Với hàng vạn người trẻ ở Bắc Mỹ, quán bar không hẳn là nơi họ đến chỉ để ăn uống, nghe nhạc, tiêu khiển… mà còn là nơi học vẽ cùng bạn bè, thỏa mãn ước mơ được sống cùng hội họa mà không phải qua trường lớp.
Phong trào học vẽ ở quán bar đang phát triển mạnh, bắt đầu từ Mỹ, Canada dần dà lan rộng ra nhiều nước khác.
Hình ảnh quen thuộc thường thấy trong các quán bar ở Mỹ và nhiều nước là những màn hình tivi cỡ lớn, nhãn bia tươi các loại được quảng cáo trên tường và thực đơn đầy ắp các món ăn nhanh. Nhưng nay, hãy quên đi những pizza và hamburger, cũng quên đi những cốc bia hay ly vang ở rất nhiều quán bar, thay vào đó là những tấm bố và tuýp màu, cọ vẽ. Có được sự đổi thay đó là nhờ sự ra đời của một phong trào xã hội do Công ty Paint Nite ở Boston (bang Massachusetts) khởi xướng: một sự phối kết giữa các bài học về hội họa và thưởng thức thú vui ẩm thực, kết quả là những người tham gia có được một đêm thật vui, thật thú vị và bổ ích, được nhấm nháp chút gì đó và ngồi đối mặt với nhau nhiều hơn là nhìn vào tấm bố vẽ, cho dù đây thực chất vẫn là một lớp học hội họa.
“Uống một cách sáng tạo”
Với khẩu hiệu “Uống một cách sáng tạo” (Drink creatively), Nice Paint đã tổ chức các “lớp vẽ xã hội” mà người theo học “không cần bất cứ kinh nghiệm gì” về hội họa nói chung. Khởi đầu từ một sự kiện mỹ thuật được Paint Nice tổ chức vào tháng 3-2012 tại một quán bar ở Boston, chỉ sau hơn hai năm, đến nay phong trào do Paint Nite phát động đã lớn mạnh với hơn 1.100 đêm học vẽ được tổ chức mỗi tháng ở các quán bar tại nước Mỹ và Canada, thu hút khoảng 55.000 người tham gia. Mỗi đêm học vẽ kéo dài hai giờ.Thường thì số chỗ ngồi cho các học viên có giới hạn nên khách hàng của các bar muốn tham gia sinh hoạt này phải giữ chỗ trước.Nhiều quán bar ở New York, Boston, Philadelphia… luôn kín chỗ vào những đêm có giờ học vẽ. Đến đây, khách hàng – học viên chỉ cần mua vé, khoác vào người chiếc áo blouse hay đơn giản hơn là cái tạp dề (để màu sơn không làm bẩn áo quần khi vẽ) rồi ngồi vào bàn, được một họa sĩ hướng dẫn từng bước cách dùng cọ, màu để vẽ một bức tranh phong cảnh hoặc một bức tĩnh vật.
Các “lớp vẽ xã hội” đã thực sự bùng nổ khắp nước Mỹ khi mà nhiều người trẻ trước nay chỉ coi quán bar là nơi thư giãn, thậm chí chỉ để giết thời gian sau giờ làm việc, thì nay họ khám phá nơi mình một năng lực sáng tạo có thể còn ẩn giấu. Cô Laura Romaine, trợ lý giám đốc một công ty mỹ thuật ở Philadelphia không khỏi ngạc nhiên trước sự nở rộ của phong trào Paint Nite: “Thật kỳ lạ, như thể họ đã sập mạnh cửa nhà mình xuống và tới bar để vẽ tranh”. Nhiều người đến với các lớp học – quán bar còn không nhớ lần cuối cùng mình vẽ là khi nào. Sau những năm học phổ thông có giờ vẽ, họ vào đời và không bao giờ cầm đến bút vẽ nữa, không biết đến những tuýp màu nữa, thế nhưng bất kỳ ai vào thời thơấu cũng đã từng nguệch ngoạc vẽ và vẽ không ngừng, đã từng có thời gian làm quen với hội họa, có thể có năng khiếu nhưng thiếu một cơ hội để bộc lộ năng khiếu ấy. Paint Nice đã giúp họ tìm lại những niềm vui của tuổi thơ và có thể đánh thức lại năng khiếu hội họa nơi họ.
