Với tên gọi “Icons of Hà” (“Những biểu tượng của Hà”), triển lãm cá nhân của họa sĩ Huỳnh Phú Hà đang diễn ra tại urbanArt gallery (46 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1. TP. Hồ Chí Minh, từ 1 đến 31-12-2015). Nhân dịp này ông đã có cuộc trao đổi chung quanh những sáng tác mới của mình.
Ông thường chọn đề tài cũng như sử dụng phương pháp nào khi sáng tác?
Các tác phẩm trong triển lãm này được hình thành từ những trải nghiệm cá nhân. Tôi không lựa chọn đề tài cụ thể mà luôn vẽ bằng cảm xúc qua những gì quan sát được từ cuộc sống theo cách riêng của mình. Tôi luôn muốn tạo ra một không gian mới lạ, hấp dẫn – chính từ sự đòi hỏi ấy tôi phải tìm kiếm ngôn ngữ hội họa của riêng mình cũng như các chất liệu thích hợp. Để thực hiện những ý tưởng của mình, tôi quan sát, nghe, đọc rất nhiều nhằm tạo nguồn năng lực làm việc.
Có thể nói những sáng tác của tôi đều đến từ tình yêu với cuộc sống này và được tôi hiến dâng lại cho cuộc sống. Nói cách khác, tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị thực sự khi nó chứa đựng cảm xúc sáng tạo mang dấu ấn cá nhân và thời đại mà người nghệ sĩ đang sống.
Cách nào để một người họa sĩ có thể tạo cảm hứng cho bản thân mình?
Muốn tạo nguồn cảm hứng liên tục thì phải kiên nhẫn, điều này không có gì mới nhưng người ta hay quên và thường sao nhãng bởi những ham muốn khác. Trong sáng tác, để tạo được sự phong phú và khác biệt (nghệ thuật đương nhiên phải khác biệt) thì người nghệ sĩ phải bộc lộ được nội tâm của mình với những trăn trở hoặc xúc động rất riêng, rất mạnh mẽ, có khả năng lay động người xem và hướng họ đến cảm xúc đẹp đẽ. Điều đó làm cho cuộc sống đáng yêu hơn.
Những biểu tượng (icon) trong các tác phẩm ông thường lặp đi lặp lại; có tính liên tục nhưng lại bất quy tắc trong từng nhịp điệu một cách rất khác lạ: thoạt trông dường như chỉ để trang trí nhưng lại mang một tín hiệu chuyên biệt trong mỗi tác phẩm. Ông có thể cho biết nguồn cảm hứng sáng tạo nên những icon này?
Những icon này được sáng tạo từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau và tôi rất hứng thú được ký hiệu hóa, mã hóa nó theo cách của mình. Tạo icon theo ký hiệu, mã hóa tôi muốn người xem tham gia vào tác phẩm, tưởng tượng thêm nữa và từ đó cái đẹp cứ nhân mãi lên.
Các tác phẩm hội họa Việt Nam thường được định giá rất thấp trong các cuộc đấu giá quốc tế, kể cả tác phẩm của các danh họa hàng đầu. Vì sao tranh Việt Nam có thể có giá trị nghệ thuật nhưng chưa có trị giá thương mại? Theo ông, đâu là sự khác biệt giữa đầu tư, sưu tập nghệ thuật với phòng tranh buôn bán tác phẩm?
Chung quanh đề tài này, theo tôi có những yếu tố sau: thứ nhất, ở Việt Nam hầu như chưa có gallery hoạt động đúng nghĩa là bệ phóng cho họa sĩ, thứ hai là các hoạt động tài trợ và hoạt động gallery hiện nay vẫn còn manh mún, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận là chính.
Làm gallery là đầu tư mạo hiểm, nghĩa là phát hiện những nghệ sĩ có năng lực, tạo điều kiện và môi trường để họ phát triển theo thời gian thì mới mong thành công. Việc chưa có nhiều gallery hoạt động đúng nghĩa phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố rất quan trọng là chiến lược phát triển cấp quốc gia. Có nhiều gallery hoạt động sẽ tạo điều kiện cho họa sĩ Việt Nam có cơ hội cọ xát nhiều hơn nữa, từ đó bật ra những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật và giá trị thương mại.
Cảm ơn ông.
Họa sĩ Huỳnh Phú Hà bắt đầu sáng tác từ thập niên 1980 với khuynh hướng sáng tác biểu hình và với chất liệu sơn dầu. Tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ XVIII, tranh dân gian Hàng Trống, tranh của Henry Matisse là những nguồn cảm hứng của ông. Trong một thập niên trở lại đây, Huỳnh Phú Hà sử dụng những mảng hình trừu tượng, kết hợp mạnh mẽ với tả thực, từ ngữ được đưa vào tranh để hoàn thiện mạch liên tưởng; hình ảnh còn mang yếu tố siêu thực, biểu tượng, tạo nên một sắc thái và tính chất gợi cảm mới lạ. Mặt khác, ông chuyển sang sử dụng chất liệu acrylic, kết hợp cắt dán và một số thủ thuật tự do tùy hứng.
- P.V thực hiện