Trên mái bếp những ngày giáp Tết không còn những sợi khói lam uốn éo mong manh, là đà phủ đều như ngày thường mà đã chấm phá đậm nhạt khác nhau trên từng mái rạ.
Những ngày cuối năm này người ta tất bật nhiều công việc nên phải dùng củi thay rơm để nấu nướng. Củi được đốn hạ từ những cây tạp trong vườn. Nhà nào không có vườn thì mua lại của những người chuyên đi hạ cây chẻ củi trong vùng. Chợ quê thời đó không có mặt hàng chất đốt. Nhà giàu chuẩn bị từ lâu nên củi khô khói ít.
Nhiều nhà tất bật do miếng cơm manh áo, không có điều kiện dự trữ củi đốt thường ngày phơi non nắng nên khói hơi nhiều. Nhà nghèo dùng cành nhỏ, nhánh non, gom góp nhặt lượm để dùng trong ngày Tết nên khói phủ dày đậm đặc. Có người vì thói quen lo chất đốt ngày Tết đã ăn sâu vào tâm trí, nên khi lên thành phố sống với con cháu đã thành đạt vẫn không quên thấy cành cây khô rụng nào cũng nhặt về… chất đống để dành.
Bếp to nhất là bếp đình làng. Bếp được kê bằng những tảng đá to để có thể chịu được sức nặng cái nồi 30 nấu nước to đùng làm thịt lợn cúng Thành Hoàng. Những ông đầu rau không lồ này thường là chỗ trốn tìm ngày thường của lũ trẻ. Nhưng chỉ những đứa cứng bóng vía mới dám “mạo hiểm” làm vậy, còn đưa nào cũng sợ Ngài quở không dám bén mảng tới gần.
Bếp nhỏ nhất là bếp trong điếm canh ở cổng làng, được kê bằng 3 cục gạch nửa. Bếp được giữ lửa suốt đêm để hâm ấm nước chè, hút điếu thuốc lào và sưởi ấm cho những tráng đinh thay phiên nhau canh phòng trộm cướp, giữ an ninh cho xóm làng trong những ngày cùng tháng tận cuối năm.
Trong gian bếp những ngày giáp Tết không còn mùi ngòn ngọt thơm thơm của rơm khô mà đã chuyển mùi ngai ngái cay cay của những khúc củi phơi còn non nắng. Nồi bánh chưng sôi ùng ục tỏa mùi lá giong quyện mùi nếp đậu thơm ngầy ngậy. Nồi cá kho ngọt mùi mía lót, bùi mùi tương đậu, thơm cay mùi những lát riềng cắt mỏng.
- Xem thêm: Quà tết cha mẹ
Mùi hỗn hợp đặc trưng Tết này khiến lũ trẻ nằm trên ổ rơm “canh” nồi bánh chưng bỗng nhớ đến phương thuốc dân gian trị bệnh lở khóe mép: “Ai bị lở khóe mép lấy bọt củi bôi vào sẽ khỏi”. Có cậu không bị lở cũng cố tìm cho được chút bọt vàng vàng sủi ra từ những khúc củi ướt bôi trước vào khóe mép để “phòng ngừa”. Có anh còn lo xa tìm thật nhiều loại “biệt dược” này cất vào bao diêm để dự phòng tình huống chẳng may bị lở mép ăn không được trong ngày Tết. Nhưng công cốc. Chỉ sau vài giờ, “biệt dược” chỉ còn lại vết ố vàng trong bao diêm trống.
Nói đến bao diêm không thể nào quên được công dụng của nó với tuổi thơ thời rơm rạ của chúng tôi. Ngày thường, người ta “nuôi lửa” bằng trấu để lấy lửa nấu nướng. Còn lửa để hút thuốc thì được “nuôi” bằng con cúi tết bằng rơm. Mỗi lần hút thuốc, châm đóm vào con cúi thổi phù phù lấy lửa. Chỉ dịp Tết, người ta mới “xài sang” dùng tới diêm. Cho nên trẻ con tìm được bao diêm đã hết diêm để chơi là mừng vô kể. Ngày thường, bao diêm làm chuồng nhốt “thú cưng”: dế, ve, xén tóc, bọ gật, cánh cam,… Còn ngày Tết, bao diêm biến thành “két” đựng tiền xu, tiền chinh lì xì. Lâu lâu, lấy “két” ra lúc lắc khoe nhau nhiều ít.
Đã hết rồi một thời rơm rạ. Đã qua rồi một thuở củi than. Bây giờ, phố đã gần quê. Quê đà sát phố. Trẻ lên hai đã biết cầm cái điện thoại đồ chơi ngọng nghịu “A dô!”. Người ta không cần củi mà vẫn có bánh chưng. Không cần khúc mía chẻ hai lót dưới đáy nồi, không cần riềng, không cần tương mà vẫn có cá kho “truyền thống”. Không cần ngâm dấm cũng có kiệu chua. Không cần muối dưa cũng có hành ăn kèm thịt mỡ. Mọi thứ đều có đầy ngoài siêu thi.
- Xem thêm: Thuận nay mà không mất xưa
Nhưng mỗi độ xuân về, tìm đâu ra khói lam chiều nhẹ vương trên mái rạ. Tìm đâu ra mùi thân quen ngày giáp Tết trong gian bếp quê xưa. Tìm đâu ra bọt củi vàng làm “thuốc” bôi khóe mép của tuổi háu ăn. Tìm đâu ra bao diêm không làm chuồng nuôi thú, làm “két” đựng tiền. Tìm đâu ra tuổi thần tiên thời rơm rạ.
Nhớ thuơng hoài hương bếp Xuân xưa.