Ngày giỗ Tổ Hùng Vương nhắc nhở con dân Việt tưởng nhớ công ơn cao dày của các vị Quốc Tổ. Dân gian truyền tụng: “Dù ai buôn bán ngược xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” và “Dù ai buôn bán nơi đâu, nhớ ngày giỗ Tổ rủ nhau ta về”.
Ngày giỗ Tổ năm nay chứng kiến cảnh tượng người dân khắp nơi rủ nhau về quá đông, mà theo Ban tổ chức lên đến hơn cả triệu người, tạo ra khung cảnh hỗn loạn, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ em và người cao tuổi, khi hàng vạn người tranh nhau đi lễ bái.
Bảy giờ sáng ngày 10-3 Âm lịch (16-4) bắt đầu diễn ra lễ dâng hương các vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ).Dự lễ dâng hương có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.Cùng lúc, các địa phương trên toàn quốc có đền thờ vua Hùng, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đồng loạt dâng hương.
Giỗ Tổ năm nay rơi vào cuối tuần, cả nước được nghỉ ba ngày nên nhân dân khắp nơi đổ về núi Nghĩa Lĩnh rất sớm. Theo Ban tổ chức, năm nay Đền Hùng đón khoảng 1,5 triệu lượt khách. Hàng trăm ngàn người tập trung dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, dân gian vẫn gọi là núi Hùng, để chờ lên đền thắp hương. Lực lượng chức năng phải dựng hai lớp barie và liên tục kêu loa nhắc nhở bà con không chen lấn, xô đẩy.
Khi dãy hàng rào thứ nhất được mở, người dân ở hai cổng chính và phụ lập tức ùa đến chân núi. Biển người bị ngăn lại ngay ở dãy rào thứ hai trước lối lên khu di tích, chen chúc nhau chờ đợi trong không khí ngột ngạt nên nhiều người la ó gây huyên náo.
Vào lúc 8 giờ 20, Ban tổ chức quyết định mở hàng rào để cho người dân lên dâng hương bái Tổ. Cảnh tượng hỗn loạn diễn ra tại đây, lực lượng bảo vệ an ninh đã rất vất vả đưa trẻ em và người già thoát khỏi khu vực này.
Lối lên khu di tích Đền Hùng chỉ rộng chừng hơn hai mét, hàng trăm ngàn người đồng loạt chen lấn nhau khiến khu vực chân núi trước lối lên đền bị tắc nghẽn cả tiếng đồng hồ.
Người dân lễ bái trước đền Thượng, nằm ở vị trí cao nhất của núi Hùng, là nơi các vua Hùng làm lễ tế trời đất, thần núi, thần lúa. Đền còn có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện hay còn gọi là Điện cầu trời – điện ở giữa chín tầng mây. Trong đền có bức đại tự Nam Việt triệu tổ, nghĩa là Tổ khai sáng của nước Nam. Nhiều người đứng ở ngoài chiêm bái hậu cung – nơi được cho là linh thiêng nhất đền Thượng.
Dù có bảng đề nghị du khách không ném tiền lẻ nhưng trong giếng Rồng thuộc di tích đền Giếng vẫn đầy tiền lẻ.
Năm 2002, các nhà khoa học khai quật tại khu vực giếng cổ đã phát hiện trong lòng giếng những dấu tích văn hóa các thời kỳ Lý – Trần – Lê – Nguyễn.
Từ năm 1917 vua Khải Định đã định ngày 10-3 Âm lịch hằng năm làm ngày quốc lễ giỗ Tổ. Đến năm 2001, Chính phủ ban hành nghị định quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng, theo đó ngày 10-3 Âm lịch hằng năm trở thành ngày quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
Năm 2007, Quốc hội phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương dịp giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10-3 Âm lịch.
Ngày giỗ Tổ rộn ràng đến mấy rồi cũng qua đi và chúng ta lại đối diện thực tế tình hình phát triển đất nước với không ít trăn trở.
Sau 30 năm đổi mới ở Việt Nam tư duy “sợ” cạnh tranh vẫn tồn tại, ngay trong quản lý nhà nước. Nhận xét trên đây được Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu tại hội thảo xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh được CIEM tổ chức sáng 15-4 vừa qua.
Ông Cung cho rằng các nền kinh tế khác khi ban hành chính sách bao giờ họ cũng đặt ra câu hỏi là chính sách đó có hạn chế cạnh tranh không, còn ở Việt Nam chưa bao giờ đặt câu hỏi đó. Tư duy là nhà nước kiểm soát và sở hữu nên xây dựng chính sách là để quản lý và cho đến nay vẫn chưa thấy sự thay đổi nào để cải thiện chất lượng chính sách một cách thực chất.
Ông kêu gọi một chính sách cạnh tranh toàn diện và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Mà muốn vậy thì cần có thể chế tốt. Theo ông thể chế của chúng ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, rất nhiều hạn chế yếu kém, so với yêu cầu thì còn xa, còn khoảng cách rất lớn giữa mong muốn và thực tế.
Những yếu kém được Viện trưởng CIEM đề cập như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện.
Trong số các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những yếu kém nói trên có nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, còn khác nhau. Nhất là về vai trò của Nhà nước, của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực…
Nguyên nhân thứ hai là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau về định nghĩa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế giới khoa học, chuyên gia có cơ hội bàn luận làm cho rõ hơn, tìm kiếm giải pháp hợp lý hơn.
Nhấn mạnh cạnh tranh là câu chuyện rất lớn của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu thực tế, trong TPP thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế lẫn năng lực của doanh nghiệp.
Hai mươi lăm năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 7, kể cả các nước ở thứ hạng thấp hơn như Lào, Campuchia, Myanmar đều có mặt nào đó hơn Việt Nam, họ đang vượt lên để chuyển đổi về thể chế, nên thách thức của Việt Nam là rất lớn.
Theo bà Chi Lan, ở Việt Nam lâu nay ưu tiên số 1 là doanh nghiệp nhà nước và thứ hai là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn doanh nghiệp tư nhân trong nước thì bị hai lực lượng kia chèn ép.
Việt Nam còn có bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp thân hữu và không thân hữu, đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa không có quan hệ thân hữu thì không thể có sự bình đẳng trong cạnh tranh.