Phát hiện ra nguyên nhân rơi máy bay là điều hết sức quan trọng vì nó có thể cứu sống được nhiều người. Đóng góp lớn vào việc này là nhà phát minh, người sáng chế chiếc hộp ghi âm buồng lái màu vàng như thường gọi là hộp đen.
Nhưng trong hơn 50 năm, hầu như rất ít ai biết về ông là người đã tạo ra chiếc hộp đen. Năm 1999, ông mới được thưởng huân chương Australian Institute of Energy Medal và năm 2002 được phong danh hiệu Officer of the Order of Australia (AO) để ghi nhận công lao trong công nghệ hàng không. Theo đề nghị của con gái Jenny, David được chôn trong một quan tài ghi: “Flight Recorder Inventor: Do Not Open” (Người phát minh hộp đen máy bay. Đừng mở!”.
Từ món quà tặng của người cha…
Ngày thứ sáu 19.10.1934, chiếc máy bay chở khách Miss Hobart rơi xuống biển. 8 người có mặt trên máy bay, trong đó có mục sư Hubert Warren, 3 phụ nữ và một bé trai bị nước biển Bass Strait nằm giữa Tasmania và lục địa Úc nuốt chửng. Xác máy bay không bao giờ được tìm thấy. Lúc đó, Hubert Warren, 33 tuổi, trên đường đến giáo hạt mới của ông ở Enfield, Sydney. Người vợ Ellie và 4 con sẽ đi sau bằng tàu.
Quà tặng cuối cùng của mục sư cho cậu con trai 8 tuổi David là chiếc radio crystal mà cậu bé rất thích. Là học sinh của trường Launceston Boys’ Grammar School ở Tasmania, David dính như sam với chiếc máy sau mỗi giờ học để tìm hiểu cách nó hoạt động. Bạn học phải trả cho cậu xu nếu muốn nghe những âm thanh phát ra từ chiếc hộp nhỏ.
Trong vòng vài năm, David đã mày mò tự lắp được những bản sao của chiếc máy và bán với giá 40 xu mỗi chiếc. Rõ ràng, David là nhà khoa học tiềm năng ngay từ lúc còn bé. Gia đình ngoan đạo của cậu mong cậu nối nghiệp cha thành nhà truyền giáo Tin lành. Nhưng điều đó không xảy ra. Món quà của người cha là minh chứng “tình yêu không suy giảm” của cậu với khoa học.
Và tình yêu này dẫn đến một phát minh cứu được nhiều mạng người nhờ phát hiện những lỗi kỹ thuật và lỗi phi công trên các máy bay chở khách. Ở tuổi 25, David Warren đã lấy bằng khoa học tại Đại học Sydney, bằng cử nhân Giáo dục tại Đại học Melbourne và tiếp theo là bằng tiến sĩ Hoá học tại Đại học Imperial College, London. Nhưng chuyên môn cậu yêu thích là khoa học tên lửa (rocket science). David vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Hàng không (Aeronautical Research Laboratories-ARL) thuộc Bộ Quốc phòng Úc, nơi chuyên nghiên cứu về máy bay.
Năm 1953, bộ cử David hợp tác với một hội đồng chuyên viên để giải quyết một bí ẩn làm tốn kém nhiều tiền bạc và đau đầu, nhưng chưa giải quyết được: Tại sao loại máy bay thương mại đầu tiên của thế giới British de Havilland Comet và niềm hy vọng lớn của “Thời đại phản lực” (Jet Age) lại bị rơi và tiếp tục rơi? David nghĩ nguyên nhân có thể do bồn nhiên liệu trong hàng chục nguyên nhân khác mà chưa được chứng minh.
- Xem thêm: Tìm thấy hộp đen máy bay AirAsia
Chỉ có những xác chết và các mảnh vỡ vô tri. Hội đồng họp nhiều lần để bàn về những gì đã biết và..tưởng tượng ra! “Họ nói mãi về lổi lầm của phi công, về bất cập của công tác huấn luyện, về một mảnh kim loại bị rơi khỏi đuôi máy bay và những thứ tôi chưa hề biết – David kể lại sau đó hơn 50 năm – Tôi ngồi nghe và trong đầu xuất hiện cái mình nhìn thấy cách đó vài tuần tại hội chợ thương mại hậu chiến ở Sydney.
