Theo mấy người “hiểu chuyện” thì mỗi khi cầu con phải vén áo, chui vào lòng “Ông” mới linh ứng. Ai cũng mong con mình sau này trở thành người hữu ích cho xã hội, thành đứa con hiếu thảo, thiện lương… nên đều chui vào lòng Ông Thiện chứ không ai chui vào lòng Ông Ác.
Chùa còn sáng nước sơn, nhưng nổi tiếng linh ứng hàng trăm năm qua, không những người dân quanh vùng mà không ít người ở nơi khác đến cầu bình an, cầu con, cầu phúc… Chùa dựa lưng vào núi Long Cốt (trên núi xưa kia có 3 ngọn tháp nên còn có tên Tam Tháp Sơn) làm tiền án cho thành Đồ Bàn. Ngôi chùa này cũng được 2 đời vua ban sắc phong (Tự Đức thứ 17 – 1864 và Bảo Đại thứ 18 – 1944). Đó là chùa Ông Đá (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định). Chùa Ông Đá là tên gọi của dân gian, vì nơi đây thờ 2 pho tượng bằng đá cao to như người thật.
Từ tín ngưỡng dân gian…
Xưa kia, vùng đất này gọi là Gò Tam Tháp thuộc kinh đô Đồ Bàn – Vijaya của người Chăm. Khi người Việt đến, thấy 2 pho tượng này bèn lập chùa thờ phụng, và dĩ nhiên ngày đó, ngôi chùa này chỉ là chùa nhỏ, thậm chí chỉ là một gian nhà cỏ. Về sau, cuộc sống khá hơn, nhân dân trong vùng cùng với khách thập phương đóng góp trùng tu qua nhiều lần mới có được như ngày nay và có mỹ tự: Thạch Công Tự, rồi Nhạn Sơn Tự. Tên mới bây giờ là Nhạn Sơn Tự (chùa Nhạn Sơn), nhưng dân gian vẫn gọi là chùa Ông Đá, hoặc chùa Ông Đỏ – Ông Đen.
Ông Đá là tên gọi có từ ban đầu, bởi dân gian thấy sao gọi vậy và tôn kính gọi là “Ông” theo tín ngưỡng dân gian, như: Ông Mãnh, Ông Ba Móng, Ông Hổ, Ông Bình Vôi, Ông Tý… Sau đó, thấy người ta sơn một pho tượng màu đen, một pho tượng màu đỏ, nên gọi là Ông Đen – Ông Đỏ, gọi là chùa Ông Đen – Ông Đỏ. Hai pho tượng này sau khi sơn thì nhiều người gọi pho tượng sơn đỏ là Ông Thiện, pho tượng sơn đen là Ông Ác, gọi là chùa Ông Thiện – Ông Ác. Nhưng tên chùa Ông Đá được nhiều người biết hơn.
Theo truyền thuyết trong dân gian thì 2 pho tượng này là 2 người bạn thân: Huỳnh Tấn Công (quê ở Hóa Châu) và Lý Xuân Điền (quê ở Ninh Bình), sống và làm quan thời nhà Trần. Một lần, Huỳnh Công Tấn vâng lệnh vua, mang quân đến Chămpa nhưng chẳng may bị bắt làm tù binh. Nhờ biết y lý, Huỳnh Tấn Công chữa khỏi bệnh cho vị quan Chămpa nên được trọng dụng. Lý Xuân Điền nghe tin bạn bị giam giữ ở đất Chiêm nên quyết chí vào xứ người tìm bạn. Và họ đã gặp nhau. Cảm động trước tình bạn cao quý, vị quan Chămpa cho phép 2 người trở về cố quốc, và cho thợ tạc tượng 2 ông để lưu lại cho hậu thế.
