìm cách gắn kết toàn bộ tâm huyết và tài năng của nhân viên để tất cả luôn nỗ lực hết mình.
Đâu là những rào cản ngăn anh (chị) hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?
Câu hỏi này đề cập đến môi trường làm việc của nhân viên và nhà quản lý chính là trung tâm của môi trường ấy. Không ít nhà quản lý vô tình tạo ra rào cản cho nhân viên khi sắp xếp cho họ một vị trí không có sự tương thích giữa quyền hạn, chức năng, cấp bậc và trách nhiệm. Hãy luôn cung cấp cho nhân viên những quyền hạn mà họ cần để tạo ra được kết quả mà họ phải có trách nhiệm hoàn tất, để từ đấy giúp nhân viên cảm thấy họ thực sự có khả năng kiểm soát tốt công việc.
Ngoài ra, quá trình đưa ra quyết định chậm chạp cũng là một rào cản mà nhà quản lý vô tình tạo ra cho nhân viên của mình. Do đó, hãy luôn quyết đoán trong mọi trường hợp. Tận dụng triệt để những nguồn thông tin có sẵn và trực giác để đưa ra những quyết định cụ thể và đúng lúc cho nhân viên.