Công ty Paint Nice hiện đã có chi nhánh hầu như khắp nước Mỹ và đang mở chi nhánh tại Sydney (Úc), kế tiếp là tại Johannesburg (Nam Phi) và Buenos Aires (Argentina). Với sự phát triển nhanh chóng như vậy, Paint Nite đã đặc cách cho nữ họa sĩ Andrea Vann, 26 tuổi, nhân viên của công ty rời công việc ban ngày để chỉ tập trung cho các lớp dạy vẽ buổi tối ở quán bar. Từng làm nghề phục vụ quán bar trong nhiều năm vì không tìm được việc làm phù hợp với ngành học đại học, Andrea Vann nay thỏa được mơước thiếu thời, được dạy vẽ và sống hoàn toàn với màu sắc, cọ vẽ. Cô còn được tham gia vào việc phát triển những điểm mới của Paint Nite, hướng dẫn cách thức tổ chức sinh hoạt tại các điểm mới đó. Mỗi đêm, ở quán bar mà cô phụ trách việc dạy vẽ, Vann phải không ngừng di chuyển qua lại để chỉ dẫn cho khoảng 40 khách hàng – học viên cách thức mà họ có thể sáng tạo một tác phẩm hội họa theo lối riêng của họ.
Một cú hích đối với cuộc sống bình lặng
Allyson Meng, một học viên tại quán bar Fox and Hound ở Philadelphia – nơi Andrea Vann được cử đến hướng dẫn tổ chức lớp học cho biết cô dự lớp vẽ vì “muốn thoát ra những cái khung chật hẹp” của công việc và đời sống thường ngày. Là nhân viên giao dịch khách hàng của một công ty vận tải, Allyson cho biết: “Thật là một thử thách đối với tôi, thế nhưng tôi thật sự thích lớp vẽ dù chẳng có chút máu nghệ thuật nào”. Có những người đến lớp vẽ chỉ với mục đích làm “một cú hích” đối với cuộc sống bình lặng của họ, giản dị như khẩu hiệu của Paint Nite: “Uống một cách sáng tạo”, nhưng rồi họ bị cuốn hút vào thế giới diệu kỳ của sắc màu lúc nào không hay, thêm nữa là họ có những người bạn mới rất thú vị khi cùng bàn về tranh, về những dự tính xa hơn như đi vẽ ngoài trời, đi du lịch để vẽ…
Ở New York, phong trào Paint Nite thực sự làm nóng sinh hoạt các quán bar ở Manhattan, Brooklyn và Queens.Dù cũng có nam giới tham gia nhưng học viên các lớp vẽ xã hội này ở New York cũng nhưở nhiều thành phố khác chủ yếu là giới nữ, trẻ và độc thân. Nữ họa sĩ Shannon Pan, người hướng dẫn một lớp vẽ gồm 17 học viên nữ tại một quán bar ở khu East Side cho biết: “Tôi không hiểu vì sao cánh nam giới không tham gia vào các lớp vẽ này nhiều cho dù ở đó có các nàng rất xinh đẹp”.
Kelly McDonough, 25 tuổi, một cô nàng độc thân xinh đẹp sống ở khu Chelsea đã từng dự nhiều đêm vẽở quán bar cũng cho biết thật hiếm khi cô thấy một chàng trai trong các lớp vẽ mà cô đã đến học: “Có thể mấy anh chàng đó không đủ dũng khí để đến với mỹ thuật, bởi những đêm vẽ luôn chỉ có các nhóm nữ. Điều đó thật tệ!”. Nhưng đứng về góc cạnh kinh doanh, theo Daniel Hermann – người đã đem Piant Nite tới New York vào mùa thu năm 2013, thì chính các bà, các cô độc thân mới là yếu tố quan trọng khi các nhà quản lý của Paint Nite quyết định mở thêm các chi nhánh ở nơi khác sau Boston. Điều đó đã được chứng thực: có tới 85 – 90% khách hàng học viên các lớp vẽ tại quán bar ở New York là nữ giới.
Liệu đây có thể là một gợi ý cho hoạt động của các quán bar tại Việt Nam?
- Đông Hà