31 tuổi và đã có 13 năm làm tình nguyện viên, xây hơn trăm ngôi trường và nuôi 2 vạn trẻ miền núi, nhưng Hoàng Hoa Trung – chàng trai được Forbes Việt Nam vinh danh trong nhóm 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi có ảnh hưởng và thành tựu nổi bật năm 2020 – không dừng lại ở đó mà muốn tình nguyện cả đời, xây hết các ngôi trường cần có ở Việt Nam và đất nước không còn trẻ em nào vì thiếu ăn mà phải bỏ học.
Trung là đại diện cho một thế hệ trẻ đầy mộng mơ và khát vọng cống hiến cho cộng đồng nhưng cũng cực kỳ thực tế, thông minh và có chiến lược.
Cú sốc của kẻ phản kháng
Hiện tại, mọi người biết đến Trung là một người chăm lo tất cả cho giáo dục của trẻ em miền núi, như nuôi 20.000 trẻ để các em không vì đói mà phải bỏ học, xây hơn trăm ngôi trường, mang sách, máy tính cũ về cho thầy trò miền núi, lắp điện gió mặt trời giúp các thầy cô bớt khó khăn để cắm trường cắm bản, giúp phụ huynh tiêu thụ nông sản mà chăm lo tốt hơn cho con cái… Nhưng có điều bất ngờ thú vị khi biết Trung từng phản kháng với nhiều tiêu cực trong giáo dục, thậm chí tự tử hụt vì quá thất vọng trước những thứ phản giáo dục mà mình phải đối mặt.
Là học sinh xuất sắc, chỉ vì tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc trung thực trong thi cử giữa những bạn bè chọn coi cóp, Trung bị đẩy vào hệ B sau cuộc thi tuyển cấp ba. Trong môi trường ấy, từ một học sinh giỏi, ham học, Trung bị trù dập khi không học thêm ở lớp do cô giáo chủ nhiệm tổ chức và trở nên sợ hãi việc học. Bế tắc, mất niềm tin đẩy Trung tới chỗ lựa chọn cái chết chứ nhất định không đồng lõa với cái xấu.
May mắn, Trung không chết mà còn trở lại sống một tuổi trẻ rực rỡ. Đang học dở lớp 11 thì Trung bỏ học và tìm được môi trường học tập phù hợp hơn với mình, là học lập trình viên quốc tế từ chương trình Aptech của Ấn Độ, sau đó là 3 năm học thiết kế đồ họa. Trung sắp xếp riêng cho mình thời gian để hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người già, trẻ em khuyết tật, mồ côi ở Hà Nội và một năm sau thì quyết định vươn xa hơn, đến với trẻ em miền núi, nơi còn khó khăn hơn.
Năm 2013 Trung bỏ hẳn công việc toàn thời gian mà chuyển qua làm tự do. “Khi đã chết hụt một lần thì người ta sẽ chọn cách sống rất khác, sẽ không quá coi trọng chuyện tiền bạc, chỉ cần kiếm đủ sống, thời gian và năng lực còn lại dành để làm những việc mình thích. Và tôi thích giúp đỡ người khác, nó cho tôi thấy cuộc đời mình có ích, chứ vứt ra ngoài đường thì kiếm tiền dễ lắm”, Trung nói giản dị về niềm đam mê tình nguyện đến kỳ lạ của mình.
Về chuyện “kiếm tiền dễ lắm”, Trung kể đã từng hợp tác lập đội cùng hai người bạn bán được 33 căn nhà chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi, chia cho cả đội vẫn còn được hơn 100 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà Trung cũng bỏ công việc này vì không còn thời gian làm thiện nguyện. Cũng từng có doanh nghiệp mời Trung về làm marketing với lương 200 triệu đồng/tháng, anh vẫn từ chối. Xác định tình nguyện là niềm đam mê của cả cuộc đời nên khi lấy vợ, Trung cũng chọn người cùng sở thích. Anh vừa kết hôn với người con gái hiền lành đã đồng hành cùng mình suốt ba năm qua.
Chỉ cần làm tốt, tiền sẽ tự đến
Vỏn vẹn 9 người chủ chốt, nhưng nhóm thiện nguyện Niềm Tin do Trung làm thủ lĩnh, năm 2020 đã xây được 77 trường học, nhà nội trú, nhà hạnh phúc… cho học sinh miền núi và Tây Nguyên, nuôi ăn được 20.000 em nhỏ. Bí quyết thành công của Trung là phải thực hiện các dự án bền vững, minh bạch, cá nhân hóa… Khi được cộng đồng tin tưởng, thì nhiều người sẽ tự tìm đến đóng góp lâu dài.
Tự nhận mình là “Trung đồng nát”, Trung kể từ hồi đi học, anh đã biết gây quỹ bằng cách nhặt rác bán, kinh doanh quần áo cũ…, để có tiền làm từ thiện. Nhiều lần anh cũng bạo gan cầm hồ sơ đi xin tài trợ cho chương trình thiện nguyện, nhưng tất cả đều bị từ chối. Những cái lắc đầu đó đã thức tỉnh Trung, rằng chẳng có nhà tài trợ nào cho tiền một dự án mà họ không biết gì về nó, không hình dung được kết quả và chẳng biết người xin tiền là ai.
