Quán hủ tiếu đầu tiên ra đời ở Sa Đéc có lẽ cũng đã trên dưới trăm năm, từ đó món ăn này đã trở thành không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân bản địa. Đến Sa Đéc, có thể tìm thấy hủ tiếu ở nhiều nơi. Người địa phương có thể ăn hủ tiếu cả ba bữa và ăn liền nhiều ngày không ngán.
Hủ tiếu rất quen thuộc và thông dụng ở Nam bộ, nhưng hủ tiếu Sa Đéc được vinh danh nhờ vào những nét đặc trưng của món ăn này, mà trước tiên là sợi hủ tiếu. Người Sa Đéc cho rằng sợi hủ tiếu ngon phải được làm với nước sông Tiền đoạn chảy qua Sa Đéc.
Theo họ, cũng sợi hủ tiếu được chế biến tương tự nhưng ở cách Sa Đéc trên chục cây số thì chất lượng đã giảm, do khác nguồn nước. Sợi hủ tiếu tươi Sa Đéc được làm bằng bột gạo, màu trắng đục, cọng hơi dày, thơm mùi gạo; thực khách ăn hết tô mà sợi hủ tiếu vẫn dai, không bị bở và nát.
- Xem thêm: Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Sa Đéc đã có mặt ở nhiều địa phương khác cũng như ở Sài Gòn, nhưng để đảm bảo vị ngon đích thực của món ăn này, các hàng hủ tiếu nơi khác thường phải cất công lấy sợi hủ tiếu tươi từ chính quê hương của nó.
Tô hủ tiếu Sa Đéc ngoài thịt và lòng heo còn mực tươi, tôm tươi, chan nước lèo được hầm từ xương heo ngọt sánh, rau ăn kèm có xa-lách, giá, hẹ, hành phi… thêm chất tươi ngon. Người sành ăn thường gọi tô hủ tiếu “khô” (không phải sợi hủ tiếu khô) mà là cách ăn “khô”: thưởng thức sợi hủ tiếu dai dai trộn nước xốt tỏi, xì dầu mặn mặn ngọt ngọt, nhai “xí quách” được hầm mềm rục rồi húp chén nước lèo nghi ngút khói, thiệt đã!