Tuần qua, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tham dự hội nghị góp ý kiến về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Là người chủ động tuyên chiến với tư duy “dễ làm khó bỏ” trong việc xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn và đề nghị các đại biểu Quốc hội dày công tìm tòi, đề xuất những kiến nghị xác đáng để Luật Đầu tư (sửa đổi) mang tinh thần cải cách thực sự. Nhấn mạnh hai luật trên là “lõi của phát triển”, có vai trò quyết định trong tiến trình Việt Nam hội nhập thành công với thế giới, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải sửa hai luật thật kỹ lưỡng theo đúng tinh thần của Hiến pháp, nếu tại kỳ họp cuối năm nay chưa thông qua được như dự kiến ban đầu thì cũng phải chấp nhận, chứ không thể vội vàng để gây ra những bất cập nguy hại về sau. Khẳng định “Quốc hội lần này phải đứng ra làm trọng tài, việc làm minh bạch, rạch ròi các ngành nghề cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh chính là cải cách thể chế, góp phần đưa đất nước phát triển”, ông còn lưu ý đến tình trạng các cơ quan soạn thảo luật thường “bảo vệ cái sân của mình đến cùng”, mà như thế thì chỉ khổ dân và doanh nghiệp. Ông đề nghị Quốc hội phải cố gắng làm sao để ngoài Luật Đầu tư (sửa đổi), trong thời gian tới “không ai được quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện nữa”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nhìn nhận: “Làm luật thì nên nhận phần khó về mình. Nếu giữ nguyên dự thảo hiện tại thì Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể được thông qua nhanh, nhưng như vậy thì người dân sẽ phải lục hết luật này luật khác để đối chiếu mỗi khi cần thiết”. Các đại biểu Quốc hội dự họp đều đồng tình với những ý kiến đó để thực hiện thật tốt trách nhiệm lập pháp của Quốc hội thông qua những đề xuất xác đáng, có chiều sâu, giúp cho dự thảo hai bộ luật trên đạt được độ hoàn thiện cao.
Nguyễn Thắng