Đó là chiếc máy ghi âm bỏ túi đầu tiên có tên Miniphon do người Đức sản xuất. Nó gây ấn tượng lập tức vì tôi chưa từng tháy cái gì tương tự như thế trước đó”. Miniphon được tiếp thị như máy đọc (dictation machine) dành cho doanh nhân để họ có thể ngồi tại bàn giấy hay trên máy bay, tàu hoả ghi câu nói cho thư ký đánh máy sau đó. David vốn thích nhạc jazz và biết thổi kèn clarinet nên rất muốn có một chiếc để có thể sao chép những đoạn nhạc của thần tượng nhạc jazz Woody Herman.
Những rào cản
Khi một nhà khoa học đồng nghiệp đưa ra giả thuyết mới nhất là Comet có thể bị không tặc, David lập tức tưởng tượng nếu có một máy ghi âm trên máy bay để ghi lại những trao đổi trong buồng lái và chiếc máy còn nguyên vẹn sau tai nạn. “Mỗi máy bay có nên trang bị một chiếc máy ghi âm nhỏ trong buồng lái? – ông tự hỏi – Nó sẽ giúp cho cuộc điều tra được dễ dàng hơn nhiều nhờ những. Họ biết phi công nói gì và nghe gì vào thời điểm đó. Rồi những âm thanh khác của trang thiết bị”.
Ý tưởng này ám ảnh David. Trở lại ARL, anh bàn với cấp trên trực tiếp, nhưng không được chia sẻ ý tưởng. “Chiếc máy này không liên quan gì đến hoá chất hay nhiên liệu. Cậu là nhà hoá học thì nên tập trung nào nguyên nhân nổ bồn nhiên liệu. Nếu cậu cứ lải nhải mãi về chiếc máy, tôi sẽ sa thải cậu!” – cấp trên nói.
Trong thâm tâm, David luôn xem việc đặt máy ghi âm trong cockpit (buồng lái máy bay) là ý tưởng tuyệt vời. Nhưng nếu không được sự hỗ trợ của cấp trên, nó sẽ khó biến thành hiện thực. Khi cấp trên được đề bạt lên cấp cao hơn, David lại nêu lên ý tưởng này lần nữa với người thay thế, tiến sĩ Laurie Coombes, phụ trách giám sát của ARL. Sếp mới không phản đối nhưng khuyên David nên… nghiên cứu tiếp trong bí mật! Vì dự án này không được chính thức chấp nhận và không phải là vũ khí mới có thể giúp chiến thắng trong chiến tranh, nên David không được phép nghiên cứu nó tại cơ quan và không được hỗ trợ kinh phí.
“Nếu cậu nói chuyện này với người khác, kể cả tôi, cậu sẽ phải nghỉ việc!” – Coombes nhắc lại. Đối với một nhà khoa học còn phải tiết kiệm tiền để lo cho vợ và hai con, chọn lựa không phải dễ. May mắn là Coombes gỡ rối cho David bằng cách cấp tiền mua “một thiết bị cần thiết cho thí nghiệm”. Thế là David đã có chiếc máy ghi âm mơ ước trong tay. Năm 1958, ông trình bày dự án của mình với ARL và được đề nghị viết một báo cáo trình bày rõ ràng hơn.
Báo cáo có tựa “A Device for Assisting Investigation into Aircraft Accidents” và được gửi đến nhiều nơi của kỹ nghệ hàng không. Nghiệp đoàn phi công chống đối quyết liệt, xem chiếc máy là “công cụ nghe lén đáng xấu hổ” và khẳng định sẽ không cho phép chiếc máy bay nào của Úc được lắp đặt nó. Cục hàng không dân dụng Úc có quan điểm nhẹ nhàng hơn khi chỉ xem chiếc máy là “chưa đủ sức thuyết phục và cần nghiên cứu thêm”.
David vẫn kiên trì với ý tưởng dù ngay cả trưởng nam Peter của ông cũng nói ông là “kẻ khờ”, tiết kiệm tiền mua những thứ “bá vơ” trong khi… mang găng tay rách trượt tuyết! Bất chấp những phản hồi tiêu cực, David tìm mua những linh kiện radio bỏ đi và miệt mài ráp chiếc hộp ghi âm buồng lái trong garage nhà. “Cách duy nhất để đánh bại các chỉ trích là hãy cho ra một chiếc máy hoàn chỉnh. Đây sẽ là chiếc hộp đen ghi âm buồng lái đầu tiên của thế giới” – ông nói.
