Hằng năm, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, người dân ở Kyoto thường tổ chức ngắm hoa (花見-hanami) dưới những cây anh đào trắng và hồng đang nở rộ. Các lễ hội hoa anh đào không chỉ nổi tiếng ở Kyoto, Tokyo hay Osaka (Nhật Bản) mà đã truyền cảm hứng cho nhiều nơi trên thế giới như Washington D.C. (Mỹ), Vancouver (Canada), Stockholm (Thụy Điển) hay Bonn (Đức). Nhưng biến đổi khí hậu đang khiến mùa hoa anh đào ngày càng khó nắm bắt.
Truyền thống ngắm hoa anh đào khởi nguồn lâu đời ở Nhật Bản đã phát triển từ một thú vui quý tộc thời xưa và trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong cuộc sống của người dân đất nước mặt trời mọc qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay.
Những đám đông tụ tập ngoài công viên tổ chức những bữa tiệc lớn nhỏ dưới những tán hoa anh đào rực rỡ, trong tiếng chim hót líu lo, tiếng màn trập máy ảnh tách tách…
Những sự kiện xã hội như thế tạo ra một nguồn thu rất lớn, thúc đẩy ngành du lịch, nhu cầu về khách sạn lưu trú, ẩm thực và những dịch vụ khác.
Ghi chép tỉ mỉ ngày nở hoa anh đào
Mùa xuân năm nay, hoa anh đào ở Kyoto đạt đỉnh vào ngày 26-3-2021, được ghi nhận là sớm kỷ lục trong hơn 1.200 năm qua (vượt qua kỷ lục trước đó vào ngày 27-3-1409). Đó là một chỉ báo thuyết phục về hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ngày hoa anh đào nở rộ vốn khá ổn định trong khoảng 1.000 năm (từ 812 – 1800). Từ những năm 1.800 trở đi, sự ấm lên của Trái đất dẫn đến xu hướng ra hoa sớm và kéo dài đến ngày nay.
Ở Kyoto, hoa anh đào nở sớm diễn ra trong vòng 100-150 năm qua. Năm 1850, ngày ra hoa vào khoảng 17-4 thì bây giờ đã lùi lại 5-4. Nhiệt độ ở Kyoto trong khoảng thời gian này đã tăng 3,4 độ C.
Dữ liệu đồ sộ về hoa anh đào của Nhật Bản được ghi chép đều đặn, tỉ mỉ, được lưu trữ và duy trì bởi các hoàng đế, giới quý tộc, quan chức và các nhà sư qua nhiều thế kỷ, là kho báu vô giá cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu về BĐKH và sự ấm lên toàn cầu.
- Xem thêm: Nhật Bản trong mùa hoa anh đào nở rộ
Chỉ riêng việc nở hoa của hoa anh đào ở núi Nhật Bản đã được ghi chép cẩn thận đến 732 lần kể từ thế kỷ thứ 9, thể hiện kỷ lục dài nhất và đầy đủ nhất về một hiện tượng tự nhiên theo mùa so với bất kỳ nơi nào trên thế giới đã được thực hiện.
Sàng lọc qua chuỗi dài 1.200 năm, các nhà khoa học đã chỉ ra một xu hướng rõ ràng, rất giống với quá trình BĐKH. Khi mùa xuân ở Bắc bán cầu đến sớm hơn cùng sự nóng lên toàn cầu, một số loài thực vật và động vật cũng thay đổi mô hình hoạt động của chúng, bao gồm cả hoa anh đào nở.
Các nơi có lễ hội hoa trên thế giới cũng ghi nhận hiện tượng tương tự. Vài ngày trước, tôi nhận được thông tin từ người anh ở Washington D.C. về những cây hoa anh đào tại Tidal Basin gần Nhà Trắng, do Nhật Bản tặng vào năm 1912.
Năm nay hoa nở rộ đạt đỉnh vào chủ nhật 28-3, trước vài ngày so với mức trung bình 30 năm gần đây. Năm 2020, hoa anh đào ở đây cũng nở trước khoảng hai tuần so với mức trung bình là ngày 3-4 (năm 1921), một hiện tượng lạ sau những mùa xuân ấm áp một cách bất thường.
Nước Mỹ cũng lưu giữ hồ sơ về ngày nở hoa cao điểm từ năm 1921. Theo một kịch bản về BĐKH mà các nhà khoa học tại ĐH Washington ước tính, ngày nở rộ cao điểm ở khu vực này của Hoa Kỳ sẽ tăng trung bình 5 ngày vào năm 2050 và 10 ngày vào năm 2080.
Patrick Gonzalez, một nhà khoa học khác về BĐKH tại ĐH California, Berkeley, nói nghiên cứu gần đây mà ông cùng đồng nghiệp thực hiện cho thấy “BĐKH do con người gây ra đã làm tăng nhiệt độ tại đài tưởng niệm Martin Luther King, Jr. trên Tidal Basin – nơi trồng những cây anh đào có ý nghĩa thống kê – là khoảng 1,1 độ C (từ năm 1895 đến năm 2017)”.