- Xem thêm: Nhà vuông ở Nam bộ
Truyền thuyết là như thế, nhưng nhiều nhà khảo cứu xác định trong lịch sử Việt Nam không có chuyện này, cũng không có 2 nhân vật Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền. Với tôi, điều này cũng dễ hiểu, bởi trong tâm thức người Việt thì chỉ có người Việt mới nghe và hiểu được tiếng lòng của người Việt, mới giúp đỡ người Việt, chứ một khi đã khác máu ắt phải tanh lòng, cầu khấn nhiều bao nhiêu cũng vô ích, bởi người ta không hiểu mình nói gì, muốn gì. Ngay cả vua Gia Long khi vừa lên ngôi (1802), liền cải danh, cải tánh, cải quốc tịch Nữ thần Poh Yang Inư Nagar được người Chăm thờ phụng bao đời, có thần phả, có linh ứng, thành Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và sắc phong làm Thượng đẳng thần, có thần phả là người Việt, có nhiệm vụ “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân của ta) và ra lệnh “khâm tai!” (hãy tuân theo sắc phong này).
Đến Hộ pháp nhà Phật
Khi chúng tôi đến viếng chùa, thấy không thiếu người đang “hữu sự tất cầu”. Có người phụ nữ trẻ mặc bộ đầm trắng tinh khôi đang chui vào lòng Ông Thiện. Mấy người bên cạnh tôi cho biết cô ấy cầu con. Theo mấy người “hiểu chuyện” thì mỗi khi cầu con phải vén áo, chui vào lòng “Ông” mới linh ứng. Ai cũng mong con mình sau này trở thành người hữu ích cho xã hội, thành đứa con hiếu thảo, thiện lương… nên đều chui vào lòng Ông Thiện chứ không ai chui vào lòng Ông Ác.
PGS-TS Trần Hoài Anh (ĐH Văn Hóa) hỏi tôi có tin không? Tôi cho rằng “linh tại ngã, bất linh tại ngã” (tin do mình, không tin do mình), chẳng ai có quyền ép buộc mọi người phải tin theo ý nghĩ chủ quan của mình cả. 2 pho tượng đá này đã được các nhà khoa học khẳng định là 2 tượng Dvarapala (thần giữ cửa). Nhìn thấy 2 con rắn quấn dưới 2 ống chân của pho tượng, tôi tin là như thế. Trong những ngày chuẩn bị thi tú tài phần thứ nhất và tú tài phần thứ hai, tôi không ít lần đến Cổ Viện Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm – TP Đà Nẵng) ôn bài, vì nơi đây yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, và đã thấy tượng thần này. 2 tượng thần Dvarapala ở chùa Nhạn Sơn, nay được người đời kết thêm râu, đội thêm mũ, mặc thêm áo, tay cầm vũ khí để thêm phần oai nghi cần có cho vị thần mà nhân dân quanh vùng cho là “cầu được ước thấy” này.
May mà chùa Nhạn Sơn có được 2 tượng đá cùng lúc, chứ chỉ có một tượng thì khó thành chuyện ông Thiện, ông Ác. Phật giáo xứ ta, ảnh hưởng nhiều Phật giáo Đại thừa, nên không ít chùa có tượng Ông Thiện, Ông Ác. Đây là cặp đôi hộ pháp: Vi Đà Tôn Thiên Bồ tát và Diện Nhiên Vương Bồ tát. Theo Phật thoại, trong những vị thiên thần hộ pháp thì thần Vi Đà có tài năng chạy nhanh như bay. Tương truyền, sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, có con quỷ tên “Tiệp Tật” lén đến trộm chiếc răng xá lợi của Phật. Vi Đà Tôn Thiên trông thấy bèn đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ “Tiệp Tật”, đoạt lại chiếc răng xá lợi của Phật, dẫu “Tiệp Tật” cũng có tài chạy nhanh như gió. Qua việc này, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp của Phật Tổ (chứa xá lợi Phật). Kể từ đó, hình tượng Vi Đà được mang ý nghĩa bảo vệ an toàn cho Phật pháp.
