Với khán giả miền Nam, vở kịch Dạ cổ hoài lang (kịch bản: Thanh Hoàng, đạo diễn: Công Ninh) đã thuộc loại kinh điển, nên mọi bản dựng khác đều sẽ bị so đo, ấy là đương nhiên. Ngôn ngữ kịch và điện ảnh càng khác biệt nhau, Nguyễn Quang Dũng lại là người đầu tiên chuyển thể, nên áp lực càng nặng nề hơn.
Nếu xem Dạ cổ hoài lang ở cả hai phiên bản, khán giả sẽ thấy rõ áp lực của Nguyễn Quang Dũng, nhất là sự lưỡng lự về chọn ngôn ngữ kể. Đôi khi nó khá điện ảnh, đôi khi lại đậm chất sân khấu. Cái cảm giác phim bị chất ước lệ và diễn cương của sân khấu chi phối, lấn át là có. Cho nên, những khán giả nào quá nệ vào ngôn ngữ điện ảnh, xem phim này sẽ khá mệt, vì nó pha trộn lung tung.
Thế nhưng ngôn ngữ nghệ thuật ngày nay là gì? Thật khó để tìm kiếm một ngôn ngữ tạm gọi là nguyên chất, vì sự pha trộn, tiếp biến đã quá phổ biến. Có vẻ như Nguyễn Quang Dũng, hoặc không thoát khỏi cái bóng sân khấu, hoặc cố tình mô phỏng lại không khí của sân khấu khi kể câu chuyện Dạ cổ hoài lang theo cách và theo thời đại của mình. Nếu trong kịch chỉ là tâm sự hoài cố hương của đôi bạn già, thì phim là cả một quê hương, một bản quán của nhiều thế hệ. Phim cần đến ba kíp diễn viên để thể hiện cả một hành trình mà đôi bạn già đã đi qua, từ thiếu thời cho đến khi về già, nhắm mắt xuôi tay.
Cũng có ý kiến cho rằng phim có tính minh họa và giả tạo, đôi khi lấn cấn trong cách kể. Nhưng từ kịch bản gốc thì câu chuyện đã là một hành trình ngược, bởi tinh thần của bài ca cổ và tựa đề của vở là nói chuyện “đêm nghe bài nhạc cổ mà nhớ chồng”. Thế nhưng trong kịch thì hình ảnh người vợ gần như vắng bóng, còn trong phim thì chỉ lấp ló. So với kịch, Nguyễn Quang Dũng đã xây dựng tấm lòng, nỗi nhớ của người vợ nhiều hơn chút đỉnh, vì thế mà cảm giác đau đáu của hai người đàn ông – vốn cùng yêu chung một người phụ nữ – cũng lớn hơn chút đỉnh. Nhưng cả phim và kịch đều chỉ mượn con người làm cái cớ, không chỉ “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, mà đôi khi ngược lại, nhớ người là nhớ cả một bản sắc mãi mãi chia lìa, như cái chết chia sự sống, chứ không thể ngược lại.
Nhìn lại tất cả các phim mà Nguyễn Quang Dũng đã làm, chỉ có phim đầu tay Con gà trống (kịch bản: Nguyễn Quang Sáng) và Dạ cổ hoài lang là dựa đậm đặc vào kịch bản gốc. Cả hai có mẫu số chung là kể câu chuyện dung dị mà sâu sắc, những phim khác không được như vậy. Nhiều người thích, rồi đòi hỏi Nguyễn Quang Dũng sâu sắc hơn, nghệ thuật hơn, nghe có vẻ chính đáng. Tuy nhiên quan niệm làm nghề của đạo diễn này hoàn toàn khác, khoảng 15 năm qua anh nỗ lực làm những phim kéo được khán giả đến rạp. Những phim như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Mỹ nhân kế, Siêu nhân X… đã cho thấy điều đó.
“Thực ra tôi mong Dạ cổ hoài lang là phim thị trường, không mong nó là phim nghệ thuật kiểu dự liên hoan hay được giải. Nhưng thị trường cũng thay đổi, giống như mình thích ăn phở nhưng ăn riết lại muốn ăn khô, mắm, có lúc lại ăn pizza. Mình cũng không biết tới thời điểm nào người ta cần, người ta thấy thiếu. Nhiều khi mình thấy thiếu nhưng người ta chưa thấy thiếu, chưa cần. Khi tôi bắt đầu làm phim thị trường – trước đó hầu như phim Việt Nam chỉ là phim tuyên truyền – tôi thấy phim cần khán giả, thế hệ đạo diễn chúng tôi cần làm mọi cách để kéo khán giả tới rạp”, Nguyễn Quang Dũng nói.
Với suy nghĩ như vậy, nếu Dạ cổ hoài lang cháy vé thì cũng là điều dễ hiểu, vì có Hoài Linh – Chí Tài. Họ là một chọn lựa hoàn hảo, không chỉ có khả năng diễn xuất, có kinh nghiệm xa quê hương, mà còn đang là ngôi sao thu hút khán giả mọi lứa tuổi. Có thể có những cặp đôi diễn hay hơn Hoài Linh – Chí Tài, nhưng làm sao để thu hút được bán vé thì không hề đơn giản.
Chưa nói, kịch và phim đều xem câu chuyện chỉ là cái cớ để khơi mào cái cốt thầm kín của con người, đó là hoài niệm, hoài cố hương. Bản nhạc Dạ cổ hoài lang được đặt để đúng cao trào tâm lý, khán giả sẽ rơi nước mắt, dù nhiều người trong đó có thể thấy rằng mình khóc với câu chuyện chưa được hợp lý cho lắm. Nhưng có sao đâu, nghệ thuật vốn là hư cấu và ước lệ, miễn sao xem có cảm xúc và rơi được nước mắt là tốt rồi.
Khán giả miền Trung hoặc miền Bắc có thể khó khăn hơn trong tình huống như vừa kể, nhưng khán giả miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn, ai làm cho họ khóc hoặc cười tối đa, người đó thành công. Mới nhìn cứ tưởng khán giả Sài Gòn hời hợt, nhưng thực chất, họ điệu nghệ, vì nếu không điệu nghệ thì đâu cần xem một vở cải lương, một kịch đến hàng chục lần, phim cũng vậy, họ đi xem nhiều lần là để tìm kiếm cảm xúc, chứ chẳng mấy quan tâm tới thông điệp, sự hợp lý này kia. Vì tinh thần thưởng thức như vậy, nên khán giả Sài Gòn thường chiếm đến hơn 70% tổng số vé bán ra của cả nước.
Còn nếu Dạ cổ hoài lang thất bại ở khía cạnh cháy vé, đừng mong nó sẽ là một phim nghệ thuật dạt dào thông điệp. Ngay từ đầu, nó không làm vì điều ấy.
- Hiền Hòa