Năm 2020 Hoàng Hoa Trung được Forbes Việt Nam bình chọn vào 30 under 30 Forbes 2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Trước đó, năm 2019 Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; năm 2017 nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia, Giải thưởng Thanh niên kiến tạo; Cùng với rất nhiều bằng khen khác của các tổ chức trong và ngoài nước…
Khác với nhiều tổ chức xã hội, thường chọn cách làm truyền thông thật mạnh, còn Trung, không có tiền, anh chọn cách khác: làm thật tốt để cộng đồng biết đến mình, nhà tài trợ tự tìm đến chứ không cần phải đi xin. Dự án Nuôi em của Trung thực hiện từ 2014, nhưng chỉ thực sự “bùng nổ” vào mùa 2018 – 2019 khi anh đưa ra mô hình “một người nuôi một em” với chi phí chỉ 150.000 đồng mỗi tháng.
Đặc điểm của mô hình là mỗi người nuôi đều biết mặt trẻ, thông tin bố mẹ, thầy cô, già làng, trưởng bản, hiệu trưởng, phòng giáo dục – đào tạo và được lên thăm các em ba lần/năm. Điều này vừa tạo tin tưởng vì tính minh bạch và cá nhân hóa, đồng thời tài chính lại được Trung ương Đoàn hỗ trợ kiểm toán. Vì đã được làm thành công thức, nên Trung “chỉ mất 5 giây để thuyết phục các nhà tài trợ”, Trung kể.
Ngoài vận dụng công thức dễ thực hiện trong các dự án, mà Trung học được từ dự án Sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch, anh còn thực hiện mô hình hóa các dự án để có thể dễ dàng nhân rộng. Năm 2020, nhóm 9 người của Trung chỉ thực hiện dự án ở 4 tỉnh, nuôi 15.000 em, nhưng đã mở rộng thêm 8 mô hình, nuôi 5.000 em ở 8 tỉnh của 8 nhóm thiện nguyện khác xin nhập vào dự án Nuôi em. Giờ đây, nhóm của Trung mỗi năm có thể xây được cả trăm trường cho các em, 7/9 người trong nhóm được các nhà tài trợ trả lương chứ không phải trích từ tiền dự án. Trung khoe: chỉ trong 4 ngày từ 6 – 9.1 vừa qua, các nhà tài trợ đã tìm đến tài trợ cho 5 trường học.
Quan trọng là mình làm được gì
Năm 2021, Trung cho biết anh muốn tập trung vào dự án sucmanh2000.com. Với dự án này, nhà tài trợ mỗi ngày chỉ cần góp 2.000 đồng. Nếu có 2 triệu người tham gia thì mỗi năm sẽ có 1.640 tỉ đồng, đủ để xây toàn bộ trường thay thế nhà tạm cho trẻ em vùng sâu, vùng xa và cả nội trú ở Việt Nam. Dự án được Trung đánh giá rất khả thi, vì được kết hợp trên nền tảng của một thương hiệu ví điện tử có tới 20 triệu người dùng. Cùng với đó là sự đồng hành của nhiều người bạn nổi tiếng Trung quen được sau những năm tháng làm thiện nguyện, và nguồn lực sẵn có là 2 vạn người Nuôi em lan tỏa…
Trả lời chúng tôi “Giúp ích cho hàng vạn trẻ nhỏ, Trung có thấy mình là người tốt không?”, Trung nói anh không quan tâm chuyện mình hay người khác nhìn nhận về mình thế nào, chỉ quan tâm mình làm được gì. “Tôi vẫn cùng nhóm xây trường, xây nhà nội trú, nhà công vụ. Nếu các tỉnh Tây Nguyên mà được xây nhiều nhà nội trú thì có thể cứu được rất nhiều bé gái khỏi rơi vào cảnh sinh con năm 13 tuổi vì các em bỏ học sớm do không có nhà nội trú, nhà cách trường quá xa. Mục tiêu lớn trong năm nay của tôi là xây 20-30 khu nội trú, việc này khó hơn xây trường gấp 5-7 lần nhưng rất hữu ích”, Trung bày tỏ.
Năm nay, Trung còn một kế hoạch táo bạo, là xây thêm một trường ở… châu Phi! Trung cho biết, ngoài ý nguyện chia sẻ với trẻ em tại “lục địa đen”, đây cũng là cách anh chủ đích gây chú ý để nhắm đến những mạnh thường quân Việt kiều, thu hút sự quan tâm của họ cho các dự án thiện nguyện tại Việt Nam. “Vì không có tiền nên chúng tôi phải nghĩ mọi cách để làm truyền thông không mất tiền. Các giải thưởng mà tôi đạt được cũng là hình thức truyền thông 0 đồng cho các dự án chúng tôi nỗ lực làm, đã thuyết phục cộng đồng bằng chính chất lượng và hiệu quả lan tỏa”, Trung tự tin nói.
– Ảnh NVCC