Đó là nhận định của ông Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Tọa đàm tham vấn đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN (LIN) vừa tổ chức Tọa đàm tham vấn đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Toà đàm có sự tham dự của gần 50 đại biểu, trong đó có đại diện Bộ Tài chính, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Công an, đại diện các tổ chức xã hội, luật sư, nhà nghiên cứu và cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu mở đầu Toạ đàm, ông Nguyễn Ngọc Lâm – Chủ tịch Viện MSD, cho biết Nghị định 64/2008 đã ra đời và đi vào đời sống được hơn 10 năm. Nghị định đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, MTTQ, các cấp và các quỹ xã hội, quĩ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận đông, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. “Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với qui định của luật pháp hiện hành, đặc biệt còn hạn chế trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực hơn nữa, chủ động trong các hoạt động từ thiện”, ông Lâm nhận định.
Cũng theo Chủ tịch Viện MSD, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ có những khuôn khổ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp đặc biệt việc hỗ trợ từ thiện nhân đạo trong tình hình mới có những thay đổi theo hướng từ thiện phát triển “cho cần câu để câu cá” – tạo nên sức mạnh cho cộng đồng chứ không ỉ lại vào việc được viện trợ.
Tại tọa đàm, các cá nhân, đại diện tổ chức xã hội, đại diện chính quyền địa phương, những người có nhiều năm thực hiện công tác từ thiện, thiện nguyện đã chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động cũng như những vướng mắc, khó khăn gặp phải. Một số điểm nổi bật trong phiên thảo luận chỉ ra nỗ lực của các cá nhân, tổ chức trong việc nỗ lực làm từ thiện, đặc biệt là những trường hợp khấn cấp. Nguồn lực từ cộng đồng đang rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả. Nhà báo Hoàng Thiên Nga đặt vấn đề: “Những lúc ngặt nghèo, những lúc khẩn cấp, khi các cơ quan nhà nước theo quy trình chưa kịp trở tay, những cá nhân, tổ chức cộng đồng chính là đội ngũ phản ứng nhanh, hiệu quả, đi đầu. Điều đó rất tốt, nhưng chiếu theo Nghị định thì họ lại sai. Sao mà sai vì làm việc tốt chứ?!”
Là người có thâm niên 30 năm thực hiện các công tác cứu trợ từ thiện, nhà báo Hoàng Thiên Nga tâm tư: “Tôi đồng ý việc từ thiện cũng cần quy trình, hướng dẫn để tránh tình trạng cá nhân hay cộng đồng trục lợi, bất hợp lý, nhưng tôi nghĩ trong thời đại 4.0, nếu có hướng dẫn cụ thể, chuẩn xác trong cách hướng dẫn toàn dân minh bạch khi làm từ thiện, thì chính cộng đồng xã hội sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả, với trách nhiệm hỗ trợ giám sát của các tổ chức, cơ quan liên quan. Nếu có được một Nghị định bao quát, rõ ràng, dễ hiểu, quy định cần và đủ về tính minh bạch, không mâu thuẫn với quyền cho-nhận của công dân theo Bộ luật Dân sự, thì hoạt động từ thiện của toàn dân sẽ nở rộ, mạnh mẽ và chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn”.
- Xem thêm: Cách tiếp cận mới trong phòng chống lũ
Thêm vào đó, các chia sẻ cũng chỉ ra rằng, việc làm từ thiện của cá nhân tổ chức có cả nhiều thuận lợi và cả thách thức, nhưng không đồng đều theo địa phương, theo trường hợp hỗ trợ. Điều này đặt ra vấn đề về thách thức về chính sách và về quan điểm của địa phương trong việc tiếp nhận và phối hợp trong công tác từ thiện với các cá nhân, tổ chức cộng đồng. Câu chuyện cũng xoay quanh tầm quan trọng của việc các tổ chức cá nhân phối kết hợp với các cơ quan địa phương để đạt hiệu quả.
Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk, chia sẻ: “Ở đâu đoàn công tác thiện nguyện đến từ chối chứ ở chỗ chúng tôi không chối bao giờ. Chỗ chúng tôi khó khăn, ngân sách của xã không đủ/ không có, nhiều khi có các vấn đề khẩn cấp, phải theo quy trình đề xuất cần thời gian; với phương châm ưu tiên bà con hàng đầu, đảm bảo nhu cầu của cộng đồng cấp bách thì sự hỗ trợ nhanh chóng của các đoàn cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng rất cần thiết. Chúng tôi, với tư cách là cơ quan địa phương cũng rất sẵn sàng phối hợp, hợp tác với cá nhân, tổ chức, để giúp bà con cộng đồng, giúp hoạt động từ thiện được công bằng, hợp lý, hiệu quả”.
Nhìn từ thực tiễn và nhu cầu của công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã chia sẻ bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện. Ví dụ: Ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện hoặc công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm ương làm từ thiện của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta thấy, công tác hỗ trợ từ thiện nơi dễ nơi khó, bởi đang phụ thuộc vào quan điểm, nhân cách của lãnh đạo địa phương, phụ thuộc vào cá nhân, thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện”.