Đột phá
Một ngày năm 1958, khi chiếc hộp đen nhỏ hoàn thành, phòng thí nghiệm tiếp một người khách không mời mà đến từ nước Anh, bạn của Coombes. Đưa khách đến phòng làm việc của David, Coombes ra lệnh: “Dave! Hãy nói cho ông ấy biết cái gì bạn đang làm”. David giới thiệu chiếc hộp đen mẫu dùng dây thép (steel wire) để lưu giữ 4 giờ những âm thanh trong buồng lái và sẽ tự động xoá bản ghi cũ để ghi lại. Ngừng một chút, vị khách nhận xét: “Đây là sáng kiến hay. Chúng tôi sẽ đưa nó lên một chiếc máy bay của không lực Anh và giới thiệu nó tại London”. Chiếc máy bay thử nghiệm là máy bay ném bom Hastings. Sau đó, David mới biết tên người đàn ông bắn phát súng đầu tiên “tạo điều kiện” cho chiếc hộp đen của anh vươn ra thế giới.
Đó là Robert Hardingham (được phong tước Sir Robert sau này), thư ký Hội đồng Air Registration (ARB) của Vương quốc Anh và là cựu phó tư lệnh Không quân của Không lực hoàng gia Anh (RAF). “Ông ấy là một anh hùng, bạn của Coombes, vì vậy tiếng nói của ông có ý nghĩa quyết định” – David kể lại. Vài tuần sau đó, David lên máy bay đến Anh với điều kiện không được báo với Bộ Quốc phòng Úc cái gì ông sẽ làm ở đó “vì sẽ có người không hài lòng”.
Rồi điều không thể ngờ đã xảy ra: máy bay chở David mất một động cơ khi bay qua Địa Trung Hải. Ông nhớ lại: “Tôi nói chúng ta bị mất một động cơ, có ai muốn quay trở lại không? Nhưng quay lại Tunisia lúc đó đang nóng đến 45 O C là điều không ai muốn nên tất cả quyết định tiếp tục lên đường. Tôi kích hoạt chiếc hộp ghi âm để ít nhất nếu máy bay bị rơi thì hộp đen sẽ cho biết biết điều gì đã xảy ra. May mắn là máy bay đáp an toàn. Trong cái rủi có cái may. Chiếc máy ghi âm làm việc tốt”. Tại Anh, David trình bày dự án “ARL Flight Memory Unit” trước Hội Royal Aeronautical Establishment. Một số công ty sản xuất thiết bị bay thương mại cũng có mặt. Họ đánh giá cao công trình của ông.
Báo đài cũng nói nhiều về nó và Cục Hàng không dân dụng Anh bắt đầu tiến trình gắn hộp đen trên các máy bay chở khách. Công ty S Davall and Sons ở Middlesex tiếp xúc với ARL để mua quyền sản xuất và loạt hộp đen đầu tiên ra đời. Tên gọi là “hộp đen”, nhưng nó có màu cam để dễ phát hiện trong đống đổ nát dưới biển. Năm 1960, Úc trở thành quốc gia đầu tiên gắn “cockpit voice recorder” trên máy bay sau khi xảy ra một tai nạn máy bay bí ẩn tại Queensland làm chết 29 người.
- Xem thêm: Cánh máy bay lấy cảm hứng từ cánh chim
Nhưng phải mất 3 năm sau tai nạn việc trang bị hộp đen mới mang tính bắt buộc theo luật. Những chiếc hộp đen hôm nay kháng lửa và nước biển tốt hơn nhiều và có lớp vỏ bọc thép dày rất chắc chắn dù đôi khi vẫn bị thiệt hại một phần sau tai nạn. Không thể nói bao nhiều mạng người đã được cứu nhờ chiếc hộp đen xác định được những nguyên nhân tai nạn trước đó. Phát hiện dẫn đến nhiều sửa đổi và cải tiến về cả phần cứng, phần mềm lẫn công tác huấn luyện. Khiêm tốn, David luôn xem mình là người may mắn. Ông làm việc tại ARL cho đến ngày về hưu năm 1983 trong cương vị trưởng phòng nghiên cứu. Ông qua đời vào ngày 19.7.2010, thọ 85 tuổi.