Chiều 2-4-2017, phiên đấu giá Nghệ thuật hiện đại và đương đại tại nhà Sotheby’s ở Hongkong đã đưa lên sàn tranh của một số Họa sĩ tiền phong nổi tiếng các nước Đông Nam Á như Lê Phổ, Lee Man Fong và Georgette Chen (Singapore), Affandi (Indonesia), Vicente Silva Manansala (Philippines)… và các họa sĩ châu Âu đã đến sống và vẽ tại khu vực này như Adrien Jean Le Mayeur De Merprès (Hà Lan, Indonesia), Romualdo Frederico Locatelli (Ý, Indonesia), Joseph Inguimberty (Pháp, Việt Nam)… Bức Võng (Le Hamac) của Joseph Inguimberty đã được bán với giá khá cao: 970.292 USD. Đây là một trong rất nhiều tác phẩm của ông vẽ cảnh và người Việt Nam.
Trong vựng tập triển lãm tranh của Joseph Inguimberty tại gallery Alexis Pentcheff (Marseille, Pháp) vào năm 2012, nhà sử học nghệ thuật Giulia Pentcheff đã viết:
“Vào buổi giao thời của thế kỷ XX, Việt Nam đã trải nghiệm một sự biến đổi mãnh liệt trong lịch sử mỹ thuật, dẫn tới sự định hình về mặt sáng tạo của các nghệ sĩ tạo hình tiền phong ở đất nước này. Một trong những dấu ấn của sự biến đổi này là sự ra đời của các trường mỹ thuật tại xứ thuộc địa của người Pháp, đặc biệt là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l’Indochine) tại Hà Nội. Ngôi trường này là cái nôi của các họa sĩ bản xứ đã tìm thấy sự hòa điệu giữa cái nền thực hành nghệ thuật truyền thống Việt Nam với mỹ học phương Tây – một sự kết hợp đã dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn khung cảnh mỹ thuật Việt. Trong sự chuyển đổi này, có một nhân vật chủ yếu là họa sĩ người Pháp Joseph Inguimberty (1896-1971).
Từ ngày đầu tiên khai giảng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, Joseph Inguimberty đã cho thấy nhãn quan và vốn liếng nghệ thuật hào phóng của ông. Trong số nhiều họa sĩ châu Âu định cư tại Đông Nam Á lúc ấy, Inguimberty là một nhà cách tân hiếm hoi, người mà nghệ thuật và những gì ông để lại cho đời đã phản ánh sự ngưỡng mộ đến mức mê say đối với Việt Nam. Những năm tháng ông giảng dạy tại trường không chỉ kích thích sự hồi sinh của tranh sơn mài Việt mà còn khẳng định vai trò của ông như là một bậc thầy thông thái đối với các thế hệ họa sĩ bản xứ, gồm Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân và nhiều người khác”.
Đặc biệt là bức tranh Võng được Giulia Pentcheff đề cập rất chi tiết:
“Trong hai mươi năm sống ở Việt Nam, họa sĩ quê quán ở Marseille Joseph Inguimberty đã vẽ được nhiều bức tranh trong số những sáng tạo hứng khởi nhất của sự nghiệp hội họa của ông… Thoát khỏi những mô tả dạng du ký ở một xứ sở xa lạ, tác phẩm của Inguimberty là thành quả của một sự hôn phối sâu sắc với các thành tố phức tạp mà đẹp đẽ của xã hội Việt Nam, với phong cảnh và con người thôn dã hết sức đa dạng. Với kích thước lớn và đầy sức quyến rũ, tác phẩm Võng đã cho thấy tài năng của Inguimberty trong nắm bắt tinh thần của môi trường chung quanh cũng như đã chắt lọc các nét đặc trưng cơ bản của chủ đề với phong cách tạo hình rực rỡ riêng biệt của ông. Bức tranh dài đến 3m này minh chứng vị trí của Joseph Inguimberty với tư cách một trong những họa sĩ Việt Nam hiện đại xuất sắc nhất.