- Xem thêm: Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Truy nguyên, vị thần này được thờ từ thời xa xưa ở Ấn Độ rồi lan truyền đến các quốc gia lân cận. Với Bà la môn giáo, ngài được xem là Chiến thần. Khi Phật giáo Đại thừa tiếp thu, ngài được gọi tôn kính là Vi Đà Tôn Thiên Bồ tát, làm nhiệm vụ Hộ pháp của Phật giáo. Các chùa ở ta thờ cặp đôi hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ tát – Diện Nhiên Vương Bồ tát, thông thường có hình tướng giống hệt như nhau, ngồi trên sư tử, hoặc cặp đôi đứng, hoặc một già – một trẻ, hoặc một dữ – một hiền, hoặc một người có mặt trắng – một người có mặt đen, hoặc một người có mặt trắng – một người có mặt đỏ, dân gian gọi là “Ông Thiện – Ông Ác”. Nhưng Ông Thiện, Ông Ác có mặt đỏ, mặt đen như ở chùa Nhạn Sơn là điều hiếm thấy.
Chuyện cầu con, cầu ở Ông Thiện như những ý kiến mà tôi đã nghe được và người phụ nữ trẻ được kể trên, là suy nghĩ của dân gian, chứ “Ông Ác” theo kinh sách Phật giáo là Diện Nhiên Vương Bồ tát, còn gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ. Đây là hóa thân của ngài Quán Thế Âm Bồ tát, chuyên hàng phục yêu ma, cứu độ chúng sinh. Trong kinh Trung Bộ I, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tính, ác tính; có hạng dễ giáo hóa, khó giáo hóa… Như sen trong hồ xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt…”. Do vậy, phải tùy duyên hóa độ. Có người dùng lời hiền hòa, cử chỉ thương yêu chỉ dạy họ liền cảm mến nghe theo. Có người ngang bướng dùng lời hiền hòa nói họ không chịu nghe, buộc lòng phải có thái độ dường như ác dữ mới chuyển họ được. Và Quán Thế Âm Bồ tát đã phải vào vai “Ông Ác” để cảm hóa loài chúng sinh này.
Nhờ 2 pho tượng đá
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, thì “Chùa Mạn Sơn (?) tục gọi là chùa Ông Đá, ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía Nam thành Chà Bàn. Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao 6 thước, lung rộng hơn 5 thước, một pho sơn son, một pho sơn then, thầy chùa chế áo xiêm, mũ đai bằng vải vẽ hình mây rồng mặc vào, trông như hình người còn sống. Tương truyền tượng ấy là tượng Phật của người Chiêm Thành. Cầu đảo thường ứng nghiệm” (T.3, NXB Thuận Hóa, 2006, trang 59). Rõ ràng, đây là ngôi chùa cổ. Nhưng qua thời gian chiến tranh kéo dài, sự cổ kính của ngôi chùa xưa không còn ngoài 2 pho tượng đá. Và chùa Nhạn Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia cũng nhờ vào 2 pho tượng này, mặc dù gọi là “Di tích Kiến trúc nghệ thuật chùa Nhạn Sơn (chùa Ông Đá)”. Văn bia Di tích dựng trước cổng chùa ghi rõ: “Di tích đan xen hai nền văn hóa Việt – Chăm, nơi lưu giữ hai tượng Dvarapala – thần bảo vệ đền tháp của Khu Phế tích Gò Tam Tháp, niên đại thế kỷ XIII, điêu khắc thể hiện phong cách nghệ thuật giai đoạn Vijaya.
Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, ngày 13-3-2001.
Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích”.
Nhìn mọi người thành kính khấn cầu, PGS-TS Trần Hoài Anh hỏi tôi, nếu thực sự cầu được ước thấy thì tôi sẽ cầu gì. Tôi cười vui, nói rằng nếu được thì tôi cầu xin làm vua, nhưng thời đại quân chủ phong kiến đã qua lâu rồi, nên có cầu cũng không được. Vả lại, hai vị thần này là thần giữ cửa nên không đủ thần lực giúp tôi đạt được ước mơ, nhiều lắm là chờ khi không có vua, hé cửa cho tôi dòm ngai vàng một tí là can đảm lắm rồi.
PGS-TS Trần Hoài Anh động viên tôi hãy chờ kiếp sau. Ừ, thì chờ kiếp sau hoặc nhiều kiếp sau cũng vui. Với tôi, đã không ước mơ thì thôi, nếu đã ước mơ thì ước mơ lớn một chút để cuộc đời mài tới mài lui, còn lại không tới nỗi nào.
- Xem thêm: Tản mạn tín ngưỡng dân gian