“Niềm tin không chỉ là một loại đức hạnh trong xã hội, mà còn là một lực đẩy kinh tế có thể đo lường được. Không gì có thể sinh lợi bằng bản chất kinh tế của niềm tin. Không có gì chiếm lĩnh vị trí trung tâm đối với lãnh đạo như những mối quan hệ được xây dựng bằng niềm tin. Và niềm tin thật sự là một thứ có thể thay đổi mọi thứ”, Stephen M. R. Covey, tác giả cuốn sách Tốc độ của niềm tin cho biết.
Khủng hoảng niềm tin xảy ra trên toàn cầu
Cuộc khủng hoảng niềm tin hiện đang xảy ra trên toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Theo cuốn sách Tốc độ của niềm tin, niềm tin trong hầu hết các tổ chức xã hội, từ chính phủ, đảng phái chính trị đến truyền thông, doanh nghiệp, y tế, nhà thờ… đều giảm mạnh so với thế hệ trước. Tại Mỹ, một cuộc khảo sát vào năm 2005 cho thấy chỉ có 22% người nước này tin vào truyền thông, 8% tin vào các đảng phái chính trị, 27% tin vào chính phủ và 12% người tin vào các doanh nghiệp lớn. Nghiêm trọng hơn là sự mất niềm tin giữa con người với nhau. Một cuộc khảo sát gần đây do nhà xã hội học David Halpern (Mỹ) thực hiện cho thấy, tỷ lệ người Mỹ còn có niềm tin dành cho nhau là 34%, con số này tại Mỹ Latinh là 23%, còn ở châu Phi là 18%. Nghiên cứu của Halpern cũng cho thấy cách đây 40 năm, tỷ lệ người Anh tin vào nhau là 60%, nay giảm chỉ còn 29%.
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, trong tất cả các khủng hoảng, đáng sợ nhất là khủng hoảng niềm tin. Vì nó là nguyên nhân của những tổn thất lớn nhất trong cuộc sống, trong tổ chức và cả trong đời sống gia đình. Ngoài ra, thiếu niềm tin còn làm trì trệ mọi tiến trình, từ việc ra quyết định, giao tiếp, cho đến việc xây dựng những mối quan hệ.
Theo khảo sát của Edelman Trust Barometer năm 2018 cho thấy rằng niềm tin đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Sự mất niềm tin khiến chúng ta nhìn thấy xung quanh chỉ là các vụ bê bối và vòng luẩn quẩn của sự nghi ngờ. Sau mỗi lần truyền thông đưa tin về những vụ bê bối của các doanh nghiệp, quan chức nhà nước và sự nhắc lại liên tục của mạng xã hội càng làm cho niềm tin trong chúng ta suy giảm nghiêm trọng, đồng thời việc tái lập niềm tin khó khăn hơn trước.
Theo ông Giản Tư Trung thì khủng hoảng ở thời đại nào cũng có và cũng không riêng với xã hội nào cả. Không có khủng hoảng này thì có khủng hoảng khác, xét ở góc độ này hay góc độ khác. Ngoài niềm tin về xã hội, tổ chức và các mối quan hệ thì quan trọng và căn bản nhất vẫn là niềm tin vào bản thân. Chúng ta đặt cam kết cho bản thân, mục tiêu cuộc đời hay danh sách cần phải làm, nhưng không đạt được. Thế là mất niềm tin vào chính mình. Sự bất tín với bản thân là căn nguyên khiến chúng ta khó tin cậy vào người khác. Điều quan trọng là đi tìm niềm tin để tìm kiếm một sự thay đổi tích cực, để thích ứng và vượt qua khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo cần hiểu được những lợi ích kinh tế của khoản “cổ tức niềm tin”, đặc biệt khi niềm tin xuất phát từ bên trong, chứ không phải là bề ngoài giả tạo hay một “chiêu trò” truyền thông nào đó để điều khiển niềm tin.
Đi học để tìm lại niềm tin cho doanh nghiệp
Thị trường toàn cầu ngày nay đặt trọng tâm vào sự hợp tác thực chất, những mối quan hệ đối tác tương hỗ này đều dựa trên sự tin cậy. Sự hợp tác nào có nền tảng là niềm tin đều đem đến hiệu quả vượt trội hơn so với dựa trên những điều khoản trong hợp đồng. Thực tế, niềm tin cao làm tăng tốc độ và giảm chi phí trong tất cả các mối quan hệ, tương tác và giao dịch. Niềm tin cao cũng gia tăng giá trị cho cổ đông và cho khách hàng.
Nghiên cứu của Watson Wyatt (Mỹ) cho thấy, các tổ chức có sự tin cậy cao tạo lợi nhuận cho cổ đông cao hơn 286% so với các tổ chức có độ tin cậy thấp. Các tổ chức có sự tin cậy cao luôn tạo ra giá trị cho khách hàng nhiều hơn thông qua tốc độ tăng trưởng nhanh, đổi mới cải tiến, hợp tác chặt chẽ, quan hệ đối tác bền vững, thực thi hiệu quả và nâng cao lòng trung thành. Giá trị của khách hàng lại tạo ra giá trị cho các bên liên quan khác nhiều hơn. Nhìn vào những gì đang diễn ra trên thị trường tài chính hiện nay để thấy một sự khủng hoảng trầm trọng về niềm tin. Thực tế, niềm tin không chỉ làm cho thị trường vận hành mà đó là yếu tố không thể thiếu cho cả thế giới vận động.
Trong cuốn sách Tốc độ của niềm tin đã chỉ ra một trong những phương pháp hay nhất về cách thức xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Theo đó, muốn có thương hiệu uy tín (Trusted brands) thì cần phải có một tổ chức đáng tin. Mà một tổ chức đáng tin thì cần phải có đội ngũ những con người đáng tin. Bất kể là tạo dựng niềm tin trong tổ chức hay trên thương trường – đều xuất phát từ sự tin cậy của chính bản thân mỗi người, trong các mối quan hệ của chúng ta, rồi lan tỏa trong tổ chức, lan tỏa trên thương trường và xã hội.
Như vậy, hành trình từ “Tự trọng cá nhân” đến “Văn hóa đáng tin” rồi đến “Thương hiệu uy tín” cũng chính là cách thức xây dựng thương hiệu hiệu quả và bền vững nhất đối với mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp và mọi quốc gia. Với phương cách độc đáo này, xây dựng thương hiệu không chỉ là công việc của bộ phận marketing hay công việc của ban lãnh đạo công ty như lâu nay, mà đó còn là trách nhiệm thực sự của mỗi thành viên trong toàn tổ chức. Mỗi nhân viên đều là người xây dựng thương hiệu công ty, để khi có thương hiệu mạnh thì doanh thu sẽ tăng, chi phí sẽ giảm và hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh và tăng bền vững.
Vì vậy, công việc quan trọng nhất của mọi nhà lãnh đạo là khơi dậy niềm tin trong nhân viên, nhằm giải phóng sức sáng tạo và khả năng của mỗi cá nhân để họ cống hiến hết mình, đồng thời tạo ra môi trường có độ tin cậy cao để đội ngũ có thể cùng nhau chung sức làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, nhất là đối với các lãnh đạo trẻ. Vì vậy, khóa học Lãnh đạo với Tốc độ của niềm tin do PACE và FranklinCovey tổ chức có thể sẽ chỉ đường cho những ai còn bối rối trên hành trình xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Phương pháp này sẽ giúp các nhà lãnh đạo biết cách vận hành của niềm tin, cách đo lường, thiết lập, phát triển, mở rộng và duy trì chúng – để triển khai một chiến lược kinh doanh thành công trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng như hiện nay.