Ông cũng chỉ ra nghiên cứu về hoa anh đào nở sớm hơn ở Kyoto dựa trên dữ liệu 1.200 năm và các bài báo nghiên cứu được công bố của các nhà khoa học khác gần đây dự báo sự nở hoa nhanh chóng là do BĐKH.
Nghĩ về tương lai trước khi quá muộn
Do tính nhạy cảm với nhiệt độ mùa đông và đầu mùa xuân, thời điểm nở hoa anh đào là một chỉ số lý tưởng về tác động của BĐKH đối với đời sống của hệ thực vật.
Theo nghiên cứu của Richard Primack, thuộc ĐH Boston (Mỹ) về tác động của BĐKH đối với hoa anh đào ở Kyoto, Nhật Bản đã đóng góp những số liệu và nghiên cứu có giá trị qua các ghi chép dài hạn về thời gian nở hoa anh đào và các hiện tượng sinh thái khác.
Sự trải rộng theo vĩ độ của vị trí địa lý Nhật Bản cũng tạo cơ hội để kiểm tra các loài thực vật trong các điều kiện môi trường khác nhau.
- Xem thêm: Lung linh sắc hoa anh đào xứ Phù Tang
Các ghi chép ở Kyoto về thời gian tổ chức lễ hội hoa anh đào từ thế kỷ thứ 9 đã tái tạo khí hậu trong quá khứ và chứng minh sự gia tăng nhiệt độ cục bộ liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và đô thị hóa.
Có lẽ đây là những ghi chép kỷ lục hằng năm dài nhất về thực vật khí hậu học (phenology – việc nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên theo chu kỳ và theo mùa, đặc biệt là liên quan đến khí hậu và đời sống động thực vật) so với bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Điều này cũng cho thấy thời điểm nở rộ nhất của hoa anh đào tại Kyoto vào ngày 26-3-2021, sớm hơn bất kỳ thời điểm nào trong 1.200 năm trở lại đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Primack cũng lập bản đồ chi tiết về thời gian ra hoa anh đào trong nội thành, cũng như các vùng ngoại ô xung quanh Osaka và nhiều thành phố khác ở Nhật Bản.
Chúng cho thấy quá trình đô thị hóa khiến cây ra hoa trong thành phố sớm hơn so với các công viên lân cận và các khu vực ngoại ô xa xôi. Nghiên cứu này cũng đưa ra hồ sơ về hình thái học của các loài thực vật và động vật được ghi lại tại hơn 100 trạm thời tiết trên khắp Nhật Bản, cho thấy các loài khác nhau rất nhiều về phản ứng hình thái học của chúng đối với BĐKH.
Ông khuyến nghị cần có các nghiên cứu sâu hơn, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về BĐKH, hiện tượng thay đổi của các sinh vật và những ảnh hưởng tiếp theo trong tương lai.
Những cánh hoa anh đào đang thay đổi, điều này làm nhiều truyền thống của Nhật Bản đã tồn tại hàng trăm năm mất dần. Các dự báo dựa trên dữ liệu lịch sử cho thấy nếu nóng lên 2,5 độ C, hoa anh đào ở Takayama, một thành phố miền núi nằm giữa Kyoto và Tokyo, sẽ rụng hết ngay vào lúc bắt đầu diễn ra lễ hội mùa xuân hằng năm.
Thật không may, thực vật và động vật đang tự thay đổi để ứng phó với BĐKH có thể làm cho tương tác quan trọng giữa các loài không đồng bộ với nhau, như nở hoa rồi không thể thụ phấn.
Sự dịch chuyển này là nguyên nhân gây ra thảm họa đối với mùa màng của nông dân, vì không phải lúc nào cũng dự đoán trước được tình hình thời tiết, khí hậu hằng năm như trước.
Tất nhiên, hoa anh đào không phải là loài thực vật duy nhất bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên nhanh chóng của toàn cầu. Những cánh hoa anh đào tuyệt đẹp xuất hiện mang lại niềm vui ngày xuân cho chúng ta, nhưng sự xuất hiện quá sớm của chúng sẽ mang đến lời cảnh báo không hề dễ chịu về những gì sắp xảy ra với nhân loại.
Kyoto cũng là nơi “nghị định thư Kyoto” liên quan đến Công ước khung Liên Hiệp Quốc về BĐKH được ký năm 1997.
Ngành công nghiệp không khói
Theo ĐH Kansai, ước tính có khoảng 63 triệu lượt người trong và ngoài nước đi du lịch tại Nhật Bản để xem hoa anh đào nở, và họ chi tiêu khoảng 2,7 tỉ USD trong thời gian này, trong đó lượng khách nước ngoài khoảng 31 triệu người (số liệu năm 2018). Tại Washington, thủ đô Hoa Kỳ, các nhà tổ chức lễ hội hoa anh đào ước tính đón khoảng 1,5 triệu du khách, bỏ ra hơn 150 triệu USD chi tiêu.
Tuy nhiên những năm gần đây, ngày càng ít khách du lịch tham gia lễ hội hoa anh đào hơn do thời gian nở hoa thay đổi và khó dự báo. Thời tiết mùa xuân đang trở nên ấm dần và đến rất sớm, ảnh hưởng đến ngành du lịch, một trong những động lực chính của nền kinh tế Nhật Bản.