Giữa vùng đồng bằng mênh mông hiển hiện một dãy Thất Sơn, từ đó ra đời bao huyền tích. Một cõi miền Tây rất riêng và rất xa vẫn hiện hữu trong tâm thức người bản xứ.
Nhà văn Lý Lan sau khoảng thời gian dài đi ra bên ngoài “địa phận” hư cấu, nay chọn đứng trên vùng đất Thất Sơn xưa, dựng lên tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương (NXB Tổng hợp TP.HCM, 3.2022).
Thiết nghĩ, nhà văn không cần mào đầu “Tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương là một sản phẩm của tưởng tượng”. Bởi lẽ, ngay từ cái tên Bửu Sơn Kỳ Hương cũng chứa đựng trong đó những huyền thoại, những chuyện ly kỳ ở cái thời mà dường như thần và người, ma và Phật sống lẫn vào nhau. Nơi mà thi thoảng người dân thấy một vị “Phật sống” với phép mầu cùng những lời sấm truyền, thoắt ẩn thoắt hiện giữa nhân gian. Một chốn thật mà như hư cấu của tập thể.
Bửu Sơn Kỳ Hương (Hương lành núi báu) được chọn đặt tên cho tôn giáo bản địa do Phật Thầy (tục danh Đoàn Văn Huyên) sáng lập vào thế kỷ XIX. Lập đạo trong bối cảnh rối ren, Bửu Sơn Kỳ Hương đã dự phần vào những biến động lịch sử của vùng đất Nam bộ. Một không gian sinh hoạt của những cư dân thuần phác, hào hiệp “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” mà ngày nay được xem là đức tính đặc trưng.
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Sơn Nam có lần hỏi vậy trong bài thơ đề từ tập Hương rừng Cà Mau như một hình dung về đặc tính của vùng đất mới Nam bộ, với những con người tứ xứ tìm đến đây khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp như gia tộc người Hoa trong tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương này.
Trước Lý Lan, “hương lành” đã phảng phất trong tập truyện ngắn A Good Scent from a Strange Mountain (đoạt giải Pulitzer 1993) của nhà văn người Mỹ Robert Olen Butler, một cái chạm tay của “kẻ ngoại tộc” vào câu chuyện bối cảnh Việt Nam. Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan cũng là câu chuyện Việt Nam, một Việt Nam đang vào thời loạn lạc, hay cụ thể hơn là sự gãy đổ của quá khứ trước sự hiện đại, là cuộc đối đầu giữa sức mạnh đức tin với sức mạnh vũ trang.
Từ một gia tộc tỏa ra cộng đồng. Từ lịch sử phát tích một tôn giáo tỏa ra thành lịch sử đấu tranh của một vùng đất. Lý Lan cứ thế phóng ngòi bút của mình ra xa, mênh mông như vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương hòa quyện giữa một tinh thần Phật giáo cơ bản với tình yêu nước. Không ít lần đạo bị thế lực chính trị và quân sự mới xuất hiện ở Việt Nam là thực dân Pháp đàn áp. Cũng như không ít tín đồ tham gia kháng Pháp xâm lược.
Trong tiểu thuyết, ta chứng kiến một nước Việt Nam hiện đại đang thành hình, với tôn giáo mà trong giới hạn lịch sử bấy giờ Nguyễn Đình Chiểu gọi là “tả đạo” (“Sống làm chi theo quân tả đạo; quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn…” – Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc).
Quãng thời gian sau khi đội nghĩa binh xuất thân nông dân thất bại ở Cần Giuộc, một người Bửu Sơn Kỳ Hương, đức Cố quản Trần Văn Thành đã tụ hợp tín đồ trong đạo khởi nghĩa và thất bại, thậm chí việc ông còn hay mất trong trận đánh vẫn còn nhiều giai thoại. Tuy nhiên, với tư cách là nhân vật tiểu thuyết ông không chỉ hiện lên với địa vị một thủ lĩnh quân sự mà còn là con người của đức tin, một đức tin hòa ái với tình yêu quê hương xứ sở, đứng trước kẻ địch mạnh hơn đã bình thản nói: “Thân ta đến lúc hoại thì hoại, thần ta đến lúc thăng thì thăng. Anh em hãy hướng về Bảy Núi lạy Phật Thầy. Phật Thầy phù hộ chúng ta sống chết với một tấm lòng trong sáng”.
Tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương có nhiều nhân vật lịch sử xuất hiện, họ thường được gọi giản dị bằng tên theo phong cách Nam bộ. Có những nhân vật đã yên ổn nằm trên bàn thờ lịch sử, có những nhân vật đến nay hãy còn tranh cãi. Họ hiện ra với một chân dung đau khổ trước thời thế, con người họ lẫn vào đám đông những nhân vật bình thường khác. Các nhân vật nhiều và không quanh quẩn trong phạm vi làng xã mà tỏa ra thập phương, nêu bật được đời sống sinh hoạt nhộn nhịp gắn liền với sông nước.
Từ một gia tộc tỏa ra cộng đồng. Từ lịch sử phát tích một tôn giáo tỏa ra thành lịch sử đấu tranh của một vùng đất. Lý Lan cứ thế phóng ngòi bút của mình ra xa, mênh mông như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hệt như cách nhà văn miêu tả cách một cộng đồng hình thành từ một hạt nhân.
“Họ gặp Phật Thầy ngồi im trong thung lũng hoang vu giữa Bảy Núi. Đệ tử bèn ngồi lại chung quanh. Hồi lâu sau đó họ phải đứng dậy trồng trọt để có ăn, dựng nhà để tránh mưa bão, sống với nhau theo lời Phật Thầy dạy ăn lành ở hiền. Trong số họ có trai có gái, nên dần dà có trẻ con. Mấy mươi nóc nhà xây trên lưng núi xanh um tạo thành một cái làng khiêm tốn, đường mòn quanh co từ nhà này đến nhà kia, lẩn trong vườn dâu, nương khoai, ẩn hiện giữa cây rừng đá núi”.
Cuốn tiểu thuyết khép lại bằng thời khắc những con người thuần hậu ấy sắp sửa bước vào một trận đánh. Phần còn lại đã thuộc về lịch sử. Đất lành sẽ xuất hiện một tôn giáo bản địa khác, trong một giai đoạn khác của cuộc chiến mà về sau sẽ được tái hiện trong tiểu thuyết Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng.
Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Bình Dương, tốt nghiệp ngành sư phạm, từng làm giáo viên môn văn và tiếng Anh trong nhiều năm; cao học văn chương Anh trường Wake Forest (Mỹ).
Ngoài nghề dạy học, Lý Lan còn làm thơ, viết văn, viết báo… Bà là dịch giả nổi tiếng của bộ truyện Harry Potter. Một số tập truyện ngắn đã xuất bản của Lý Lan: Chút lãng mạn trong mưa, Chiêm bao thấy núi, Đất khách, Người đàn bà kể chuyện…; các truyện dài: Lệ Mai, Nơi bình yên chim hót, Chân dung người Hoa, Tiểu thuyết đàn bà…; tập thơ Là mình…