Sự nghiệp nghệ thuật đạt tới đỉnh cao của Joseph Inguimberty được ghi nhận rất sớm từ lúc ông còn là một thiếu niên 14 tuổi được nhận vào học Trường Mỹ thuật Marseille. Ông tiếp tục theo đuổi đam mê của mình về mỹ thuật và kiến trúc khi thi vào Trường Cao đẳng Quốc gia Nghệ thuật trang trí Paris năm 1913. Những năm tháng ở Paris đặt nền tảng cho hội họa của ông, giúp ông kết bạn lâu dài với các họa sĩ như Maurice Brianchon, Raymond Legeult và Roland Oudot, và được sự hướng dẫn của họa sĩ Eugène Morand, bấy giờ là giám đốc ngôi trường danh giá ấy. Thế nhưng việc học của Inguimberty bị gián đoạn vì Thế chiến I bùng nổ; ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong một đơn vị bộ binh cho tới khi bị thương trong một trận đánh ở Reims. Có lẽ những chấn thương gây bởi chiến tranh đã khuấy động tâm hồn Inguimberty, dẫn tới một ước muốn mãnh liệt trong sáng tác của ông: thể hiện những niềm vui sống giản dị, sự cần lao và thế giới tự nhiên không bị tàn phá… Không giống như nhiều họa sĩ thời hậu chiến đi tìm các khuynh hướng mới của hội họa trừu tượng, Inguimberty thích thể hiện cảm xúc từ thực tại cuộc sống và phát triển một phong cách hiện thực riêng biệt. Bức Võng cho thấy sự chín chắn và sự thấu hiểu của ông về phong cách nghệ thuật, không bị tác động bởi các yêu cầu về thương mại lúc bấy giờ.
Thế nhưng ở tuổi 29, Inguimberty vẫn muốn đi tìm những cảm hứng bên ngoài châu Âu. Cơ hội đến với ông khi họa sĩ được mời làm giáo sư về nghệ thuật trang trí cho Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1924, họa sĩ Victor Tardieu cũng là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Quốc gia Nghệ thuật trang trí Paris, đã từ Việt Nam sang thủ đô nước Pháp cùng với người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với ông là họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ) nhằm tìm những người thầy đầu tiên cho ngôi trường mới thành lập tại Hà Nội. Joseph Inguimberty đã mau chóng tham gia cùng với hai người sáng lập ấy với tư cách là cột trụ thứ ba của ban lãnh đạo tiền phong gồm ba người.
Chuyến đi đến Hà Nội đã trở thành điểm ngoặt trong sự nghiệp nghệ thuật của Inguimberty khi ông lập tức bị hút hồn bởi cảnh sắc tuyệt mỹ nơi quê hương mới. Mê say những phong cảnh mới mẻ, ông khám phá đồng bằng Bắc bộ, vịnh Hạ Long và vùng cao phía bắc để tìm kiếm những cảnh quan lộng lẫy như những gì được ông thể hiện trong bức Võng. Trong khi Victor Tardieu thích dạy sinh viên trong xưởng vẽ thì Inguimberty lấy thiên nhiên làm mẫu và khuyến khích học trò của mình trực họa từ cuộc sống, giới thiệu với họ cách thực hành vẽ ngoài trời. Chịu ảnh hưởng của những hình mẫu tự nhiên, ông thường đạp xe tới vùng nông thôn để vẽ những vùng đầm lầy, những bụi cây ở ngoại vi thủ đô Hà Nội chộn rộn. Là một di cảo nghệ thuật sắc sảo cả về màu sắc lẫn không gian, Võng còn là thành quả thời gian mà Inguimberty trải nghiệm giữa cuộc sống dân dã làng quê Bắc bộ. Những chân dung con người Đông Dương trong tranh ông thật phi thường bởi họ đến từ những hình mẫu dân tộc học tuyệt đẹp, mô tả người Việt Nam mà họ đại diện. Họa sĩ muốn minh họa cuộc sống thường nhật của những con người đã định hình chính các phong cảnh mà ông yêu thích vẽ, bất kể giữa lúc họ đang lao động hay nghỉ ngơi.
Người xem tranh được dẫn dắt vào một khung cảnh thật đáng yêu, nơi một nhóm phụ nữ Việt Nam tắm mình trong bóng râm của xứ nhiệt đới, thưởng thức những giai điệu của cây đàn đáy. Thật là một kiệt tác lý tưởng cho thấy mối quan hệ về hình và cách dùng màu thiện nghệ của Inguimberty. Thanh lịch trong những tà áo dài, các cô gái trong tranh là một trong những chủ đề tiêu biểu và được yêu thích nhất của họa sĩ khi ông nắm bắt được cung cách yêu kiều của họ trong một trạng thái cảm xúc toàn vẹn”.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng Nguyễn Quang Phòng (1924-2013) từng mô tả “Inguimberty giống hệt như một họa sĩ Việt Nam, người am hiểu và yêu mến quê hương mình”. Nhận xét ấy thật chính xác.
- Đăng Nguyên