Ông Dũng cho rằng: “Chúng ta nên bỏ đi thủ tục cho hay không cho mà quy định hướng dẫn xem cách thức, phương pháp làm điều phối công tác từ thiện thế nào cho hiệu quả, minh bạch giải trình. Như vậy, tuỳ từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương thì đơn vị nào có tư cách, năng lực phù hợp, bất kể tổ chức nhà nước hay tổ chức nhân dân, tổ chức xã hội đều có thể đứng ra điều phối công tác từ thiện.”.
“Việc từ thiện rất dễ lây lan tâm lý, và việc từ thiện có thể tràn lan, không hiệu quả, vụ việc bánh chưng hoặc ào ạt ủng hộ quần áo, mỳ tôm là ví dụ thực tiễn. Chúng ta hiểu một quy trình từ thiện thì sẽ đưa ra một quy trình chuẩn chỉ, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Chúng ta đang đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị định 64, nhưng về lâu về dài, chúng ta cùng một khung pháp lý, luật cho hoạt động nhân đạo, từ thiện khuyến khích huy động nguồn lực và triển khai, tổ chức, thực hiện hiệu quả”.
ÔNG TRẦN QUỐC HÙNG
PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Với việc thúc đẩy hệ sinh thái từ thiện phát triển Việt Nam, trụ cột chính sách Nhà nước là vô cùng quan trọng. Cụ thể, với việc Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang được dự thảo sửa đổi, tọa đàm tập trung vào việc phát huy tinh thần công dân tham gia vào việc đóng góp ý kiến cho dự thảo này.
Phân tích cụ thể về dự thảo Nghị định 64 sửa đổi, Luật sự Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng Luật sự Nquang và Cộng sự cho rằng Nghị định 64 sửa đổi cần phải cải thiện các vấn đề, gồm: 1. Quy định chung: Phân biệt với tài trợ trực tiếp, riêng tư, có địa chỉ cụ thể; là hoạt động công khai, có tính đại chúng; 2. Quy định quyền chính đáng của các tổ chức, cá nhân, được Nhà nước khuyến khích, phối hợp và bảo trợ; 3. Quy định các quyền pháp lý và các lợi ích tinh thần, vật chất mà Bên tổ chức hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ và Bên tài trợ, đóng góp được hưởng; 4. Quy định các mô hình về tổ chức hoạt động; 5. Quy định nghĩa vụ của Bên tổ chức (có đề án hoạt động và văn bản cam kết, đăng ký với chính quyền; công khai hoá và trách nhiệm báo cáo, giải trình); 6. Bên đóng góp, tài trợ: Nghĩa vụ sử dụng tài sản hợp pháp của mình để đóng góp, tài trợ; 7. Bên nhận tài trợ: Nghĩa vụ sử dụng các khoản đóng góp đúng mục đích của Nhà tài trợ và cam kết của cá nhân; 8. Bên giám sát, phối hợp, hỗ trợ: Có chương trình phối hợp; hỗ trợ, không gây phiền hà; giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; xử lý quan hệ quốc tế.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập chốt vấn đề: “Nghị định 64 sửa đổi ra đời lúc này là rất cần thiết, đặc biệt kịp thời với đợt bão lũ miền Trung có thể xảy ra sắp tới. Về lâu dài hơn, trong 5 năm tới, chúng ta cần một Luật bao quát cả hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các nhóm yếu thế, bao quát cả hoạt động phi lợi nhuận khác trong mọi lĩnh vực, đảm bảo khẳng định quyền dân sự chính đáng của tổ chức, cá nhân trong mưu cầu hạnh phúc, bảo đảm đời sống, phát triển cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội”.
- Xem thêm: Lũ đi qua, nhà ‘an toàn’ ở lại
Trong phiên thảo luận toàn thể, đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định 64 sửa đổi đã tạo ra một không gian mở để các đại biểu cùng nhau trao đổi, đưa ra các đề xuất. Một số ý kiến tiêu biểu được các đại biểu đưa ra chi tiết cho Nghị định 64 sửa đổi liên quan đến việc tạo điều kiện cho cả cá nhân và tổ chức cộng đồng tham gia công tác từ thiện, đa dạng hoá nguồn lực cộng đồng, huy động được nguồn lực trong dân và cả nguồn lực từ nước ngoài, tạo điều kiện sự phân phối, việc thực hiện dễ dàng, tới đúng được được đối tượng đích, đảm bảo tính chuyên nghiệp hiệu quả, có minh bạch và trách nhiệm giải trình, và bao gồm cả công tác giám sát, giải trình không chỉ tài chính mà giải trình kiểm toán xã hội, cũng như công tác ghi nhận, khen thưởng sau đó… Các đại biểu cũng thảo luận Nghị định 64 sửa đổi cần phải ghi nhận và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội là các tổ chức của cộng đồng, sát với dân và có thể hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả, lâu dài. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, vai trò của truyền thông xã hội rất quan trọng, khuyến nghị các điều khoản khuyến khích sử dụng thành tựu công nghệ trong các hoạt động viện trợ đảm bảo hiệu quả, minh bạch.
Các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm sẽ được ban tổ chức tổng hợp và gửi đến Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 64 – Bộ Tài chính.
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.
Ngày 23.10.2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008.