Theo tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tám tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký vốn đầu tư vào Việt Nam là 10,23 tỉ USD, bằng 81% so với cùng kỳ năm ngoái (tính chung cả cấp mới lẫn tăng vốn).
Công nghiệp chế biến và chế tạo là hai lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện ở 492 dự án đầu tư đăng ký mới cùng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm khoảng 7 tỉ USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tám tháng.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 23 dự án đầu tư đăng ký mới, có tổng vốn đầu tư 1,15 tỉ USD, chiếm 11,3%. Xây dựng là lĩnh vực đứng thứ ba với 74 dự án đăng ký mới, có tổng vốn đầu tư đạt 552,8 triệu USD (5,4%).
Có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiếp tục đăng ký đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,22 tỉ USD, chiếm 31,5% tổng vốn FDI trong tám tháng đầu năm nay. Dự án của Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh do Hàn Quốc mới đầu tư với mức vốn đăng ký 1 tỉ USD góp phần đưa nước này vượt lên vị trí số 1 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2014. Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 1,27 tỉ USD (12,5% tổng vốn FDI), kế đó là Hongkong (1,19 tỉ USD, 11,7%), Singapore (972,8 triệu USD, 9,5%).
Riêng Mỹ đã có 703 dự án đầu tư với tổng vốn đã đăng ký khoảng 10,73 tỉ USD, đứng thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Một lượng khá lớn vốn của các nhà đầu tư đến từ Mỹ (4,67 tỉ USD) tập trung vào các dự án dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản cũng được họ quan tâm… Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 124 dự án đầu tư vào Mỹ với tổng vốn đăng ký là 426,74 triệu USD. Hiện Mỹ đứng thứ 9 trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ thu hút vốn đầu tư đến từ Việt Nam.
Nguyễn Thắng